Đột nhập vào “tâm bão” sốt đất Phú Quốc

Trước thời điểm trở thành “Đặc khu” Phú Quốc (Kiên Giang) trở nên rối bời bởi những ngổn ngang mang tên giá đất… Giá đất tăng đến “trổ nóc” và đồng tiền với mặt trái của nó còn để lại nhiều hệ lụy đe dọa đến an toàn xã hội.

Thửa đất trên núi thuộc khu vực ấp Chuồng Vích, nằm phía sau tấm bảng có nội dung “Đất Nhà nước quản lý”, được rao bán với giá 1 tỉ đồng/công. Ảnh: Nhóm PVĐT

Phóng viên Báo Lao Động trong vai người “vác bao tải tiền” đi tìm mua đất tại Phú Quốc để vào tận “tâm bão” sốt đất nhằm nhìn rõ những thủ đoạn, mánh lới tại đây.

Kỳ 1: Xuyên đêm buôn đất rừng

Sau cú điện thoại, tôi được Khánh đồng ý nhận lời đưa đi mua đất giá rẻ để kiếm lời. Điểm hẹn là quán cà phê gần trung tâm xã Gành Dầu. Không chút rào đón hay dè chừng như một số tin đồn rằng, sau khi thanh tra vào cuộc, thị trường đất đai ở Phú Quốc bắt đầu hạ nhiệt – vừa gặp nhau, Khánh vào đề ngay: “Anh gặp em là may rồi, đất đẹp lắm, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển…” . Thấy tôi nhiệt tình hỏi giá, chừng như bắt mạch được “kèo thơm”, Khánh tìm cách câu khách: “Xem đất rồi nói giá luôn”.

Đất nghiêm cấm vi phạm: Bán hết!

Sau 1 hồi hết quẹo trái, rồi quẹo phải, đến khu vực ấp Chuồng Vích, Khánh cho xe vào lùm cây rồi ra hiệu leo núi. Sau nhiều lần dừng lại chờ tôi đứng thở vì không quen leo dốc núi, đến đoạn đất la liệt những thân cây to vừa được đốn hạ, Khánh đưa tay chỉ về chòm cây đàng xa xa rồi nói: “Ranh từ đây qua cây xanh bên kia, tổng cộng hơn 2 mẫu (2ha). Trong đó, 6 công bên này do em tự phá được gần 1 tháng, nên giá 1 tỉ đồng/công. Hơn 1 mẫu bên kia, người ta mới phá, em mua lại, nên giá chỉ 500 triệu đồng/công”.

Nhìn theo tay của Khánh, phát hiện biển được làm bằng xi măng cốt thép có nội dung: “Đất do Nhà nước quản lý, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm”, tôi hỏi Khánh, anh ta cười ngất rồi nói: “Bản này do mấy ông xã (tức UBND xã – PV) cắm sau khi thấy dân phá rừng. Nhưng có hề gì đâu, ngoài này 1 chút, người ta còn dọn lên gần tới đỉnh núi luôn. Thậm chí, có người còn bứng bỏ cả cột mốc rừng quốc gia nữa. Yên tâm đi, chồng tiền xong, anh mua thêm mớ cây dừa đã lên cao về trồng xuống, một thời gian sau là làm giấy được hết…”.

“Chỉ sợ không làm được, tiền mất tật mang…”, thấy tôi ra chiều thoái lui, Khánh đành ra “tuyệt chiêu”: “Tụi em có “thầy” yểm trợ hết rồi, đất gì cũng làm được giấy hết”. Và như để tạo dựng thêm niềm tin, Khánh móc hết gan ruột ra: “Anh đừng thấy em bụi bụi vầy mà coi thường nhe, tụi em có liên hệ chặt với anh em bên kiểm lâm hết đó. Mấy ảnh “mách nước”, tụi em mới làm được. Ngay cả chuyện gặp anh, em cũng xin ý, mấy ảnh kiểm tra thông tin xong, đồng ý, em mới tiếp đó.

“Vì sao phải kiểm tra và kiểm tra như nào” – tôi thăm dò. “Mấy ảnh sợ đoàn Thanh tra Chính phủ ở Hà Nội vào Phú Quốc thanh tra đất đai “giả dạng” nên dặn dò kỹ lắm: Nào là không được tiếp chuyện với người mua nói giọng miền Bắc, không được “xì” ra chuyện liên kết với kiểm lâm…

Thấy tôi hào phóng, gởi vài triệu đồng “tiền cà phê” trước khi ra về bàn bạc với anh em để quyết định, Khánh tỏ vẻ thân tình: “Hổm rày bận chuyện nhà, nếu không theo mấy đứa bạn qua Hòn Dung ngoài, hay Rạch Vẹm cũng kiếm được mớ đất nữa rồi.

