Lãng phí, hoang hóa bờ xôi ruộng mật – Bài 1

Treo niêu” vì… khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, nhiều địa phương đã nôn nóng phát triển công nghiệp, dịch vụ mà không tính đến sự hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Sự phát triển ồ ạt đó đã dẫn đến tình trạng thu hồi nhiều khoảnh bờ xôi ruộng mật, rồi để quy hoạch treo, hoang hóa lãng phí, trong khi người nông dân không có đất canh tác. Chính vì thế, Luật Đất đai được sửa đổi cho phù hợp với thực tế, phù hợp với Hiến pháp 2013. Báo Đại Đoàn Kết giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài xung quanh vấn đề này.

Nhiều năm gần đây, Hải Dương ồ ạt xây dựng hàng loạt Khu công nghiệp (KCN). Bên cạnh những KCN phát huy hiệu quả thì cũng còn không ít KCN sau khi thu hồi đất canh tác của người dân rồi… bỏ hoang, gây ra sự lãng phí tài nguyên đất rất lớn. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh bần cùng vì không có đất sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch treo, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh bần cùng  vì không có đất sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Quy hoạch treo, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh bần cùng
vì không có đất sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

KCN là nơi… thả bò, nuôi gà, chăn lợn

Nằm ở vị trí “vàng” trải dài dọc quốc lộ 5, KCN Lai Vu (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương) với tổng số vốn đầu tư ban đầu gần 600 tỷ đồng, được kỳ vọng là “con tàu công nghiệp” đưa kinh tế của địa phương phát triển vượt bậc. Theo kế hoạch ban đầu, KCN Lai Vu được hoàn thành vào năm 2009, sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, trái với mong đợi, sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay KCN Lai Vu vẫn chỉ là một công trường ngổn ngang, hầu hết các hạng mục đều bỏ hoang phế.

Dù được đầu tư khá cơ bản về các hạng mục như đường giao thông, tường rào, xây dựng nhà điều hành, mặt bằng san lấp tương đối hoàn chỉnh nhưng tất cả đều hoang tàn, chỉ có lèo tèo vài ba dự án mới được tái khởi động từ đầu năm 2014. Nhiều nhà máy hoàn thành đã lâu nhưng trong tình trạng cửa đóng, then cài không một bóng người. Các thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động công nghiệp nằm lăn lóc, hoen gỉ gần hết. Nhiều lô đất xây tường rào dang dở trông nham nhở. Hàng chục ha bỏ hoang trong KCN đang được người dân tận dụng làm nơi chăn thả trâu bò…

Cách đó không xa và cũng nằm ở vị trí “vàng” dọc quốc lộ 5, KCN Kim Thành (huyện Kim Thành) do Công ty CP Coma 18 làm chủ đầu tư thì không phải là lèo tèo vài dự án nữa, mà hoàn toàn bỏ hoang. KCN với diện tích 160ha đất hoang hóa, không cơ sở hạ tầng, không cổng, không tường rào. Cũng với mục đích tốt đẹp là tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh. Ngày khởi công dự án, nhân dân địa phương ai cũng vui mừng vì hứa hẹn sẽ đổi đời vì có việc làm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, ước mộng của người dân Kim Thành nhanh chóng tan biến khi dự án khởi công một thời gian rồi nằm bất động.

Hoành tráng hơn, Dự án KCN Cộng Hòa tại thị xã Chí Linh ra đời (do Tập đoàn Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư) với tổng đầu tư giai đoạn đầu hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 370ha. KCN này cũng hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển như: Nằm ở trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc bộ với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, lại nằm sát Quốc lộ 18… Tuy nhiên, hiện nay, KCN Cộng Hòa cũng chỉ là bãi đất hoang vu.

Được đầu tư với số vốn hàng trăm tỉ đồng KCN Kim Thành (huyện Kim Thành) bỏ hoang thành bãi chăn gia súc của người dân (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Được đầu tư với số vốn hàng trăm tỉ đồng KCN Kim Thành (huyện Kim Thành) bỏ hoang thành bãi chăn gia súc của người dân (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Mất ruộng, dân “treo niêu”

Theo thông kê của ngành chức năng tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 18 KCN với diện tích khoảng 2.397ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích đã bàn giao xây dựng hạ tầng KCN là 1,349 ha, chiếm 56,3 % diện tích đã phê duyệt. Nghĩa là hàng nghìn ha “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân trên khắp các địa bàn tỉnh Hải Dương bị thu hồi đang bị hoang hóa. Hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp màu mỡ vốn là nguồn sống của bà con trước đây, sau khi thu hồi làm KCN lại chậm triển khai hoặc xây dựng xong rồi bỏ hoang gây lãng phí cực lớn. Trong khi KCN thì bỏ hoang, nông dân lại không có ruộng, không việc làm, buộc họ phải đi khắp nơi, làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Khi chúng tôi nhắc đến KCN Cộng Hòa thì ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh) đã vội lắc đầu ngao ngán: “Ối trời, cái dự án đấy à, chết gí mấy năm rồi có triển khai gì đâu. Chủ đầu tư bỏ đi hết rồi, bỏ lại bãi đất hoang, người dân thì không có ruộng cày, đi làm thuê khắp nơi. Địa phương cũng đang đau đầu lắm nhưng không biết làm thế nào…”. Ông Đông cho biết, toàn phường Cộng Hòa chỉ có 600ha đất nông nghiệp thì đã bị thu hồi hơn 300ha để thực hiện dự án KCN. Đến nay, hiện trạng KCN Cộng Hòa chỉ mới san lấp được một phần nhỏ của diện tích trên, còn lại bỏ hoang.

