Khi đại ngàn chưa yên – Bài 2

Bài 2 – Phá rừng để trồng sắn

Vốn là vùng đất trù phú về tài nguyên rừng, khoáng sản, dược liệu… thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nhưng vài năm trở lại đây, xã Hiếu lại trở thành điểm nóng về phá rừng trái phép. Cảnh phá rừng diễn ra từ khoảng 2014, những cây gỗ lớn, nhỏ trong phạm vi canh tác đều bị chặt hạ, thậm chí có nơi bị đốt trụi để trồng sắn. Hiện sắn đã cao chừng nửa mét nhưng vẫn chưa phủ hết được các “xác” gỗ bị đốn hạ.

Bài 1: Lỗi tại chủ rừng?

Nhiều diện tích rừng tự nhiên tại xã Hiếu dần được thay thế bằng những rẫy mỳ (sắn)

Cách trụ sở xã chỉ vài cây số, từ Quốc lộ 24 rẽ vào đường Trường Sơn Đông, rừng tự nhiên ở hai bên đường cơ bản đã bị phá sạch. Khu vực này được giao cho cộng đồng thôn Vi Glơng quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, sát cạnh đó là kho chứa lúa của một hộ dân đang còn dựng dở, kho được che chắn bằng những tấm ván khá lớn, ước chừng 2m3. Chủ nhân kho chứa cho hay họ dựng được gần một tuần nay, gỗ được xẻ từ rừng 30a và không xin phép, “thiếu gỗ thì cứ vào rừng mà lấy”.

Kho chứa lúa của người dân “ngốn” hàng chục cây gỗ lớn

Chưa hết ngạc nhiên trước phát biểu của chủ kho chứa, nhóm tiếp tục mục sở thị cảnh tượng chặt phá rừng của một hộ khác. Lần theo tiếng cưa xăng, nhóm cùng cán bộ Lâm trường và cán bộ xã bắt tận tay một hộ đang chặt cây lấy gỗ làm nhà. “Có gì thông cảm cho bọn em, đây là gỗ tạp, em mới cưa 4 – 5 cây, nhà cửa xuống cấp quá, mùa mưa cũng gần tới, không phải chặt bán nọ kia đâu. Mình chặt có viết đơn gửi lên trưởng thôn ký rồi gửi lên xã, chính quyền cho phép mình mới làm, chính quyền không cho phép mình sao làm, đây là rừng cộng đồng quản lý” – chủ hộ biện minh.

Tại hiện trường có khoảng 10 cây gỗ đường kính từ 30 – 60cm, dài hàng chục mét vừa bị cưa đổ, xung quanh còn rất nhiều cây gỗ khác đã bị xẻ hộp từ một vài ngày trước đó.

Có mặt tại hiện trường, Chủ tịch UBND xã Hiếu Bùi Văn Vinh phân trần: “Việc khai thác gỗ làm nhà thì không chính quyền nào cho phép cả, rừng này đã giao cho cộng đồng thôn quản lý rồi. Qua trường hợp này, chính quyền địa phương sẽ cho lực lượng chức năng đến lập biên bản, có biện pháp răn đe và cắt tiền dịch vụ môi trường rừng của những hộ vi phạm”.

Rừng được giao cho cộng đồng quản lý nhưng họ cũng đồng thời là người chặt phá rừng

Hiện xã Hiếu có 15.000 ha rừng tự nhiên, do Lâm trường, Kiểm lâm địa bàn, UBND xã phối hợp quản lý, trong đó, có một số diện tích đã được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ, thậm chí, từ sự hỗ trợ của Dự án Quỹ các-bon cộng đồng , nơi đây còn thành lập các ban quản lý rừng cộng đồng và tổ bảo vệ rừng để tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do tập tục canh tác của bà con và do công tác giám sát, quản lý chưa hiệu quả nên nhiều diện tích rừng đang bị chặt phá để canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng sắn.

Ông Vinh thừa nhận khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý rừng là tập tục canh tác của người dân, họ không khai thác gỗ để bán mà chặt về làm nhà, điều này cũng tác động rất xấu đến rừng, vừa rồi rà soát có 12/799 hộ không có khả năng làm nhà, một số khác thì khai thác gỗ làm nhà chứa lúa, sửa chuồng trại. Hiện xã Hiếu có 799 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm đến 58%, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Khi phát hiện vi phạm, xã đã đưa ra công đồng xử lý, thậm chí có trường hợp răn đe chuyển lên cấp trên nhưng vẫn chưa hạn chế được vi phạm.

Cũng theo vị lãnh đạo xã, diện tích rừng khá rộng trong khi lực lượng bảo vệ chỉ chưa đến 10 người cũng là lý do khiến việc giám sát, bảo vệ rừng chưa tốt, trong đó có 07 cán bộ Lâm trường, 01 cán bộ Kiểm lâm địa bàn và lực lượng dân quân, công an xã được huy động khi cần. Mỗi khi phát hiện sai phạm, nhóm thường lập biên bản, nhắc nhở và tuyên truyền để bà con không tái phạm, ai vi phạm sẽ bị cắt tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và số tiền ấy sẽ được dùng để trồng lại rừng.

Hy vọng thời gian tới, địa phương sẽ có những giải pháp thiết thực giúp đảm bảo sinh kế cho bà con và thúc đẩy giám sát, quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn nhằm góp phần hạn chế phá rừng trái phép.