Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững

ThienNhien.Net – Chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vai trò quan trọng để tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, đóng góp nguồn tài chính quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của dịch vụ này đang có không ít những khó khăn cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ…

Người dân Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiệu quả lớn từ dịch vụ

Hòa Bình là một trong số những tỉnh có diện tích rừng lớn của miền núi phía bắc. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) làm cơ sở tổ chức thực hiện chính sách chi trả cho các chủ rừng, kết hợp lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến chính sách nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, chủ rừng và người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Nhẫn cho biết, Hòa Bình có hai lưu vực sông Đà (Nhà máy thủy điện Hòa Bình) và lưu vực sông Mã (Nhà máy thủy điện Bá Thước II) với tổng nguồn thu DVMTR năm 2016 đạt hơn bốn tỷ đồng và gần 226 triệu đồng từ trồng rừng thay thế. 5 năm qua, tỉnh đã chi trả hơn 12,2 tỷ đồng cho gần 18 nghìn chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, với tổng diện tích khoán quản lý là 107 nghìn ha rừng. Tác động từ việc chi trả DVMTR tại địa phương là rất lớn, thúc đẩy quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái, chống lũ ống, lũ quét, đồng thời góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân.

Cũng như Hòa Bình, hai tỉnh miền núi phía bắc là Lào Cai và Sơn La đã thực hiện khá hiệu quả công tác DVMTR. Lào Cai là địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước từ rừng. Đây là mô hình tiền đề cho việc mở rộng thí điểm các DVMTR mới trong cả nước trong thời gian tới. Tỉnh đã xác định kế hoạch thu tiền DVMTR giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn là 416 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất (82%). Tại tỉnh Sơn La, sau 5 năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã giải ngân 388 tỷ đồng đến các chủ rừng, đạt 97% kế hoạch. Đối với công tác thu tiền trồng rừng thay thế, đến nay toàn tỉnh đã thu được hơn 38 tỷ đồng với tổng diện tích trồng bù khoảng 126 ha, đạt 61,9 % kế hoạch.

Hiện, cả nước có hơn 500 nghìn hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền hỗ trợ từ DVMTR. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành rà soát, xác định ranh giới, diện tích rừng, làm cơ sở DVMTR đến các chủ rừng. Cả nước hiện có 42 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền DVMTR đã góp phần quản lý, bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các doanh nghiệp lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao do khai thác thêm các DVMTR mới, góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành lâm nghiệp…

Hoàn thiện chính sách để phục vụ hiệu quả hơn

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, trong quá trình tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chi trả DVMTR vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc thu tiền DVMTR vẫn còn thấp so với tiềm năng hiện có. Nguyên nhân là do trong các loại DVMTR được quy định tại Nghị định 99 hiện mới chỉ có ba loại DVMTR đã thực hiện với các đối tượng là thủy điện, nước sạch và du lịch; các đối tượng khác như cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các-bon chưa được thực hiện. Tiền DVMTR thu từ các nhà máy thủy hiện nay là 36 đồng/kwh, thu từ các nhà máy sản xuất nước sạch là 52 đồng/m3 thấp hơn nhiều so với giá trị dịch vụ môi trường do rừng tạo ra. Bình quân hằng năm thu tiền DVMTR đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí quản lý, vận hành thì tiền DVMTR bình quân còn khoảng 200.000 đồng/ha/năm. Nếu tính chung, thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân cả nước chỉ khoảng hai triệu đồng/hộ/năm. Đây là con số rất thấp, khó bảo đảm cuộc sống của người làm rừng. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực của mỗi cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo sự chênh lệch rất lớn. Thực tế hiện nay, một số đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, nước sạch và cơ sở kinh doanh du lịch) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả tiền DVMTR hoặc trả chậm dẫn đến nợ đọng nhiều gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi và kế hoạch quản lý bảo vệ rừng của các tỉnh.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy thực thi chính sách, nghiên cứu, đề xuất khai thác hết các tiềm năng của DVMTR, đề xuất mức chi trả DVMTR tiệm cận với giá trị thực. Đồng thời, đề xuất với Quốc hội về sáng kiến tạo cơ chế tài chính mới nhằm luật hóa trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2008/NĐ-CP, quy định địa vị pháp lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập; tăng cường vai trò, quyền của Hội đồng quản lý quỹ. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở cung cấp nước sạch, các đơn vị liên quan xây dựng, phê duyệt mức chi trả tiền DVMTR trong đơn giá nước thương phẩm từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 theo quy định hiện hành để thực hiện, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu. Đề nghị nhà nước kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không có khả năng trồng rừng thay thế mà không nộp tiền trồng rừng thay thế, các nhà máy thủy điện không chi trả tiền DVMTR. Bên cạnh đó, lồng ghép thực hiện chính sách chi trả DVMTR gắn với thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và các chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp khác…