Rồi Khánh kể vanh vách chuyện “đồng nghiệp” của mình như thằng Hùng đất, nhưng giờ cũng khai phá được vài mẫu, thằng Hải cũng hơn 1 mẫu… Sau một hồi say sưa, Khánh như sực nhớ ra… nên quay lại buông lời “thôi thúc” khách: Nhưng không có đất nào đẹp bằng đất em đâu. Nếu anh không xong giá, mai em kêu người khác liền”.

Cuộc ngã giá lúc nửa đêm

Tháp tùng cùng chủ doanh nghiệp ở Rạch Giá ra Phú Quốc thuê người giữ phần đất vì sợ bị chồng lấn, tôi được tài xế taxi tên Tân bắt mối mua đất giá rẻ: Tôi thường được nhóm người thuê chở đi lên cạnh Hàm Ninh để hạ cây vào đêm khuya, nên có biết… để tôi làm mối cho.

Thấy trước đó, tay này từng nói to như hét vào mặt vị chủ doanh nghiệp khi bị chối để y làm mối bán khu đất họ đang sở hữu, biết đây không phải là “dạng vừa đâu”, tôi lấy cớ không thích Nam đảo, chỉ thích khu vực đất ở Bắc đảo để tìm đường thối lui. Nhưng vẫn không thoát. “À, trên Bắc đảo, tôi có quen người bán đất giá rẻ, chỉ 15-20 triệu đến 70-80 triệu đồng/công”- vừa dứt lời, Tân điện ngay cho Dũng. Sau lời giới thiệu ngắn gọn, Tân áp thẳng điện thoại vào tai tôi để Dũng hẹn hò: “Sau 11 giờ, hẹn gặp ở ngã ba Rạch Tràm, tôi sẽ đưa anh đi xem đất”.

Đúng hẹn, chúng tôi gặp nhau dưới bóng râm của tàn cổ thụ gần khu vực nghĩa địa Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) do cư dân tự hình thành từ nhiều đời nay. Sau lời xã giao, Dũng vào chuyện ngay: “Có 2 loại đất, loại có giấy là 75 triệu đồng/công, loại chưa giấy là 20 triệu đồng/công”.

Tôi bày tỏ muốn xem cả 2 trước khi đưa ra quyết định, Dũng điện thoại cho ai đó, rồ máy rồi chạy thẳng ra Rạch Tràm. Đến đoạn có đường mòn nho nhỏ, Dũng ra hiệu rẽ phải rồi chạy sâu vào bên trong rừng, nơi có người đứng chờ sẵn. Anh này giới thiệu tên là Mai, được chủ đất ủy quyền giao dịch. Sau khi chỉ tay vào thân cây được phun đoạn nước sơn màu vàng, Mai dẫn tôi luồn sâu vào bên trong, đi một hồi đến đoạn có thân cây sơn màu vàng, Mai nói đây là ranh đất, tổng cộng 2 công, nếu mua hết, trả tiền mặt 1 lần, giá là 1,4 tỉ đồng.

Thấy tôi có vẻ tần ngần, lần lượt Dũng và Mai “kẻ tung, người hứng”. Mai bảo đất có giấy hẳn hoi, mà giá này là rất thơm, anh không mua, người khác nhảy vào uổng lắm. Nói xong, Mai đưa ra tờ giấy đen thùi lùi được chụp lại từ biên bản viết tay với nét chữ ngoằn ngoèo và đầy lỗi chính tả do nguyên trưởng ấp Rạch Tràm xác nhận (cũng đầy lỗi chính tả) vào năm 2005.

Còn Dũng thì bảo, miếng đất này có 2 mặt tiền đường nhỏ, nhưng nếu anh nhu cầu mở rộng thêm thì sẽ có thêm mặt tiền đường lớn. Dũng hào hứng: “Phía trước là rừng, nhưng nếu anh mua xong thửa đất này và có nhu cầu, tụi em sẽ rào luôn phần đất ngoài mé đường là đất mình lòi ra mặt tiền đường lớn”.

