Thái Bình xin di dời 150 ha rừng làm dịch vụ

ThienNhien.Net – Tỉnh Thái Bình vừa trình Bộ TN&MT báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án quai đê lấn biển để có 320ha (trong đó có 150ha rừng ngập mặn) làm mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ.

Theo đó, với dự án “Nâng bãi bồi ổn định đê biển 8 (đoạn từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy) để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ” – Thái Bình đưa ra phương án sẽ đắp đoạn đê mới cách đê cũ khoảng 800m về phía biển.

Phần diện tích đất xen kẹp này có diện tích khoảng 320ha, trong đó có 150ha rừng ngập mặn sẽ được dùng để phát triển công nghiệp – dịch vụ, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển.

Theo dự án, gần 150ha đất rừng ngập mặt sẽ có phương án trồng mới, trồng thay thế.

Rừng ngập mặn tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: (Báo Thái Bình)

Cần tham khảo ý kiến nhân dân

Từ cuối năm 2016, bản đánh giá ĐTM lần 1 được gửi xin ý kiến Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Tại bản báo cáo ĐTM lần 1 cho biết có khoảng 80 hộ gia đình tại hai xã Thụy Hải và Thụy Xuân (huyện Thái Thụy) bị thu hồi đất nuôi thủy sản. Báo cáo cũng đưa số liệu đánh giá hoạt động nuôi trồng thủy sản trên không hiệu quả.

Ngày 25/2 vừa qua, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia về dự án này.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, dự án mở tuyến đê biển này là cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư và cải tạo môi trường sinh thái tại đây.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng lưu ý, cần xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động đến môi trường của dự án, có các giải pháp để bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là hệ sinh thái động thực vật tại rừng ngập mặn, cần tham khảo ý kiến của nhân dân trong khu vực.

Với diện tích rừng mới trồng để phục hồi hệ động thực vật và đa dạng sinh học tại đây cần có phương án chăm sóc cụ thể. Ngoài ra, xây dựng hệ thống đê biển mới cần phải đảm bảo chất lượng cho công trình và tiêu thoát nước đối với khu vực quanh hệ thống đê mới.

Xin lấn biển không phải phá rừng?

Theo Trưởng ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT Đặng Văn Thái, bản báo cáo ĐTM đã được bổ sung các thông số, điều chỉnh các dữ liệu để gửi xin ý kiến Bộ TN&MT tuần trước.

Ông Thái cho biết, tại báo cáo ĐTM lần 2, số lượng các hộ dân nuôi trồng thủy sản đã được bổ sung lên, thành 354 hộ (gồm 57 tại xã Thụy Xuân; 297 hộ tại xã Thụy Hải).

“Cùng với báo cáo ĐTM lần 2, phương án cải tạo, trồng rừng mới thay thế cũng được Thái Bình gửi lên Bộ TN&MT để xin ý kiến.

Đây là phương án quai đê lấn biển để phát triển kinh tế hướng ra biển chứ không phải phá rừng ngập mặn để làm công nghiệp. Việc đắp đê mới sẽ tiến hành song song với việc trồng mới phần diện tích rừng ngập mặn nằm trong phần đất kẹp giữa hai đoạn đê biển này”, ông Thái giải thích.

Khu rừng cần được bảo tồn

Theo đánh giá của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), vùng đất ngập ven biển Thái Thụy là nơi có hệ sinh thái ngập mặn với nhiều giá trị cần được bảo tồn. Khu rừng như bức tường xanh trải dài dọc bờ biển, bảo vệ đê biển và che chắn các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền.

Đây cũng là nơi mà một số chim nước di cư, trú đông bị đe dọa trên toàn cầu, được ghi trong danh mục đỏ IUCN trú ngụ như: cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen…

Tháng 12/2004, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng”, gồm các vùng đất ngập nước phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ nằm ở cửa sông Thái Bình, sông Hồng và sông Đáy thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.