Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Còn đó những trăn trở (Bài 1)

Rất nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, không thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều lý do. Quan trọng nhất có lẽ là vấn đề liên quan tới công nghệ khai thác và môi trường.

LTSTập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh), nơi có trữ lượng sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Liên quan đến Dự án này, rất nhiều nhà khoa học đã cảnh báo rằng, không thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều lý do. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là vấn đề liên quan tới công nghệ khai thác và môi trường. Ngay cả UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhiều lần đề nghị Chính phủ quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì quan ngại những hệ lụy của Dự án.

Từ những vấn đề trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài phản biện “Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê dưới góc nhìn kinh tế môi trường”. Tuyến bài nêu lên thực trạng, góc nhìn toàn cảnh Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Đồng thời, đăng tải những ý kiến phân tích, đánh giá chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự án này. 

Mỏ sắt Thạch Khê (ảnh TKV)

TKV muốn tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Mới đây, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã gửi báo cáo tham luận về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tới các Bộ, ngành và Chính phủ. Trong đó, TKV đề xuất nhiều giải pháp về nâng cao hoạt động và phát triển các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này trong thời gian tới.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Theo TKV, số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư đã góp vào Dự án tới nay là 1.800 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã điều chỉnh Dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nhưng từ cuối năm 2011, Dự án mỏ sắt Thạch Khê phải dừng triển khai.

Trong văn bản gửi Chính phủ, TKV cho biết, tháng 2/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê hoàn thành trước năm 2030.

Vì vậy, TKV đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời khẳng định đã có đủ giải pháp để xử lý môi trường và hiệu quả kinh tế đối với Dự án này.

Góc nhìn khoa học

Trước đó, vào năm 2017, tại văn bản góp ý gửi các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng: Nếu tiếp tục thực hiện Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, chấp nhận các rủi ro thì cái được là tiếp nối những công việc đã làm, sẽ có nguồn thu từ bán khoáng sản, có công ăn việc làm cho người dân và dịch vụ đi kèm. Nhưng cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro, nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc khắc phục nguy cơ về môi trường sẽ đẩy giá thành quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Nếu chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra thì cái được chính là tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt vòng đời 52 năm của dự án; cái mất là phải chấp nhận mất khoản vốn đầu tư ban đầu – hơn 1.589 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo VUSTA, đây không phải mất trắng. Khoản tiền đền bù di dân tuy lớn, nhưng có thể xem như món quà của Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà.

Một phương án khác được đề xuất là tiếp tục tạm dừng Dự án cho đến khi những vấn đề môi trường có được phương án xử lý tốt, các khó khăn về công nghệ và kỹ thuật được khắc phục. Phương án tạm thời này cũng tránh được những rủi ro với những nguy cơ đang hiện hữu, nhưng tiếp tục “treo” Dự án sẽ là gánh nặng cả với chủ đầu tư và người dân địa phương.

VUSTA cho rằng, Dự án chỉ nên được tiếp tục sau khi những vấn đề đã có được phương án xử lý đảm bảo.

Thời điểm đó, VUSTA cho rằng, hiện cơ sở pháp lý của việc tái khởi động Dự án chưa hoàn thiện, xuất hiện các yêu cầu mới về giải pháp bảo vệ môi trường, về sự phù hợp của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt với quy định hiện hành, vấn đề xã hội phát sinh sau sự cố Formosa, các vấn đề kinh tế và vốn đầu tư của Dự án đòi hỏi chủ đầu tư phải rà soát và tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước khi Dự án tái khởi động.

Hiệu quả kinh tế của Dự án được đánh giá là rất thấp khi phải đầu tư nhiều để bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở, bơm thoát nước… Hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao, đồng thời chưa có phương án tiêu thụ sản phẩm khả thi, nhất là trong trung và dài hạn.

Ngoài nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề nếu các giải pháp về công nghệ khai thác không khả thi khi gặp phải thiên tai hoặc do địa chất phức tạp gây ra, dẫn đến sụt lở đất đá, nước tràn vào mỏ; dự án còn không tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đối với dân cư phải chuyển đổi chỗ ở khi thực hiện Dự án. Ngược lại, những cư dân nơi đây sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ của Dự án mang lại.

Với tất cả những lo ngại được đưa ra, VUSTA đã kiến nghị Dự án chỉ nên được tiếp tục sau khi những vấn đề đã có được phương án xử lý đảm bảo. Tuy nhiên, nếu Dự án tiếp tục được tạm dừng, cần có giải pháp để người dân địa phương thoát cảnh “treo”.

Hà Tĩnh kiên quyết muốn chấm dứt dự án

Sau khi tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, đồng thời đánh giá một cách nghiêm túc Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Lần gần đây nhất, vào tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê tại huyện Thạch Hà.

Cụ thể, văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, Dự án khai thác, tuyển mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã dừng bóc đất tầng phủ và tạm dừng khai thác đã mười năm nay. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời mời Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tư vấn, phản biện về Dự án.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương, Thủ tướng xem xét cho dừng Dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Việc Dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn tới nhiều tồn đọng, nhiều phát sinh liên quan chưa được giải quyết.

VUSTA cho rằng, Dự án chỉ nên được tiếp tục sau khi những vấn đề đã có được phương án xử lý đảm bảo.

Vì vậy, để giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho công ty tham gia chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, đồng thời để ổn định việc sản xuất, đời sống cho nhân dân trên địa bàn liên quan hoạt động khai thác mỏ, UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và Nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê để công ty duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa khẳng định, tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, khi có quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ Chính phủ, Hà Tĩnh cam kết sẽ thực hiện các nội dung Trung ương giao. Trong đó, sẽ thu hồi diện tích 980 ha để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn.

Từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 – 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 – 15 triệu tấn mỗi năm.

Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.

Doanh thu cả đời Dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 – 1%.

Đến tháng 3/2017, Dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư Dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến nay, tổng diện tích Dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1ha, trong đó 741,3ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho Dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.

Sau gần 10 năm triển khai Dự án, từ năm 2017 đến nay, Dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số Bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.