Hồi sinh kỳ diệu ở vùng núi đá vôi (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Hơn 300 gốc Bách vàng gần 5 tuổi tươi xanh hiện rõ trước mắt chúng tôi là minh chứng rõ rệt nhất rằng báu vật của núi đá vôi Việt Nam đã quay trở lại. Bách vàng đã thoát khỏi mối đe dọa tuyệt chủng và đang bắt đầu quá trình phục hồi. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử bảo tồn thực vật Việt Nam, một loài được xếp vào bậc cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ Thế giới có bước chuyển ngoạn mục như thế.

Lên núi mục sở thị cây quý

Chiếc xe máy gầm lên sòng sọc nhả khói, bỏ lại sau lưng những dốc cua gập tay áo. Chúng tôi vượt đèo Cán Tỷ theo tả ngạn dòng sông Miện. Trước mắt chúng tôi là đỉnh Háng Tống Chống cao vút quanh năm mờ mịt mây khói. Chúng tôi đang đi theo dấu cung đường mà nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng 4 nhà khoa học nước ngoài thuộc các Vườn thực vật Misouri (Mỹ), Komarov (Saint Petersburg, Nga), Kew (Edinburg, Anh) và Sydney (Australia) đã đi từ trước đó cả thập kỷ để tìm ra loài cây Bách vàng quý giá.

Những cây Bách vàng gần 5 tuổi đang phát triển tốt trong vùng phân bố tự nhiên của loài

Giàng Minh Hài là con ông Páo, cậu mới 19 tuổi nhưng đã có vợ và sinh con được gần 2 năm nay. Anh chàng nhỏ thó này vừa thoăn thoắt đi trước dẫn đường, như con linh dương thoải mái nhảy nhót qua những tảng đá tai mèo nhọn hoắt, vừa bảo: “Cứ đi theo em, các anh muốn xem tận mắt cây Ché thì phải qua 2 ngọn núi, lên tít trên đỉnh kia mới có.”

Gần 4 tiếng với rất nhiều lần dừng lại nghỉ chân, cuối cũng chúng tôi cũng đặt chân lên được đỉnh Háng Tống Chống. Đang chính ngọ nhưng đỉnh núi cao hơn 1000 mét này vẫn mờ hơi sương. Thứ đập vào mắt chúng tôi là những thân cây chừng hơn 10 mét vươn lên kiêu hãnh. Giữa sương mù bảng lảng, Bách vàng toát lên vẻ đẹp kỳ lạ. Trên nền đất cằn cỗi, thân cây xù xì màu nâu đỏ như khẳng định với tất cả sức sống mãnh liệt, mặc cho mưa nắng gió bão dập vùi, lá vẫn một màu xanh biếc giao hòa cùng với các loài Kim giao, Thiết sam giả, Bách xanh tạo thành quần thể thực vật quý giá đặc hữu của đá vôi. Đâu đó trên cành cây, dưới mặt đất là kỳ hoa dị thảo đang đua nhau vươn lên.

Hài chỉ vào mấy vết dao trên thân cây to nhất và bảo chúng tôi: Cách đây mấy năm có người định chặt nhưng em và bố (ông Páo) ngăn chặn quyết liệt nên mới giữ lại được. Nhưng cũng chính thân cây mang đầy vết thương đó lại đơm quả và nảy mầm thành cây con. Nhìn mầm cây non mỏng manh, người bạn đồng hành của tôi khẳng định đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tìm kiếm mới phát hiện được cây Bách vàng non trong tự nhiên, chứng tỏ quần thể Bách vàng ở đây còn khả năng sinh sản.

Cây con Bách vàng nảy mầm ngoài tự nhiên

Mầm xanh hy vọng

Bên dưới đỉnh Háng Tống Chống chừng 100 mét là khu trồng của “Trung tâm bảo tồn thông Việt Nam” – nơi đem lại hy vọng hồi sinh cây Bách vàng nhờ bàn tay con người. Trên diện tích hơn 1 ha đang hiện hữu hơn 300 gốc Bách vàng gần 4 tuổi, tất cả đều tươi xanh vươn lên vững vàng. Mỗi cây đều được đánh số vào theo dõi cẩn thận. Theo lời Hài thì thỉnh thoảng “lại có cán bộ dưới xuôi và cán bộ Ban quản lý Khu BTTN lên kiểm tra đo đạc tình hình phát triển, trồng thay thế những cây chết.”

