Đau đáu với rừng

Gắn bó hơn 10 năm với Báo Nông nghiệp Việt Nam, những chuyến đi rừng luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc, lắm khi hành trang mang về chất đầy nỗi ưu tư.

Lực lượng bảo vệ rừng đang bị xem nhẹ so với tính chất công việc của họ. (Ảnh: Việt Khánh)

Trực tiếp được giao nhiệm vụ tại địa bàn Nghệ An và Thanh Hóa, 2 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, những chuyến đi giúp tôi vỡ ra nhiều điều, nhận thấy rằng công tác quản lý bảo vệ rừng không hề giản đơn, ngược lại vô cùng vất vả và gian truân.

Ám ảnh nạn khai thác vàng trong rừng Pù Luông

Tháng 3/2016, tôi chính thức được phân công thường trú tại địa bàn Thanh Hóa. 3 tháng sau, tại khu vực hang Nước (nằm trong địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa phận bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) xảy ra sự cố ngạt khí nghiêm trọng khiến 3 phu vàng tử vong. Đây chính là chuyến đi thực tế đầu tiên của tôi trên đất rừng xứ Thanh.

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, lúc bấy giờ tỉnh Thanh Hóa đã gấp rút chỉ đạo, bố trí đầy đủ lực lượng chức năng di chuyển khi trời còn chưa ló dạng để sớm tiếp cận hiện trường, hòng giải cứu 3 phu vàng đang mắc kẹt trong hang dù tia hi vọng leo lét như ngọn đèn trước gió.

Vụ việc 6 năm trước tại Pù Luông vẫn còn in nguyên trong tâm trí. (Ảnh: Lê Hoàng)

Cơ quan chuyên ngành đi trước, cánh phóng viên tiếp bước theo sau, cả đoàn người rồng rắn, cấp tập tiến về hang Kịt. Nói thêm, hang Kịt nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, địa điểm giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Tính toán cơ học, từ ngoài vào hiện trường ngót nghét 10km, đến những “chuyên gia” đi rừng thuần thục nhất cũng phải mất hàng giờ đồng hồ, riêng cánh tay mơ như tôi cần non nửa ngày trời.

Đường đi lối lại vô cùng trắc trở, mùa mưa biến con đường độc đạo trơn tựa đổ mỡ, xung quanh lô nhô những phiến đá tai bèo đang chực chờ như muốn nuốt chửng bất kỳ ai có ý định xâm phạm rừng thiêng. Để tránh cảnh “vồ ếch”, nguy hơn là những chấn thương bất chợt, mỗi thành viên đều thửa riêng cho mình những chiếc gậy đủ chắc chắn làm trụ đỡ. Kỹ lưỡng hơn, người lấy dầu, kẻ lấy lá chủ động thoa khắp 2 chân hòng ngăn chặn lũ vắt rừng đói máu đang tung tăng, nhảy nhót như trẩy hội.

Biết tôi không quen đường rừng, Trần Nghị, phóng viên của Infonet cản: “Hay anh chờ ngoài này đi, có thông tin anh em sẽ bắn ra”. Tôi đáp lại: “Không, anh phải đi cùng đoàn”.

Quyết tâm cao ngút là vậy nhưng lăn vào thực tế mới thấy cơ cực gấp bội phần, chẳng quen đi rừng thành thử phải lê từng bước khó nhọc, từ đầu chí cuối luôn lẹt đẹt ở tốp sau, lắm lúc bị tụt lại hẳn so với toàn đoàn. Chặng nào bằng phẳng còn đỡ, riêng mỗi bận lên dốc lại thở hồng hộc, chân tay cứ thế run lên bần bật, toàn thân mỏi nhừ, mồ hôi tuôn ra như tắm.

Miệt mài băng rừng hàng giờ đồng hồ ròng rã rồi cũng đến được hiện trường khai thác, địa điểm nằm tít trên cao, dốc thẳng đứng, xung quanh vương vãi cơ man đất đá nhão nhoét, dấu vết cho thấy mọi thứ còn mới. Khấp khởi chưa được bao lâu thì bất chợt trời đất tối sầm lại, sớm chớp nổi lên, những hạt mưa rơi xuống với tần suất ngày một dày hơn. Trước tình hình không mấy khả quan, chúng tôi nhận được lệnh: Khẩn trương quay ra để đề phòng bất trắc.

