Thế giới: Sản lượng thịt vẫn trên đà gia tăng

ThienNhien.Net – Năm 2007, sản lượng thịt toàn thế giới giữ ở mức khoảng 275 triệu tấn. Năm 2008, sản lượng này dự kiến sẽ vượt 280 triệu tấn. Các chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2050 sản lượng thịt sẽ gấp đôi thời điểm này, đạt tổng sản lượng hơn 465 triệu tấn.

Sản lượng thịt không ngừng gia tăng

Trong hơn một thập niên vừa qua, mức sản lượng tăng mạnh nhất là ở các nước đang phát triển. Năm 1995 là mốc đánh dấu lần đầu tiên sản lượng thịt và các sản phẩm làm từ sữa ở các nước đang phát triển vượt mức so với các nước công nghiệp, và xu hướng này vẫn tiếp diễn kể từ đó. Trong năm 2007, ít nhất 60% sản lượng thịt được sản xuất ở những quốc gia đang phát triển.

Sức tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện nay, trên thế giới, trung bình mỗi người tiêu thụ gần 42kg thịt/năm, nhưng mức tiêu thụ thịt lại rất khác biệt giữa các vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Ở các quốc gia đang phát triển, người dân tiêu thụ khoảng 30kg/năm trong khi ở những nước công nghiệp hoá, mỗi năm, mỗi người dân tiêu thụ hơn 80kg/năm.

Giá thực phẩm tăng khiến người dân phải chọn những sản phẩm thịt rẻ hơn, ví dụ như thịt gà. Sản lượng gia cầm trên thế giới năm 2007 đã được dự kiến đạt 93 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2006. Mỹ là nhà cung cấp gia cầm lớn nhất, tiếp đó là các quốc gia như Ác-hen-tin-na, Braxin, Trung Quốc, Phi-lip-pin và Thái Lan cũng dự kiến tăng sản lượng. Ấn Độ cũng là một trong những nhà cung cấp sản lượng gia cầm lớn trên thế giới, nhưng thời gian vừa qua do sự lan tràn của vi-rút cúm gia cầm H5N1 đã phải tiêu huỷ hàng triệu con gia cầm và làm giảm sản lượng đáng kể.

Sản lượng thịt lợn năm 2007 dự kiến tăng gần 2%, đạt 101 triệu tấn, giảm so với năm 2006 do dịch heo tai xanh lan tràn ở Trung Quốc và phải tiêu huỷ ít nhất 1 triệu con lợn. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí là nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất thế giới mặc dù sản lượng thịt đang tăng lên ở Nam Mỹ. Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê cũng đều đang tăng mức sản lượng thịt lợn nhờ nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc dồi dào.

Năm 2007, sản lượng thịt bò tăng 2,3% vào khoảng 67 triệu tấn. Mỹ vẫn là nhà cung cấp thịt bò lớn nhất thế giới, nhưng 56% sản lượng thịt bò lại đến từ các nước đang phát triển. Sản lượng thịt bò của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2008. Bất chấp tín ngưỡng tôn giáo truyền thống về sự linh thiêng của loài bò, Ấn Độ cũng như Pakistan đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đang tăng lên về thịt bò cho những bữa ăn mang nét phương tây bằng cách tăng sản lượng thịt bò và giết mổ hang loạt.

Môi trường và sức khỏe con người bị ảnh hưởng từ việc chăn nuôi

Trên thế giới, các nhà máy chăn nuôi gia súc hoặc các trang trại chăn nuôi tập trung đáp ứng phần lớn nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sản phẩm làm từ động vật. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 56 tỉ động vật được chăn nuôi và giết mổ để lấy thịt mỗi năm.

Các nông trại chăn nuôi sản xuất  67% sản lượng thịt gia cầm, 50% sản lượng trứng, và 42% sản lượng thịt lợn. Những thành quả này dựa trên quá trình gây giống vật nuôi để thu lợi nhuận, thường là lợn và gà, hai loại vật nuôi này được chăn nuôi sao cho tăng cân nhanh chóng nhờ vào nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm giàu prô-tê-in.