Cũng theo ông Đông, ngoài số diện tích đất đã thu hồi bỏ hoang thì còn vài chục ha đất trồng lúa nằm sát dự án KCN Cộng Hòa cũng bị ảnh hưởng nặng do hệ thống kênh mương tưới tiêu bị phá vỡ, cứ mưa là ngập úng toàn bộ khu vực xung quanh khiến người dân mất mùa triền miên. Dự án đã ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân trên địa bàn khiến họ thất nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Tâm, một hộ dân chịu hệ lụy từ dự án KCN Cộng Hòa than thở: “Khi thu hồi đất, chủ đầu tư hứa sẽ thu nhận hết lao động địa phương vào KCN làm với mức lương cao nên mặc dù chỉ đền bù với giá hơn 15 triệu đồng/sào người dân đã chấp thuận, tích cực giao đất với hy vọng sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, từ ngày mất 5 sào ruộng đến nay gia đình tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp. Giờ có muốn cấy lúa cũng không có ruộng vì giá cả mỗi sào ruộng đã lên tới cả trăm triệu đồng/sào. Vợ chồng tôi phải làm thuê khắp nơi vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học…”.

Cùng chung nỗi niềm, bà Đỗ Thanh Vân (phường Cộng Hòa) bức xúc: “Nhà tôi có 4 sào ruộng nhưng không để cấy hái gì được bởi ngập úng do hệ lụy của KCN Cộng Hòa thường xuyên. Kêu mãi thì chính quyền hứa sẽ kiểm tra rồi để đấy, còn chủ đầu tư thì bỏ đi biết kêu ai. Nếu dự án KCN không khả thi thì cần phải khôi phục hệ thống kênh mương để chúng tôi tiếp tục sản xuất chứ, không thể vô trách nhiệm để dân đói thế này được…”.

Lãng phí lớn, ai chịu trách nhiệm?

Trước sự bất cập này, chúng tôi đã “gõ cửa” Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hải Dương để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, viện lý do “quá bận” nên các cán bộ Sở này đã từ chối cung cấp thông tin. Tại Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, sau một hồi “vòng vo tam quốc”, ông Đỗ Tiến Dũng – Chánh Văn phòng Sở TN&MT diễn lại “kịch bản”: Lãnh đạo Sở đi vắng hết nên không có người tiếp (?).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hùng – Chánh Văn phòng Ban Quản lý (BQL) các KCN Hải Dương khẳng định không có KCN nào bỏ hoang. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Hùng lại phân bua: KCN bỏ hoang có phải lúc nào cũng do yếu tố cơ quan quản lý nhà nước đâu mà do chủ đầu tư. “Thông tin chúng tôi công bố hết trên trang thông tin điện tử của BQL các KCN rồi, các anh cứ vào đó mà tìm hiểu, nhu cầu thông tin của các anh chúng tôi không đáp ứng được. Muốn tìm hiểu sâu về vấn đề trên thì sang gặp lãnh đạo tỉnh…” – ông Hùng thản nhiên nói. Để có lời giải, chúng tôi tiếp tục sang UBND tỉnh Hải Dương đề nghị làm việc, song nơi đây cũng từ chối làm việc với lý do muôn thủa “bận”.

Ngay cả với cơ quan báo chí mà chính quyền và ngành chức năng Hải Dương còn gây khó dễ đến như vậy thì không biết người dân nơi đây liệu có cơ hội gặp lãnh đạo tỉnh, huyện sở, ngành… để trình bày nguyện vọng của mình.

Theo tìm hiểu, nhiều dự án KCN ở Hải Dương thực tế có nhiều bất cập như gây lãng phí về tài nguyên đất, mập mờ về GPMB… Nhiều dự án lấy ” bờ xôi ruộng mật” rồi “treo” im lìm suốt hàng chục năm ròng. Nông dân tha thiết muốn có đất sản xuất nhưng không một cơ quan nào quan tâm. Thiển nghĩ, việc hình thành các KCN để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, giải quyết việc làm cho người dân địa phương là điều rất cần thiết, song xây dựng ồ ạt các KCN dẫn đến tình trạng nhiều KCN bỏ hoang trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, dẫn đến đói nghèo là sự bất cập khó chấp nhận được.