Thái Lan muốn lập quỹ phát triển hạ tầng riêng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Những khoản vay từ Trung Quốc luôn đi kèm với rất nhiều điều kiện bất lợi cho nước tiếp nhận khoản vay.


Ảnh: Bangkok Post

Thái Lan đang dẫn đầu trong một nỗ lực tạo ra một quỹ khu vực với các nước láng giềng bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để hỗ trợ cho hạ tầng và một số dự án phát triển khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc.

Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha, dự kiến sẽ đề xuất ý tưởng này với lãnh đạo của 5 nước khác trong hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức chiến lược phát triển kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) được tổ chức tại Thái Lan ngày 16/6/2018. Tổ chức khu vực này được Thái Lan khởi xướng vào năm 2003.

Trả lời Nikkei, ông Arthayudh Srisamoot, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết quỹ này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2019. Để có thể đưa quỹ vào hoạt động càng nhanh càng tốt, Thái Lan sẽ đóng góp số tiền lớn ban đầu, dự kiến nhiều triệu USD, theo khẳng định của ông Srisamoot.

Tổ chức ACMECS đồng thời cũng chào đón đóng góp từ nhiều tổ chức tài chính và nước bên ngoài. Quỹ đồng thời cũng sẽ huy động tiền thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu bằng cách phát hành chứng chỉ nợ cho các dự án như dự án sản xuất điện, như ACMECS đã khởi xướng.

Ý tưởng về một quỹ khu vực đã được tính đến bởi một số tổ chức đa quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó bao gồm thành viên của 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có nhiều bước tiến bởi quyền lợi cũng như trình độ phát triển của các quốc gia còn khác nhau nhiều.

Hiện tại, các nước vẫn nhận nguồn vốn từ bên ngoài chủ yếu thông qua các hoạt động song phương với các bên bên ngoài khu vực hoặc từ các tổ chức tài chính ví như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong khi Nhật và các nước phương Tây bao lâu nay vẫn là nhà đầu tư chính, Trung Quốc đang ngày một tăng cường sự hiện diện của mình trong hoạt động đầu tư hạ tầng cùng với sáng kiến Một vành đai một con đường.

Thông qua khung hợp tác đa quốc gia giữa Trung Quốc và 5 nước vùng Mê Kông, Bắc Kinh đã cam kết hơn 10 tỷ nhân dân tệ tương đương 1,5 tỷ USD trong các khoản vay ưu đãi.  Thế nhưng những khoản vay từ Trung Quốc luôn đi kèm với rất nhiều điều kiện bất lợi cho nước tiếp nhận khoản vay.

Ông Arthayudh nói: “Nhiều nước trong khu vực, dù họ chào đón đầu tư từ một số nước nhất định, họ vẫn muốn giữ thế cân bằng… để không phụ thuộc vào chỉ một nước”.

Một quỹ khu vực có thể giúp tăng cường hoạt động phối kết hợp giữa các quốc gia khu vực.