Nghẹt thở ở xóm hầm than

ThienNhien.Net – Mười năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm khói, bụi từ các lò than ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động rất lớn đến môi trường cũng như năng suất cây trồng. Đã nhiều lần địa phương họp dân để tìm ra phương pháp giải quyết nhưng đến nay, hàng ngàn người dân cùng nhiều vườn cây ăn trái nơi đây vẫn sống chung với khói, bụi.

Lợi bất cập hại

Ông Huỳnh Văn Luận – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa cho biết: “Toàn xã có 742 lò hầm than, tập trung chủ yếu ở 2 ấp Hòa Thành và Hòa Lộc. Xóm hầm than Xuân Hòa có từ trước năm 1975, lúc đó chỉ lác đác vài hộ làm thôi, thấy có ăn nên nhiều lò than mọc lên và phát triển nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi Đài Loan và TP Hồ Chí Minh hợp đồng với số lượng lớn thì số lò than tăng lên gấp 3 – 4 lần, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Cũng nhờ các hầm than này mà đời sống bà con trong vùng trở nên khá giả”.

Theo nhiều hộ dân trong nghề cho biết, làm than củi lợi nhuận dù không cao nhưng cũng đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Trung bình mỗi lò sản xuất ra 10 tấn than/lần đốt, lợi nhuận thu về khoảng 10 triệu đồng/45 ngày.

Có kinh nghiệm làm than củi trên 30 năm, bà Đặng Thị Bé Ba – ấp Hòa Thành đang sở hữu 12 lò than cho biết: “Tính ra thời buổi này làm than có ăn hơn làm vườn. Mỗi mẻ lò thu lợi nhuận ít nhất cũng trên 5 triệu đồng. Những lúc giá củi rẻ, giá than tăng cao thì lợi nhuận còn tăng gấp 2 – 3 lần”. Theo bà Bé Ba, làm than có lợi ở chỗ sản phẩm làm ra nếu được giá thì chủ lò bán ngay, còn thấp quá thì trữ lại chờ giá tăng, mà hiện nay thị trường than rất được ưa chuộng nên việc thua lỗ ít khi xảy ra. Mặt khác, hiện tại đầu ra của nghề này rất ổn định vì có hợp đồng với các thành phố lớn như TP HCM, Côn Đảo, Phú Quốc, Đài Loan và các thương lái khác đến thu mua tại chỗ, không sợ tồn đọng hàng.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, nghề làm than củi còn giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi địa phương. Thông thường, mỗi lò than cần trên dưới 10 lao động, từ khâu khuân vác củi, than thành phẩm, chất củi vào lò, lấy than ra lò… Trung bình, mỗi ngày công người lao động thu về từ 200.000 -300.000 đồng. Việc làm cũng thường xuyên nên nhiều hộ không có đất và vốn sản xuất cũng có thể sống được với nghề làm thuê này.

Tuy nhiên, đằng sau cái lợi đó thì làng nghề hầm than Xuân Hòa là nơi luôn luôn gây ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng tới sản xuất cũng như sức khỏe của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Nhiều hộ dân trồng cây ăn trái nơi đây phản ánh, hằng ngày, khói bụi từ các lò hầm than bay ra mù mịt cả vùng, hủy hoại rau màu, cây xanh trong vườn khiến không ít vườn cây ăn trái bị khói, bụi lò than tàn phá, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng trên mỗi ha cây trồng. Không chỉ thế, khói, bụi còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân trong xã, nhất là người già và trẻ em.

Anh Nguyễn Văn Trung – ấp Hòa Thành có 8 công vườn trồng cam nhưng 3 năm rồi cây không lớn nổi, toàn thân cây và trái đen sì vì khói bụi nên không ai mua. Anh Trung than thở: “Cam nào trồng lâu năm thì trái chỉ đậu chừng 50%, dù ra hoa nhiều nhưng bụi than bám nhiều quá, dễ bị rụng. Nếu có trái thì teo tóp, bên ngoài đóng một lớp bụi than đen. Còn cây trồng cách đây 3 năm thì lớn không nổi luôn, tất cả đều chuyển màu. Vì vậy, trái kém chất lượng nên thương lái không mua hoặc mua với giá thấp. Trong khi vốn đầu tư cao nên vụ nào cũng lỗ vốn vì bón phân nhiều”.

