Khai thác cát “nuốt” bờ sông Lô (Kỳ 2): Tan nát những con đê, kè

ThienNhien.Net – Việc khai thác cát sỏi trên sông Lô đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua không chỉ gây sạt lở đất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kè chân đê. Song trước hậu quả này, các công ty khai thác cát sỏi lại phủi trách nhiệm.

Hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp trôi sông

Theo báo cáo của UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), địa phương này có 28km đường sông và hiện có tới 11 công ty được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyền khai thác, nạo vét cát sỏi. Trong đó có 4 đơn vị được cấp phép khai thác, 3 đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông và 4 đơn vị được cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi.

Một đoạn kè sạt lở tại thôn Trung, xã Đôn Nhân (Ảnh: V.T)
Các công ty nói trên đều phủi bỏ trách nhiệm. Và họ cho rằng họ đã khai thác đúng mốc giới được cấp phép, việc gây sạt lở là do “cát tặc” khai thác cát trộm gây nên”. – Ông Hoàng Đức Dũng (Trưởng phòng TNMT huyện Sông Lô)

Đặc biệt, có điểm mỏ chỉ rộng 5,7ha, với chiều dài 900m, rộng chỉ 40m, như điểm mỏ của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái tại xã Đức Bác song vẫn tập trung hàng chục tàu hút và vận chuyển cát lớn, do đó thường xuyên xảy ra việc khai thác ngoài chỉ giới, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Tại Công văn số 682/UBND-TNMT ngày 21.9.2015 báo cáo “Về hoạt động khai thác khoảng sản của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái tại xã Cao Phong” do ông Dương Văn Sơn – Phó Chủ tịch huyện Sông Lô ký gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã chỉ ra: “Tại vị trí giáp với mỏ của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái, Công ty Xây dựng và thương mại Linh Hải được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép thực hiện dự án nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng đường thủy nội địa cũng có rất nhiều phương tiện tham gia hoạt động khoáng sản. Nhiều phương tiện có trọng tải lớn thường xuyên áp sát neo đậu giáp bờ để chờ mua cát gây ảnh hưởng lớn đến đất canh tác và hệ thống đê, kè”.

Công văn số 32/PCTT-VP ngày 28.9.2015 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo về “Tình hình sạt lở bờ tả sông Lô khu vực thôn Phan Dư, xã Cao Phong” cũng nêu: “Từ khi Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái được cấp phép khai thác cát đi vào hoạt động đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở là 6.496m2. Đặc biệt nhiều đoạn lấn sâu vào bãi sông từ 15 – 20m và liên tục xuất hiện các cung sạt lở nối tiếp dài từ 60 – 150m. Có đoạn chỉ còn cách chân đê 34m, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đê điều. Nguyên nhân, do công ty này khai thác lấn sâu vào sát bờ, độ sâu, quy trình, công nghệ khai thác… không đúng quy định”.

Tính đến cuối tháng 2.2017, khi tiến hành kiểm tra xác minh đánh giá thực trạng sạt lở đất, cơ quan chức năng đã xác định: Phần diện tích đất sạt lở tại xã Đôn Nhân đã lên tới 5.000m2, đều là đất nông nghiệp quỹ 1 của gần 300 hộ dân trong xã, và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại…

Phủi trách nhiệm

Tàu cuốc của Công ty CP khoáng sản Đông Dương AVA hoạt động trên sông Lô (Ảnh: V.T)

Không chỉ gây sạt lở hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân, các doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái; Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty CP Lhai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển hạ tầng Vân Hội; Công ty TNHH An Viên; Công ty CP Thương mại và đầu tư Thái An… được cho là trong quá trình khai thác sát sỏi đã gây sạt lở nhiều đoạn đê kè, bờ sông gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Gần đây nhất, tại xã Đôn Nhân, do việc khai thác không đúng cốt, chỉ giới…, Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA đã gây sạt ở nhiều diện tích đất bãi của người dân và gây sạt lở hàng trăm mét đê kè tả sông Lô, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Trước tình hình cấp bách trên, ngày 1.3.2017, ông Lê Tiến Anh – Chủ tịch UBND huyện Sông Lô đã gửi Công văn số 169/UBND-TNMT báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời yêu cầu công ty Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi tại điểm mỏ xã Đôn Nhân.

“Các cơ quan chức năng của tỉnh cần xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở đất nông nghiệp và dự án kè chống sạt lở ở xã Đôn Nhân. Xác định rõ trách nhiệm phải bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân bị sạt lở đất. Chỉ đạo Sở TNMT tỉnh xác định rõ cốt tại các điểm mỏ, giám sát hoạt động khai thác cát sỏi đối với các đơn vị được cấp phép…” – công văn của Chủ tịch huyện Sông Lô kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo ông Lê Tiến Anh, huyện cũng đã triển khai nhiều chiến dịch kiểm tra, xử lý các đơn vị hoạt động sai quy định, tuy nhiên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, do không có tàu thuyền chuyên dụng, không có các dụng cụ đo đạc cốt, tọa độ trên sông. “Khi kiểm tra thì họ lui vào đúng điểm mỏ, khi cơ quan chức năng rút đi thì họ lại vi phạm, trong khi đó lực lượng mỏng, chúng tôi không thể túc trực 24/24 giờ được” – ông Tiến Anh lý giải.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Sinh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc cho biết: “Các doanh nghiệp khai thác cát sỏi biện minh rằng, nếu công ty họ vi phạm phải có biên bản xử lý. Nhưng chúng tôi hỏi lại họ rằng khi phát hiện “cát tặc”, họ có báo cáo lên cơ quan chức năng của huyện hay không thì họ im lặng”.

Đáng lưu ý là trước tình trạng sạt lở đất, đê kè tại xã Đôn Nhân ngày càng nghiêm trọng, lấn sâu vào chân đê, UBND huyện Sông Lô đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh cho lập dự án kè và ngày 6.10.2016 UBND tỉnh đã có Quyết định số 3146/QĐ-UBND phê duyệt dự án kè chống sạt lở tại xã Đôn Nhân, do Sở NNPTNT làm chủ đầu tư, với tổng số vốn thực hiện là 19 tỷ đồng. Được biết, vốn thực hiện dự án này được lấy từ nguồn vốn quản lý, tu sửa đê điều hàng năm của tỉnh.

Theo ông Sinh, việc sạt lở đất nông nghiệp và đê kè tại xã Đôn Nhân do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản: “Hiện tại vị trí đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với dự án kè tại xã Đôn Nhân tiếp tục bị sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê, kè và đất canh tác của nhân dân. Do vậy, nhà thầu không thể thi công dự án theo bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt”.

Như vậy, đang có một nghịch lý là: Doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây sạt lở đê kè, bờ bãi sản xuất, còn tỉnh phải dùng ngân sách để khắc phục.

Khai thác cát “nuốt” bờ sông Lô (Kỳ 1): Mất dần bãi bồi, bờ xôi ruộng mật