Phú Yên: Khu tái định cư tiền tỷ để hoang

ThienNhien.Net – Trong khi nhà nước đang kêu gọi thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì một khu tái định cư được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng hầu như lại không thực hiện được mục đích “tái định cư” của nó.

Năm 2004, để phục vụ việc tích nước Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thủy điện 7 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thỏa thuận với UBND huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) xây dựng Khu tái định cư Buôn Chao rộng 16ha với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng cho 69 hộ dân là đồng bào dân tộc Ê Đê ở Buôn Bầu (xã Ea Bá), vì khi lòng hồ thủy điện tích nước, toàn bộ nơi ở các hộ dân ở đây bị ngập.

Trước khi xây dựng khu tái định cư này, khi được UBND huyện Sông Hinh hỏi ý kiến, đa số bà con Buôn Bầu không đồng ý vì khoảng cách từ vị trí định xây dựng Khu tái định cư Buôn Chao cách xa nơi ở hiện tại gần 10km, đi lại khó khăn, nơi đây không có đất canh tác, nên đời sống sẽ rất khổ. Bà con cũng đã kiến nghị nên xây dựng khu tái định cư khác gần nơi đang ở, vì khi lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ tích nước vẫn còn đất canh tác.

Hàng loạt công trình được xây dựng tại khu tái định cư bị  bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí tiền của Nhà nước
Hàng loạt công trình được xây dựng tại khu tái định cư bị
bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí tiền của Nhà nước

Tuy nhiên, huyện Sông Hinh vẫn quyết định xây dựng Khu tái định cư Buôn Chao và đến năm 2007 cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng gồm: lưới điện hạ áp, rải đá dăm 2.550m đường nội bộ, xây một phòng mẫu giáo, hai phòng học tiểu học, một nhà văn hóa và 25 giếng nước.

Tháng 7/2007, khi huyện Sông Hinh tiến hành di dời dân thì chỉ có 13 hộ lên đây định cư, nhưng sau đó không lâu bà con lại quay trở về buôn cũ. Năm 2008, thấy Khu tái định cư Buôn Chao không hiệu quả, huyện Sông Hinh đã quy hoạch khu dân cư Buôn Bầu mới rộng gần 11ha và đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng với hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Buôn Bầu mới cách Buôn Bầu cũ khoảng 1km, gần với trục giao thông và gần với thị trấn Hai Riêng (huyện lỵ Sông Hinh) nên bà con đều đồng tình, nhanh chóng di dời đến nơi ở mới. Mỗi hộ dân được cấp 1.000m2 đất thổ cư, đồng thời bà con tiếp tục canh tác khoảng 200ha đất gần lòng hồ thuộc Buôn Bầu cũ và chăn nuôi bò.

Như vậy, mặc dù đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng hiện tại Khu tái định cư Buôn Chao chỉ có 8 hộ sinh sống, mà cũng chỉ có hộ Ma Ách vốn là Trưởng buôn của Buôn Bầu cũ “bám trụ”. Các hộ còn lại đều ở các xã khác trong huyện lên đây lập nghiệp, nhưng đời sống quá khó khăn, vì nguồn thu nhập chính chỉ là một ít rẫy trồng sắn; nhà chỉ là những túp lều hoặc chòi với những bức vách được làm tạm bợ bằng cây rừng.

Hiện nay, toàn bộ Khu tái định cư Buôn Chao cỏ mọc um tùm, bao quanh là núi, chỉ có một đường độc đạo về trung tâm xã và hoàn toàn không có bóng cây nào, nên vào mùa hè nóng không chịu nổi. Các công trình phúc lợi đã hư hỏng hoặc bà con dùng làm nơi nhốt bò. Các giếng nước sâu khoảng 12m đều bỏ không….

Ma Ách là người tiên phong lên Buôn Chao định cư cho biết: “Gia đình mình lên đây định cư chỉ mang theo 5 bao lúa, 9 con bò nhưng chỉ thả trong khu tái định cư, không dám thả vì đất rừng, đất rẫy xung quanh đều là của bà con Buôn Chao. Gia đình chỉ trồng sắn quanh nhà để có cái ăn”. Ma Ách nói thêm rằng ở Buôn Bầu cũ gia đình ông canh tác đến 2,6ha lúa rẫy và 2,3 sào lúa nước.

Anh Ksor Y Tôn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá, cũng là một trong số 13 hộ đầu tiên ở Buôn Bầu lên lập nghiệp ở Buôn Chao, cho biết: “Trong chiến tranh, bà con ở Buôn Bầu đã từng sống ở khu vực tái định cư Buôn Chao bây giờ, nên biết rất rõ đây là vùng đất khó sinh sống, lại nằm cách xa trung tâm xã và huyện lỵ Sông Hinh; vào mùa mưa thì bị chia cắt hoàn toàn không đi lại được. Do đó, sau giải phóng, bà con di dời về Buôn Bầu cũ lập nghiệp, đời sống đã ổn định và hộ nào cũng canh tác được vài héc-ta đất. Nông sản làm ra có ăn, có tích lũy một ít. Nếu dời lên Buôn Chao thì không có đất sản xuất làm sao sống được. Đó là chưa kể việc di dời từ Buôn Bầu cũ lên Buôn Chao phải đi qua 3 buôn trong xã là điều bà con dân tộc rất “kỵ”. Cho nên chỉ sau một thời gian, bà con phải quay về”.

Một dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hầu như để hoang, công trình hạ tầng hư hỏng, xuống cấp là một sự lãng phí lớn cho nhà nước. Nhưng vấn đề đặt ra là tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm vì sự lãng phí này? Thiết nghĩ chính quyền tỉnh Phú Yên cũng cần phải làm rõ, nhất là khi nước ta đã có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.