Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững các tỉnh phía Nam

ThienNhien.Net – Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 25/12/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Nuôi trồng Thủy sản đã tổ chức “Hội nghị bàn biện pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững các tỉnh phía Nam”. Hội nghị thống nhất đánh giá, năm 2009, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão lịch sử số 9, số 10 ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, nhưng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các tỉnh, thành phía Nam (Từ Đà Nẵng đến Cà Mau) vẫn duy trì phát triển tương đương năm 2008 và đạt xấp xỉ so với kế hoạch đề ra.


Theo báo cáo của Cục Nuôi trồng Thủy sản, năm 2009 diện tích NTTS toàn vùng phía Nam là 926.770 ha với sản lượng đạt 2.123.160 tấn, chiếm 79,0% về diện tích và 80,0% sản lượng của cả nước. Trong đó, khu vực miền Tây Nam bộ nuôi trồng 823.835 ha với sản lượng đạt 1.962.970 tấn, chiếm gần 89% diện tích và 92,5% sản lượng toàn vùng.

Đối tượng nuôi chủ lực: Tôm sú 653.374 ha với sản lượng 307.713 tấn, Tôm chân trắng 14.383 ha với sản lượng 71.008 tấn, Nhuyễn thể 20.885 ha với sản lượng 67.552 tấn, Cá tra 6.788 ha với sản lượng 998.255 tấn, Tôm càng xanh 11.713 ha với sản lượng 9.298 tấn.

Ngoài ra, việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi cũng được các địa phương chú trọng phát triển như: Cá biển (Cá song, Cá giò, Cá hồng mỹ, Cá hồng bạc, Cá chẽm…), Cua, Tôm hùm, Ốc hương, rong Câu, rong Sụn; Cá rô phi, Rô đồng, Diêu hồng, Lóc, Chình, Chép, Mè, Trôi, Trắm, Lăng nha, Lăng đuôi đỏ, Thát lát cườm, Ba ba, Ếch đồng…

Kết quả NTTS năm 2009 và những năm qua đã góp phần quan trọng vào tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cho người sản xuất. Tuy nhiên, NTTS đã và đang phải đối chọi với nhiều khó khăn thách thức trước ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sự biến đổi khí hậu, các rào cản kỹ thuật của nhiều nước nhập khẩu (nhất là cá tra). Nhiều vấn đề phục vụ phát triển NTTS vẫn còn hạn chế, bất cập như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; Cảnh báo môi trường và quản lý dịch bệnh; Dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm; Hợp tác, chia sẻ giữa người nuôi và cơ sở chế biến xuất khẩu; Quản lý Nhà nước về con giống, thức ăn, thú y thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Để góp phần quyết định thực hiện đạt kế hoạch của cả nước đặt ra năm 2010 (diện tích nuôi trồng 1.110.000 ha, sản lượng 2.700.000 tấn) và những năm tiếp theo, tạo nên bước phát triển chiều sâu, nâng cao hiệu quả và bền vững, thay mặt hội nghị, ông Vũ Văn Dũng – Cục trưởng Cục Nuôi trồng Thủy sản đã nêu lên các giải pháp trong thời gian tới là:

– Tập trung đầu tư các dự án đã được khởi công và các dự án đã được phê duyệt.

– Làm tốt công tác quy hoạch.

– Chú trọng các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phát triển theo hướng thâm canh; đồng thời khuyến khích đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi phù hợp theo từng khu vực, thời vụ nuôi trên từng vùng.

– Triển khai áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường.

– Đẩy mạnh công tác khuyến nông- khuyến ngư.

– Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, mối liên kết trong NTTS.

– Quan tâm công tác quản lý Nhà nước về giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh và thú y thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xẩy ra; có nguồn kinh phí dự phòng hàng năm để kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

– Nhà nước, các Bộ Ngành liên quan có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, đáp ứng yêu cầu phát triển NTTS. Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy định hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đánh số cơ sở nuôi, vùng nuôi thủy sản; thông tư sửa đổi quy chế quản lý sản xuất kinh doanh giống thủy sản, quản lý thức ăn, hóa chất xử lý môi trường.

– Kiện toàn Chi cục nuôi trồng thủy sản ở các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quản lý, phục vụ yêu cầu phát triển NTTS.