Thêm vào đó, những khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đang mọc lên trong hoặc gần thành phố tại các nước đang phát triển, biến các khu đô thị trở thành trung tâm công nghiệp chuyên sản xuất thịt. Theo Ngân hàng Thế giới, việc vật nuôi và con người sống tập trung quá gần nhau sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng trong những thập niên tới đây.

Những căn bệnh như cúm gia cầm, sốt ở lợn, hoặc bệnh do virus Nipah gây ra có thể lây lan rất nhanh trong quần thể động vật sống tại những nông trại chăn nuôi gia súc khép kín do tập trung quá đông và điều kiện chăn nuôi mất vệ sinh.

Bệnh bò điên có thể là kết quả của việc chăn nuôi gia súc bằng thức ăn của các động vật nhai lại khác. Và việc sử dụng thuốc kháng sinh trong các nông trại dẫn đến hiện tượng “kháng – kháng sinh”.

Theo các nghiên cứu khoa học, khi đo đương lượng khí CO2, người ta đã phát hiện ra rằng vật nuôi cũng gây ra việc phát thải 18% khí nhà kính và lượng phát thải này cao hơn so với lượng phát thải từ các phương tiện giao thông. Chất thải vật nuôi sản sinh ra 37% khí CH4, khí này có khả năng tiềm ẩn gây ra sự nóng lên của trái đất gấp 20 lần so với khí CO2. Ngoài ra vật nuôi còn thải ra 65% khí NO– một loại khí nhà kính mạnh khác, phần lớn các khí này có trong phân bón.

Một vấn đề nữa nảy sinh, đó là việc sử dụng nước: Các nhà máy chăn nuôi gia súc hoặc các nông trang là nguồn tiêu thụ nước cũng như nguồn gây ô nhiễm nước chính. Việc tưới tiêu cây trồng cho chăn nuôi gia súc chiếm gần 8% lượng nước con người sử dụng trên toàn cầu. Một lượng lớn chất thải gia súc vượt quá khả năng hấp thụ của các khu đất trồng trọt gần đó. Kết quả là phân bón từ một hợp chất quí giá dùng cho nông nghiệp trở thành chất thải độc hại.  Ni-tơ-rát, các kim loại nặng và thuốc kháng sinh có trong phân bón có thể thâm nhập vào mạch nước ngầm và làm ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt, đe doạ sức khỏe cộng đồng.

Giải pháp

Một cách để ngăn chặn những vấn đề trên là không khuyến khích các nhà cung cấp lớn về chăn nuôi gia súc, gia cầm ở gần các thành phố. Kết hợp việc điều chỉnh quyền sử dụng đất và phân vùng với thuế, các biện pháp khích lệ và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ khuyến khích họ chăn thả vật nuôi gần các khu đất trồng cây lương thực hơn, ở đó, phân bón có thể được sử dụng một cách hiệu quả và sẽ có ít rủi ro về việc truyền bệnh cho con người hơn.

Để hạn chế sự mất cân bằng giữa đất và chất dinh dưỡng từ chất thải của vật nuôi, nên chăn nuôi gia súc, gia cầm ở những nơi có đủ đất để hấp thụ hết lượng chất thải gia súc từ những nhà máy chăn nuôi lớn. Ở Thái Lan, chính phủ đã đánh thuế cao những khu chăn nuôi gia cầm trong vòng bán kính 100km so với Băng-Cốc và kết quả là trong thập niên vừa qua, các khu chăn nuôi gia cầm gần Băng-Cốc đã giảm đi đáng kể.

Người tiêu dùng cần phải xem xét lại việc tiêu thụ thịt cũng như các sản phẩm làm từ thịt trong bữa ăn của mình để cải thiện sức khoẻ con người cũng như bảo vệ môi trường. Bởi lẽ những bữa ăn chay và thanh đạm đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường và giảm đói nghèo cũng như thiếu dinh dưỡng ở các nước nghèo.

Người dân ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nên giảm đi 10% lượng thịt trong khẩu phần ăn của mình để giảm phát thải khí nhà kính cũng như cải thiện sức khỏe đời sống con người.