Mệt mỏi rã rời sau chặng đường dài nhưng chẳng ai ca thán, bởi ai nấy đều hiểu chốn rừng thiêng nước độc ẩn chứa muôn vàn nguy cơ. Rời Pù Luông khi những tia nắng cuối ngày đã tắt, không khí tĩnh lặng bao trùm rộng khắp chốn rừng già, bất chợt tôi tự hỏi: Bao giờ rừng thiêng yên ổn?

Một chuyến “thăm rừng” thôi đã cơ cực đến vậy, không hiểu bằng cách nào những người bảo vệ rừng tận gốc có thể miệt mài với công việc thường nhật suốt từ tháng này sang năm khác. Xem ra chỉ xuất phát từ lòng yêu nghề mà thôi, hoặc có chăng là vất vả quen rồi nên mọi thứ cũng đã thành chai sạn.

Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, kế hoạch tiếp cận hiện trường và xử lý các vấn đề liên quan được bàn bạc kỹ lưỡng. (Ảnh: Lê Hoàng)

Trở lại thực trạng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với tư cách chủ rừng đơn vị này đang “gánh” trên vai khoảng 17.000 ha, toàn bộ là rừng đặc dụng đồng nghĩa nguy cơ nhận án kỷ luật luôn lơ lửng. Rừng núi mênh mông nhưng định biên thiếu hụt, kết hợp thêm muôn vàn yếu tố nhạy cảm khác khiến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nơi đây luôn căng như dây đàn.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, ông Lê Đình Phương bộc bạch: Đơn vị được giao quản lý hơn 16.986 ha, trong đó khoảng 60 km giáp ranh với các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn của huyện Hòa Bình. Tình trạng khai thác vàng đã giảm nhưng thi thoảng vẫn còn diễn ra, đối tượng chủ yếu là người Hòa Bình kéo sang…

Em tôi bỏ nghề rừng

Đầu tháng 6/2019, Vườn quốc gia Pù Mát nắm được thông tin người dân khu vực Môn Sơn vào rừng chặt hạ cây rừng hàng loạt để lấy phong lan bán với số lượng lớn. Ngay sau đó, lãnh đạo Vườn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu quyết định thành lập các nhóm tuần tra rừng để tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm sản.

Kết quả phát hiện tại các tiểu khu 833, 836A, 825, 832, 834, là vùng lõi Vườn quốc gia quản lý (thuộc địa bàn hành chính xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) có 54 tấm gỗ dổi đã xẻ thành phiến và 99 cây gỗ các loại bị chặt hạ trái phép. Thông tin sơ bộ ban đầu cho thấy phần lớn số gỗ tròn (96 cây) chủ yếu bị người dân cư trú tại bản Búng và Cò Phạt chặt hạ để lấy phong lan, phần lớn còn nằm tại hiện trường, thời gian thực hiện hành vi khoảng từ tháng 4 đến tháng 6/2019.

Vụ phá rừng tại Pù Mát xuất phát từ nhu cầu cơm áo gạo tiền của người dân bản địa. (Ảnh: VK)

Sau khi xác minh thông tin chính xác, Vườn quốc gia Pù Mát đã có báo cáo số 265/BC-VQG ngày 19/7/2019 và báo cáo số 279/BC-VQG ngày 31/7/2019 gửi Huyện ủy và UBND huyện Con Cuông về tình hình khai thác lâm sản trái phép tại địa bàn xã Môn Sơn. Đồng thời gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Con Cuông đề xuất xử lý hình sự về việc khai thác rừng trái pháp luật.

Công an, Viện Kiệm soát, Tòa án nhân dân huyện Con Cuông và tỉnh Nghệ An đã khởi tố, điều tra làm rõ và đưa ra xét xử 5 vụ án hình sự về tội danh vi phạm Quy định về Khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đối với 10 đối tượng, phạt 174 tháng tù (trong đó phạt 18 tháng tù giam với 1 đối tượng và 156 tháng tù cho hưởng án treo đối với 9 đối tượng). Dư luận chung nhận định, đây là vụ phá rừng đáng lưu tâm.

