Côn Đảo còn được xanh mấy độ…

ThienNhien.Net – Ngang nhiên xây resort không phép giữa Vườn quốc gia Ba Vì, xâm hại rừng bán đảo Sơn Trà, nhà máy xử lý rác trị giá 30 tỉ vận hành không hiệu quả ở Lý Sơn, thú chết và “bỏ trốn” ở Safari Phú Quốc, những vạt rừng nguyên sinh bị cạo trọc một cách âm thầm và lỳ lợm mỗi ngày, sự bê tông hóa vô lối, thiếu thẩm mỹ của rất nhiều các khu resort, vui chơi giải trí… Những thông tin cay đắng vậy, ắt hẳn là những ví dụ, minh chứng sống động mỗi ngày tác động tới trước nhất là lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Côn Đảo, khiến họ bình tâm, nghĩ cho thấu đáo về phát triển du lịch Côn Đảo trong thế bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học…

Anh Nguyễn Văn Trà - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Côn Đảo về việc nghiên cứu, ươm, trồng cây chống xói mòn ở rừng ngập mặn Côn Đảo…
Anh Nguyễn Văn Trà – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Côn Đảo về việc nghiên cứu, ươm, trồng cây chống xói mòn ở rừng ngập mặn Côn Đảo…

“Bảo tàng sống” điển hình lối sống có văn hóa

Sau 7 năm, kể từ dịp dự Đại lễ cầu siêu lần đầu tổ chức tại Côn Đảo cuối tháng 4.2009 do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài (NVNONN) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì, cuối tháng 1.2016, tôi mới lại ra Côn Đảo.

25.1.2016 là một ngày khó quên của thủy thủ đoàn tàu 624 (Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải Quân), nhất là với những chiến sĩ trẻ lần đầu tới Côn Đảo. Sau gần 2 tuần lênh đênh biển khơi, vượt sóng chuyển quà tết tới nhà giàn DK 1, tàu 624 về tới Côn Đảo, buông neo bến Đầm. Thủy thủ đoàn viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, thăm một số di tích lịch sử. “Để nói với chiến sĩ trẻ về lòng yêu nước, sự hy sinh, đóng góp của cha ông trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, không có gì sinh động, trực quan bằng việc đưa họ tới thăm những địa danh lịch sử cách mạng như Côn Đảo” – Chính trị viên tàu 624 Cao Đức Vũ nói với tôi sau khi đoàn thắp hương mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Sáng 27.1, quán phở gần chợ Côn Đảo, chúng tôi hỏi chuyện ông chủ quán. “Tui tên Kim Sơn, dân Khmer, gia đình từ đất liền ra đảo mấy chục năm rồi. Ông già tui trước làm cai ngục; tôi có đi lính Quốc gia. Sau giải phóng hai cha con đi học tập một thời gian ngắn rồi về. Chuyện cũ bỏ qua. Hơn 40 năm sau giải phóng, chúng tôi sống yên ổn ở Côn Đảo này”.

Cô gái bán đồ lưu niệm cửa hàng gần chợ, nay là thiếu phụ, giọng mềm nhưng vẫn dứt khoát như năm nào, “Không có những món làm từ đồi mồi, san hô nghe! Người Côn Đảo không làm hư biển của mình”. Một câu nói nghe mát dạ, ấm lòng làm sao.

Thị trấn Côn Sơn yên ắng, các con phố chính sạch bong, những ngôi nhà kiến trúc Pháp trăm tuổi trầm mặc. Không cò mồi chèo kéo khách du lịch. Không nói thách, không cãi vã, không ai to tiếng. Không thấy nhiều những tấm biển “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”.

Khuya thật khuya, nhiều ngôi nhà, chủ nhân ngủ, cửa chính nhà vẫn mở toang, xe máy xe đạp dựng ngay hè phố. Ngay cả ở con phố ăn khuya, cũng không ai hét “dzô dzô”… Côn Đảo, người Côn Đảo với tôi, vẫn là một “bảo tàng sống” với lối sống, ứng xử lịch thiệp. Cầu mong cho dù bất cứ vì lý do gì, nét đẹp của tình người ở đây không bao giờ biến mất.

Khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam

Nghe tôi nói “Tôi thấy Côn Đảo… vẫn vậy. Tôi thấy may mắn cho du lịch Côn Đảo là không quá… phát triển; nước mình như thế là vẫn còn chừa ra một nơi có thể tới tham quan, nghỉ dưỡng trong tĩnh lặng…”, anh Trần Đình Huệ – Phó giám đốc phụ trách Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQG) mỉm cười: “Phát triển du lịch Côn Đảo khác với nhiều nơi, có sự chọn lọc, định hướng, chúng tôi cố thực hiện bài bản, chặt chẽ. Sự kiện lớn nhất, quan trọng với chúng tôi là tháng 11.2014, VQG đã được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 6 và là Khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam!”.

Anh Huệ cho biết thêm: “Chúng tôi khuyến khích cộng đồng phối hợp phát triển du lịch sinh thái. Trước đây, một số ngư dân sử dụng phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản ven bờ, sau họ chuyển đổi qua vận chuyển khách du lịch. VQG có Quỹ bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ mức tối đa là 100 triệu đồng – cho vay vốn với lãi suất thấp để ngư dân chuyển đổi ngành nghề, từ đánh bắt ven bờ sang vận chuyển khách du lịch, làm nhà trọ, buôn bán nhỏ… Quỹ này hoạt động hiệu quả.