Toàn xã Xuân Hòa có khoảng 3.200ha diện tích cây ăn trái như cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt, xoài… Qua kết quả khảo sát, những vườn nằm trong vùng bán kính 500m nơi có lò hầm than, năng suất giảm 50% so với nơi khác. Vì thế, nhà vườn lỗ nặng khi đầu tư trồng cây ăn trái. Không chỉ vậy, khói bụi từ các lò hầm than ở Xuân Hòa cũng là nguyên nhân khiến nhiều thợ chụm lò, người già, trẻ em ở đây bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản… Những hộ nuôi gia súc trong vùng cũng than, đàn gia súc dễ bị nhiễm bệnh từ khói bụi.

Lò hầm than
Lò hầm than

Cấm không được, giải quyết không xong

Đặc thù của Xuân Hòa là trồng cây ăn trái nhưng nhiều năm nay khói bụi tràn lan, cây trồng không phát triển được. Đã nhiều lần dân phản ánh nhưng địa phương chưa giải quyết được vì đây là làng nghề truyền thống, không bắt họ bỏ được, chỉ cấm xây thêm lò nhưng nhiều hộ vẫn lén lút xây. Vả lại, giá trị kinh tế từ làng nghề đem lại thu nhập rất cao và không có luật nào cấm họ làm nghề này nên địa phương không thể phạt mỗi khi dân lén lút xây lò.

Như ông Luận trình bày, định hướng sắp tới nghề làm than Xuân Hòa sẽ tập trung thành một làng nghề, xây dựng hệ thống xử lý khói bụi bên cạnh lò than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Xử lý theo phương pháp này, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí 50% cho mỗi hộ. Di dời những ấp có vài lò lẻ tẻ về 2 ấp Hòa Thành, Hòa Lộc để tập trung sản xuất.

Dự tính là vậy, nhưng khi khảo sát nhiều hộ dân, việc di dời làng nghề và xây dựng hệ thống xử lý khói không dễ thực hiện chút nào bởi theo anh Nguyễn Văn Hoằng – nhân viên địa chính xã Xuân Hòa, trước đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã thí điểm xây hệ thống xử lý khói tại một số lò than, nhưng chưa có hiệu quả nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Hai ấp Hòa Thành và Hòa Lộc có 662 lò than hầm củi. Các lò này dường như hoạt động suốt ngày và không có hệ thống xử lý khói bụi, khiến cảnh vật xung quanh mọi thứ đều mang một màu đen, kể cả cây cầu Xuân Hòa được sơn màu xanh cũng đen kịt, không khí nồng nặc mùi than. Bà Bé Ba cho rằng: “Tôi cũng rất muốn sản xuất đảm bảo an toàn cho các vườn cây nhưng không biết xử lý bằng cách nào. Tôi cũng đi họp ở xã nhiều lần, nếu theo hướng giải quyết bằng cách xây dựng hệ thống xử lý khói bụi thì dân không theo nổi. Thứ nhất kinh phí cho một hệ thống quá cao, mỗi hệ thống khoảng 20 triệu mà tui tới 12 lò, trong khi đó nó rất hao điện. Thứ hai, trước đây có một số hộ từng thử nghiệm nhưng chất lượng than kém, nhẹ và dễ vỡ dẫn đến giá thấp”.

Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp xử lý khói bụi mới mà theo lời anh Hoằng, hiện ngành chức năng đang có kế hoạch tập trung các lò than vào một vùng thành một làng nghề, song, công tác triển khai còn “thắt nút” vì các ấp như Hòa Phú, Hòa An có vài lò không chịu di dời. Ông Nguyễn Thanh Trơn – ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa nói: “Nhà tui có 3 lò hầm than, nếu dời qua ấp khác rồi nhà cửa với vườn cây ăn trái bỏ đâu. Với lại, nếu dời đi phải tốn tiền mua đất khác, xây lò than lại, dời nhà cửa, nhiều chi phí lắm”.

Xuân Hòa được chọn là xã xây dựng nông thôn mới của huyện Kế Sách, hiện nay các ngành chức năng đang đau đầu vì vướng phải tiêu chí giao thông nông thôn và tiêu chí về môi trường. Theo ông Luận: “Để duy trì hoạt động sản xuất của người dân thì việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải bắt buộc phải thực hiện. Nhưng kinh phí đầu tư quá lớn, vốn sản xuất của người dân còn ít, do vậy dự án mới chưa được khả thi. Chúng tôi hi vọng các ngành chức năng sớm tìm ra biện pháp khắc phục, để làng nghề hầm than Xuân Hòa được “dễ thở” hơn”.