Đặc biệt qua điều tra không phát hiện động cơ, mục đích xấu của lực lượng chuyên môn, nhưng xét trên mức độ, tính chất vụ việc, Vườn Quốc gia Pù Mát đã quyết định kỷ luật nội bộ và chuyển công tác một số trường hợp. Đáng chú ý, về sau có 2 cán bộ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cò Phạt, vốn dĩ không liên quan đến vụ án kể trên đã làm đơn xin nghỉ việc, có lẽ áp lực đè nặng đã thôi thúc họ… bỏ nghề.

Cũng bởi tính chất đặc biệt của vụ việc, bản thân tôi đã không tiếc công, nhiều lần đánh đường lên huyện Con Cuông làm việc với các bên liên quan, từ chính quyền các cấp huyện Con Cuông, Hạt Kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, đặc biệt là những người trực tiếp quán xuyến địa bàn. Đi sâu nắm kĩ mới thấy áp lực bảo vệ rừng, đặc biệt là những diện tích rừng đặc dụng lớn đến nhường nào, lắm khi sơ sẩy chút thôi thì bao nhiêu công sức trước đó cũng đổ sông đổ biển.

Mở rộng ra được biết, tổng diện tích vùng lõi được giao cho Vườn quản lý bảo vệ là 94,715,4 ha. Diện tích trải dài nhưng neo người, áp lực lớn dần theo thời gian đã làm xao động nghiêm trọng tâm lý của người lao động nơi đây, chẳng thế chỉ trong vòng 5 năm gần nhất trên dưới 20 người lao động đã thuyên chuyển công tác, hoặc xin nghỉ làm lao động tự do.

Trong số này có em tôi, Phạm Viết Sơn, sinh năm 1982, quê quán Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 2006, Sơn chính thức vào đội Phòng cháy chữa cháy thuộc Chi cục Kiểm lâm. Tháng 3/2013 chuyển sang Hạt Kiểm lâm Pù Mát, được phân công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Thơi. Tháng 4/2016, chuyển về Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Đình. Từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2021 làm việc tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Hợp.

Đứa con bác, đứa con chú, thành thử giỗ chạp, cưới xin cũng nhiều lần chạm mặt. Nhiều bận, nó chia sẻ: “Chắc tới đây em nghỉ thôi, đồng lương còm cõi không tương xứng với công sức bỏ ra, đã thế lại muôn vàn áp lực đi kèm, sểnh ra cái là kỷ luật như chơi. Cơ chế này khó níu kéo được lực lượng bảo vệ rừng, mình còn trẻ còn đi rừng được, thêm dăm ba tuổi nữa bước chân nặng nề theo thời gian, khát vọng, nghị lực cũng cạn kiệt dần, lúc đó muốn tìm công việc phù hợp cũng khó”.

Phạm Viết Sơn những ngày còn gắn bó với rừng. (Ảnh: NVCC)

Gắng gượng thêm một thời gian, đến 4/2021, Sơn xin thôi việc, chính thức chia tay nghiệp kiểm lâm sau tròn 15 năm gắn bó. Về làm nghề tự do, đồng lương chưa hẳn đã khá hơn nhưng bù lại được gần vợ, gần con, có thời gian chăm lo cho gia đình, trên hết là xóa nhòa tâm lý bất an thường trực do tính chất công việc đặc thù trước đó, bấy nhiêu thôi cũng đủ hân hoan rồi.

“Phải trèo đèo lội suối, nếm trải cảm giác cảm giác một thân một mình giữa rừng hoang, phải chịu cái lạnh thấu xương giữa trời đông giá, phải trải qua cảm giác cô đơn của những ngày lễ tết mới thấu hiểu được phần nào nỗi gian truân của anh em bảo vệ rừng chúng tôi. Rừng mênh mông nhưng đâu có cửa, bất kỳ ai cũng có thể xâm phạm vào rừng, cánh lâm nghiệp dù gắng sức đến đâu cũng không thể làm tròn trọng trách nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng”, Phạm Viết Sơn bùi ngùi kể về nghề.