11 lao động kêu cứu tại mỏ vàng Quảng Nam: Còn hàng chục lao động đang mắc kẹt

Trước lời mời mọc “việc nhẹ lương cao” ở ngoại tỉnh, 11 người lao động quê tại tỉnh Quảng Trị đã ký hợp đồng làm việc và được đưa vào làm tại một mỏ vàng tại tỉnh Quảng Nam.

Người lao động tại mỏ vàng được giải cứu, đưa về quê và được chăm sóc chu đáo. Ảnh: BPQT

Thế nhưng, khi vào đây làm việc họ bị ngược đãi, thậm chí bị đánh đập, quản thúc. Phải nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng, họ mới được giải cứu, đưa về quê. Nhưng vẫn còn nhiều lao động đang bị ngược đãi tại các mỏ vàng muốn thoát ra ngoài, nhưng chưa thoát được.

Bị ngược đãi và truy đuổi

Ngày 17.4, 11 người lao động quê tại huyện miền núi Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) vào làm việc tại 1 mỏ vàng ở Quảng Nam đã được Biên phòng Quảng Trị đưa về quê. Theo lời kể của 11 lao động được giải cứu, họ được đối tượng tên là Nhất (trú tại xã Tà Rụt, huyện Đak Rông) và 1 người tên Giang gợi ý về việc đi làm vàng tại Quảng Nam. Với mức lương từ 4 – 6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, ở cùng với lời hứa là làm việc không mấy vất vả, chế độ đãi ngộ tốt nên nhiều thanh niên đã đồng ý vào làm. Sau khi được yêu cầu ký vào đơn xin việc đã soạn sẵn (nội dung chi tiết về công việc phải làm thì bỏ trống), người lao động được đưa vào trụ sở Cty TNHH Phước Minh tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) rồi đưa ngay vào khu vực mỏ vàng để làm việc. Tại mỏ vàng, số công nhân này được yêu cầu ký vào hợp đồng lao động đã soạn sẵn mà không hề biết nội dung của hợp đồng.

Mỗi ngày, số công nhân này phải làm việc theo ca, nhưng mỗi ca thời gian rất dài (5h sáng đến 11h, và từ 13h chiều đến 17h chiều). Ngoài làm việc nặng và không có ngày nghỉ, người lao động không được nghỉ ngơi khi bị ốm đau, ăn uống không đầy đủ. Thậm chí, họ còn bị đánh đập khi làm trái ý bảo vệ. Khoảng 12h ngày 12.4, các công nhân nói trên đến công ty xin nghỉ việc nhưng bị đuổi đánh. 11 người đã bỏ chạy vào rừng thì bị bảo vệ của mỏ vàng tổ chức truy đuổi.

Sau khi bỏ trốn, 11 công nhân đã liên lạc được với gia đình ở Quảng Trị. Khi nhận được thông tin, Biên phòng Quảng Trị lập tức triển khai lực lượng vào Quảng Nam. Đơn vị đã tiến hành phối hợp với Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Phước Sơn đến 2 địa điểm các nạn nhân đang trú ẩn (cách mỏ vàng từ 60 – 90km) để giải cứu 10 lao động, đến ngày 15.4, thêm 1 lao động nữa được giải cứu.

Nhiều lao động muốn về quê vì bị ngược đãi

Sau khi giải cứu được 11 lao động bỏ trốn khỏi mỏ vàng, tổ công tác gồm Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, PC45 Công an tỉnh Quảng Nam, PC45 Công an tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Cty TNHH Phước Minh (trụ sở đóng tại 183, đường Hồ Chí Minh, Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Theo đó, Cty này đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác khoáng sản vàng gốc và thuê đất tại khu vực bãi Muối.

Lãnh đạo Cty TNHH Phước Minh nói rằng, các chế độ dành cho người lao động được thực hiện đầy đủ, không có việc ngược đãi đánh đập công nhân. Chế độ lương cũng như các chế khác được đảm bảo, còn bảo hiểm do công nhân tự nguyện đóng theo nguyện vọng. Ngoài ra, phương pháp tuyển dụng của công ty là cử cán bộ của Cty thâm nhập trực tiếp địa bàn, không ký hợp đồng với bất kỳ ai làm cộng tác viên tuyển dụng công nhân tại các địa phương.

Thế nhưng, ngược lại, anh Hồ Văn Hinh (SN 1999, trú tại thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt) – 1 trong 11 người lao động được biên phòng giải cứu – lại khẳng định, ban đầu, người giới thiệu hứa sẽ giúp anh vào làm thợ xây tại Đà Nẵng, công việc nhẹ nhàng, lương tháng 7 triệu đồng. “Nhưng thực ra, đưa tôi đến đào hầm vàng. Hàng ngày khối lượng công việc rất lớn, thức ăn không có gì lại hay bị đánh đập. Khổ quá nên tôi quyết định chạy trốn. Suốt 1 ngày 1 đêm liền trốn trong rừng rất khổ cực và sợ hãi, chúng tôi chỉ dám trốn trong rừng, không dám ra ngoài đường, sợ bị bắt lại sẽ bị đánh” – anh Hinh kể.

Theo thông tin ban đầu, hiện tại ở khu vực mỏ vàng khe Muối có khoảng 30 người (có khoảng 2 đến 3 lao động nữ) lao động quê Quảng Trị. Điều đặc biệt đáng quan tâm là, số lao động này đều có nhu cầu về quê nhưng không thể thoát ra. Vì vậy, cơ quan chức năng đã yêu cầu Cty Phước Minh cung cấp toàn bộ danh sách số công nhân là người tỉnh Quảng Trị đang làm việc tại mỏ vàng bãi Muối cho Công an tỉnh Quảng Nam trước ngày 25.4.2018.