Khi tôi hỏi, đất phía trước của ai mà mình rào được? Dũng chẳng những không hề lúng túng mà còn “mạnh miệng”: “Đất rừng, nhưng mình gan thì ăn”. Tuy nhiên, sau khi kín đáo điện thoại cho vị lãnh đạo xã Bãi Thơm thì được xác nhận, thửa đất này nằm trong phạm vi đất rừng do nhà nước quản lý. Thế là đủ.

Chuyển sang đòi đi coi đất 15-20 triệu đồng/công, tôi được Dũng đưa đến khu vực đất đối diện với khu nghĩa địa rồi chỉ vào đám tràm bạt ngàn đến tận chân núi: “Nếu anh có quen lớn, mua đất này sẽ trúng lắm vì giá rất rẻ”. Chỉ vào trụ xi măng nho nhỏ giữa rừng tràm mênh mong, Dũng khẳng định: “Đó là ranh đất”, rồi ra sức thuyết phục với cái lý rất buồn cười: “Đất này của người địa phương khai thác từ lâu, nhưng giờ bị kiểm lâm gây khó dễ. Hễ thấy chủ đất vào cắm ranh là kiểm lâm tới nhổ bỏ. Anh có tiền, mua để đó, lâu ngày rồi cũng sẽ làm được giấy tờ”.

Trụ xi măng mọc lên giữa vùng đất được xác định là đất rừng do nhà nước quản lý. Ảnh: Nhóm PVĐT

San phẳng rừng để lấy trụ rào

Sau nhiều lần đăng ký làm việc chính thức với lãnh đạo nhiều ban, ngành huyện Phú Quốc, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Bận họp, bận tiếp đoàn Thanh tra Chính phủ… tôi quyết định đi tìm sự thật về “chợ đất chỉ” theo cách của riêng mình.

Theo hướng dẫn của đồng nghiệp địa phương, tôi tìm đến cơ sở sản xuất trụ rào ở khu vực xã Cửa Cạn của ông Tư Quới để thực hiện kiểu điều tra “đường vòng” với lời thiệu: Giới phá rừng thường mua trụ rào đất để khẳng định “chủ quyền”, vì vậy số lượng trụ rào bán ra hàng ngày, phản ánh được “chân tướng” thật của nạn phá rừng.

Nhìn nhóm thợ, lớp bẻ khuôn sắt, lớp tất bật với máy trộn bêtông, lớp khuân chất cao như núi ven đường, tôi phần nào hình dung ra độ “ăn nên làm ra” của cơ sở. “Cần mua 500 trụ, lấy liền được không ông chủ” – trong vai đại gia có nhiều đất, muốn mua trụ rào số lượng lớn, tôi lên tiếng. “Cái này có người đặt hết rồi, tối họ lấy” – ông Quới lấy làm tiếc: “Muốn mua số lượng lớn, thì phải đặt trước vài ba ngày”. Như để giữ mối khách hàng sộp, ông Quới trút tâm tình để tìm sự cảm thông: “Cỡ tháng nay, trụ rào đắt hàng y như thời điểm chuẩn bị bồi hoàn khu vực cáp treo Hòn Thơm vậy đó. Mỗi ngày xuất hơn 1.000 trụ, thậm chí có hôm gần 2.000 trụ mà vẫn bán hết”.

Số trụ khổng lồ này đi đâu trên hòn đảo không hề lớn này? Để tìm ra câu trả lời, tôi ra sức kèo nài với lý do cần về đất liền sớm: “Giờ đã chiều rồi, mà còn cả ngàn trụ, hay là chia bớt phân nửa đi nhe, em gởi thêm tiền cà phê”. Nhưng cái chiêu dùng tiền bôi trơn đã không thắng được. “Tại khách yêu cầu mình chất ra mé đường để tối họ đến chở đi, chứ không phải hàng tồn đâu”.

Theo lời ông Quới, cứ khoảng 12 giờ đêm, khách hàng điều xe môtô đến chở trụ đi vào rừng để rào đất mà họ vừa mới khai phá. Khai phá tới đâu, họ cắm trụ tới đó, đến mờ sáng thì rút về. Cứ thế, ngày này qua ngày khác…”. Quy mô và cách thức này, như lời chứng minh cho sự thật không thể chối cãi: Khi đất lên giá, rừng Phú Quốc tiếp tục chảy máu trước nạn bao chiếm, chặt hạ… trên phạm vi không hề nhỏ.

(còn nữa)