Tấm biển trước khu trồng bảo tồn Bách vàng

“Bách vàng đã thoát nguy cơ tuyệt chủng rồi anh ạ” – Giám đốc Khu BTTN Bát Đại Sơn Lệnh Xuân Trung hào hứng khẳng định với chúng tôi. Để minh chứng, anh dẫn chúng tôi ra vườn ươm của Ban quản lý Khu bảo tồn. Ở đó, 500 cây Bách vàng trong bầu đang phát triển tốt.

Anh cho biết đó là thành quả bắt nguồn từ “Dự án bảo tồn năm loài thông điển hình bị đe dọa tuyệt chủng tại Việt Nam” do Trung tâm bảo tồn thực vật (CPC) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) thực hiện.

Từ năm 2007, hơn 300 gốc Bách vàng được đưa lên đây trồng để phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Kết quả rất khả quan, tỷ lệ cây non sống gần như 100%. Ở xã Cán Tỷ cũng đã bước đầu trồng thành công thêm 200 gốc nữa. Bách vàng không còn trong nguy cơ tuyệt chủng cao nữa mà đã bắt đầu bước vào quá trình trồng phục hồi.

Ban quản lý Khu BTTN Bát Đại Sơn tiết lộ, mọi công đoạn chăm sóc do chính người dân ở đây thực hiện, chi phí chăm sóc mỗi cây 3000 đồng/năm. Cũng chính những người tham gia chăm sóc cây này đã góp phần bảo vệ được quần thể Bách vàng trong tự nhiên không bị chặt phá. “Chỉ dựa vào dân mới bảo vệ được loài đặc hữu, lực lượng của chúng tôi dù đông đến đâu cũng không thể bảo vệ tốt bằng chính những người dân gắn bó với rừng, với núi” – anh Trung chia sẻ.

Bách vàng được trồng trong bầu trước khi đưa ra trồng ngoài tự nhiên

Cũng tình cờ trong câu chuyện mà tôi mới biết hóa ra Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, người bạn đồng hành của tôi, trong một chuyến lên đây điều tra năm 2001 – khi Bách vàng còn chưa công bố là loài mới với thế giới – đã nảy ra ý định lạ lùng là cắt lấy cành từ những cây Bách vàng cổ thụ từ Hà Giang mang về xuôi để tạo cây con. Ý định tưởng chừng hoang đường đó lại là khởi đầu của quá trình Bách vàng hồi phục kỳ diệu như hiện nay. Ngay từ lần giâm hom đầu tiên hơn 30 cây con Bách vàng đã được tạo ra. Những cây con này chính là những cây đầu tiên đã được đem trồng lại phục hồi dưới đỉnh Háng Tống Chống. Số lượng cây được trồng tới nay đã còn nhiều hơn những cây cổ thụ trên đỉnh Háng Tống Chống.

Vẫn còn trăn trở

Rời Bát Đại Sơn, trong đầu tôi còn vương vấn hình ảnh những cây Bách vàng vươn lên kiêu hãnh giữa sương khói. Báu vật của núi đá vôi được bảo tồn nhưng nếu khách quan mà nói thì tương lai của Bách vàng còn khá mong manh. Trừ một vài chương trình nhỏ lẻ của các tổ chức bảo tồn và các cơ quan khoa học, loài cây này chưa được Nhà nước quan tâm và đặt trong một chương trình bảo vệ xứng tầm, trong khi các hoạt động xâm hại môi trường rừng vẫn đang diễn ra hàng ngày, vì bài toán mưu sinh của bà con nơi đây.

Người dân trong vùng phân bố Bách vàng vẫn hay vào rừng lấy củi về nấu rượu

Đời sống của phần lớn các xã trong vùng có loài Bách vàng phân bố vẫn khó khăn, dựa chủ yếu vào làm nương rẫy và đi rừng. Lãnh đạo các xã này thừa nhận lực lượng lao động của họ (chủ yếu là người Mông) dồi dào nhưng trình độ thấp nên giá trị sản xuất không cao, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám qua nhiều thế hệ. Đất đai cằn cỗi, để có đất làm nương, người dân vẫn đốt rẫy từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Không kiếm được ăn ở chân núi, họ tiến dần lên đỉnh, vào rừng chặt cây làm củi bán và để nấu rượu bán, ngày càng tạo sức ép lên không chỉ Bách vàng và nhiều loài đặc hữu khác của núi đá.

Nếu không giải được bài toán này, công sức và tâm huyết của biết bao con người cố gắng nhen lên đốm lửa bảo tồn loài Bách vàng cũng có thể lụi tàn bất cứ lúc nào.