Vật vã bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Đi không được, ở không xong

ThienNhien.Net – Gần chục năm nay, hàng ngàn hộ dân sống trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) không chỉ phải sống khổ trong tình cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bị ô nhiễm ,mà còn phải chịu hệ lụy nợ nần, nhiều khu tái định cư xây xong bỏ hoang xuống cấp trầm trọng.

Ôm nợ vì nhường đất cho dự án

Có mặt tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này, chúng tôi không chỉ nghe tiếng kêu than xé lòng của người dân khi phải sống lay lắt suốt gần chục năm bên dự án treo, mà còn được chứng kiến những câu chuyện “cười ra nước mắt”.


Khu TĐC thuộc thôn Long Giang (xã Thạch Khê) bỏ hoang đã lâu, người dân không có đất sản xuất đã tận dụng trồng hoa màu.  Ảnh: P.V

Phóng viên tìm đến gia đình ông Phan Trọng Đào (61 tuổi, trú tại thôn Long Tiến, xã Thạch Khê). Nghe hỏi chuyện cuộc sống, ông Đào lắc đầu ngao ngán: “Gia đình tôi thuộc diện di dời tự do, được cấp trên hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng. Tôi cùng một số hộ dân vay tiền để mua đất với hy vọng sớm ổn định ở nơi ở mới. Năm 2010, gia đình tôi mua 500 cây cà phê, 2 sào lúa cùng 1 ngôi nhà cấp 4 ở huyện Eakar (tỉnh Đăk Lăk) với giá 200 triệu đồng. Vì nghĩ sắp chuyển vào nơi ở mới, chỉ ở tạm ở đây đến khi nhận tiền đền bù nên nhà cửa không tu sửa lại, ruộng vườn không gia cố. Chờ đợi mãi đến đầu năm 2011, nghe tin dự án mỏ sắt tạm ngừng. Kể từ đó đến nay tiền đền bù không thấy, tôi vay mượn đủ bề cũng chỉ trả được 100 triệu đồng, còn 100 triệu đồng nữa không cách nào xoay nổi đành trả lại mảnh vườn cho chủ”.

“Gia đình tôi đổ nợ vì không chỉ nhường đất cho dự án. Cùng thời điểm đó chủ đầu tư thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, họ bảo gia đình cứ di dời mộ của người thân trên khu vực Đồng Xiêm, Đồng Trăm về nghĩa trang Cồn Hát Chung, sau đó sẽ được đền bù. Tôi và anh em trong dòng họ vay mượn, thuê người cất mộ, mua vật liệu về xây lại mộ cho người thân ở nghĩa trang hết 70 triệu đồng nhưng đến nay cũng chưa nhận được đồng nào”- ông Đào lắc đầu ngao ngán.

Không chỉ ông Đào bỗng dưng phải gánh thêm một đống nợ vì nhường đất cho dự án, ông Phan Xuân Hương (trú tại xóm Long Tiến) cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. “Khi có chủ trương di dời dân thuộc vùng bị ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê, họ hứa sẽ đền bù nên gia đình tôi đã vay mượn vào Đăk Lăk mua mảnh đất để định cư lâu dài. Ngờ đâu chờ mãi không thấy tiền hỗ trợ, mỏ sắt nay không lấy đất nữa, gia đình tôi đành ôm nợ”.

Một trong những lý do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê là năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư tổ hợp dự án theo tiến độ. Lý do nữa là Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê. Đặc biệt, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường…

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Đình Tiến – Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: Dự án mỏ sắt Thạch Khê toàn xã có gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 850/1.047ha đất nông nghiệp nằm trong diện giải tỏa.

“Cái khó nhất của địa phương hiện nay là số hộ thuộc diện di dời tự do, nhiều gia đình mua đất ở địa phương khác nhưng vẫn phải ở lại để chờ tiền hỗ trợ, nhiều gia đình dù đã đặt cọc tiền mua đất tái định cư nhưng lại không gom đủ tiền để trả, còn đất dự án chưa lấy khiến dân ôm nợ”-ông Tiến cho biết thêm.

Xây khu tái định cư rồi bỏ hoang

Để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh chủ trương di dời hơn 4.000 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch về nhiều khu tái định cư (TĐC). Sau 6 năm tạm dừng dự án, nhiều khu TĐC trở thành những bãi đất hoang.

Ghi nhận của phóng viên tại khu TĐC thuộc xã Thạch Đỉnh, người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, không có đất sản xuất…

Chỉ tay về bãi đất trống, bà Nguyễn Thị Nga (53 tuổi, ở thôn Trường Xuân, Khu TĐC Thạch Đỉnh) cho biết: “Sau khi chúng tôi chuyển đến đây ở, nghe nói sẽ có thêm nhiều hộ trong xã di dời về lô thứ 2, nhưng gần chục năm nay không thấy động tĩnh gì. Dân thì chưa đến ở mà cơ sở vật chất đã xuống cấp hết rồi, đèn đường cháy, hội quán xây xong toàn bộ cửa sổ bị gỡ hết, nhà nứt nẻ”.

Ông Nguyễn Đình Ân (thôn 5, xã Thạch Đỉnh) lắc đầu ngao ngán: “Mấy năm nay rồi, khu TĐC này trở thành nơi chăn thả trâu bò, đổ rác, lãng phí lắm!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho biết: “Khu TĐC Thạch Đỉnh quy hoạch trên diện tích 50ha được chia làm hai khu. Hiện, lô thứ nhất (thôn Trường Xuân) đã có 68 hộ dân đến sinh sống. Khu đất còn lại mặc dù đã được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, qua thời gian cơ sở vật chất xuống cấp, hiện chúng tôi đang chờ chỉ thị của cấp trên”.

Còn tại khu TĐC thôn Long Giang (xã Thạch Khê), không khác gì khu TĐC xã Thạch Đỉnh, cũng cảnh hoang tàn, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống điện, nước. Nhiều hộ dân thấy đất bỏ hoang lãng phí, trong khi đó không có đất canh tác nên đã ra tận dụng để sản xuất nông nghiệp.

Ông Dương Đình Tiến cho biết: “Khu TĐC thôn Long Giang được quy hoạch trên diện tích 21ha, dự kiến sẽ di dời 430 hộ về khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay cơ sở vật chất ở khu TĐC đã xuống cấp, hệ thống nhà văn hóa cơ bản bị hư hỏng, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng chưa hoàn thiện cũng đã có dấu hiệu xuống cấp”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đã làm hết khả năng của địa phương, ngay từ khi triển khai dự án đã tuyên truyền, động viên nhân dân kiểm đếm giải phóng mặt bằng đúng yêu cầu của chủ đầu tư. Đến nay dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đang tìm mọi cách để an dân, phần việc còn lại đành phải tiếp tục chờ”.