Tiêu bản Dugong (bò biển) tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Â.T 
Tiêu bản Dugong (bò biển) tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Â.T

Tới lúc này, chúng ta chưa có kế hoạch, đề án cụ thể quản lý các khu Ramsar. Cả 7 khu Ramsar ở nước ta hiện thời, việc quản lý chủ yếu vẫn dựa vào các quy định quản lý các khu rừng đặc dụng bởi vì các khu Ramsar phần lớn nằm trong các khu rừng đặc dụng, hay khu bảo tồn.

VQG đang xây dựng Đề án quản lý, bảo vệ, xây dựng, sử dụng bền vững Ramsar với điểm chung nhất là khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên, làm sao phát triển kinh tế cộng đồng nhưng không ảnh hưởng tới tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đề án, chúng tôi chỉ rõ, tách bạch, cụ thể một số hoạt động, khu vực tài nguyên nằm trong Ramsar người dân có thể khai thác, sử dụng được, ở mức độ ra sao mà không trái với những quy định của Nhà nước…

Gần 2 năm qua, chúng tôi thu hút cộng đồng bảo đảm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý khu Ramsar bằng gắn liền với việc chia sẻ lợi ích gián tiếp và trực tiếp với cộng đồng; người Côn Đảo ý thức rõ ràng, nếu rừng mà mất, nước ngọt sẽ không còn, họ rất ý thức việc bảo vệ rừng. Việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được thực hiện liên tục và kiên nhẫn…”

Đảo xanh mấy độ

Cty du lịch biển Côn Đảo với ông chủ có nickname “Trí Béo Côn Đảo” đã rộn ràng tính toán: Nước mình hiện hơn 90 triệu người, ngày 30.4 và 1.5 năm nay, mỗi ngày tối đa có 10 chuyến bay chở 64 khách ra Côn Đảo, vậy, có khoảng 1.280 khách ra Côn Đảo dịp lễ này. Không nhiều dịp Côn Đảo đón cùng lúc cả ngàn con người ra chơi. Lại nhớ dịp lễ 30.4.2009, đó là lần đầu tiên, cùng lúc Côn Đảo đón nhận nhiều khách tới vậy, gần 800 người. Con số thống kê: 2010-2015, Côn Đảo đón 440 ngàn lượt khách, tăng bình quân 21,18%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 45%/năm.

“Điều lo nhất, khách đông, ảnh hưởng môi trường – anh Nguyễn Khắc Pho Phó giám đốc VGQ nói với chúng tôi – Như riêng VQG, trung bình mỗi năm đón 20.000 khách, trong đó 6.000 người nước ngoài, năm 2015, ít hơn. Đương nhiên phát triển du lịch thì ảnh hưởng tới thiên nhiên.

Nhưng tôi có thể khẳng định, phát triển du lịch sinh thái, tâm linh ở Côn Đảo không như ở các địa phương khác, lượng khách (do điều kiện địa lý, đi lại khó khăn, xa xôi) không ồ ạt như nơi khác, ít khách du lịch phổ thông, không gây ồn. Chúng tôi có quy định về sức tải môi trường, người của VQG dẫn khách đi tham quan bảo đảm đi xem thú, xem chim, … không ảnh hưởng tới việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.”

Nói chuyện giữ cho Côn Đảo xanh, có lẽ, một trong những vấn đề đau đầu, đáng lưu tâm nhất là rác thải. Cho tới giờ đảo ngọc này vẫn chưa có nhà máy xử lý rác. Mùa gió chướng (kéo dài từ tháng 11 năm trước tới tháng 3 năm sau), rác vô cơ từ biển tấp vào các hòn, bãi, chưa kể lượng rác còn tồn đọng ở những nơi này. Cho nên, lực lượng kiểm lâm của đảo (12 trạm), ngoài nhiệm vụ đặc thù là chăm rừng, giữ biển, được huy động gánh vác thêm nhiệm vụ tham gia dọn rác.

Đưa chúng tôi xuống thăm bãi Ông Đụng – một vịnh nhỏ ăn sâu vào đảo lớn Côn Sơn, cách trung tâm thị trấn khoảng 3 km về phía tây, anh Nguyễn Văn Trà – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Côn Đảo vừa nói chuyện kiểm lâm dọn rác, vừa nói chuyện xử lý các vụ vi phạm lâm luật. “Hơn 20 năm qua, Côn Đảo không xảy ra cháy rừng – một điều đặc biệt, là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng.

Côn Đảo cũng không có phá rừng mà chỉ có một số vụ khai thác rừng ở mức độ rất nhỏ, người ta kiếm cây, củi, không có chuyện cưa cây đem gỗ về nhà. Cũng không có chuyện lấn chiếm đất rừng (khác với một vài nơi khác). Số lượng các vụ vi phạm môi trường như năm 2015, có 7 vụ, trong đó 6 vụ ở biển, một vụ ở rừng, ở mức độ rất nhỏ…”.

Một tháng nay, từ tết Nguyên đán Bính Thân, dư luận nóng chuyện xây tuyến đường tây bắc Côn Đảo từ bến Đầm tới vịnh Ông Đụng và vịnh Đầm Trầu dài 14 km, có đoạn xọc sâu vào VQG làm mất tới 40 ha rừng đặc dụng! Năm 2006, sau khi dư luận phản ứng, dự án này đã bị ngưng. Tháng 11.2015, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại tổ chức hẳn một hội nghị về việc đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Vì sao, mức độ đánh đổi, cần thiết tới đâu, dự án này phá vỡ, làm hại VQG, hệ sinh thái đặc trưng của Côn Đảo thế nào…- hàng loạt câu hỏi, nghi vấn từ một số nhà khoa học, nghiên cứu tâm huyết, báo giới, cựu tù Côn Đảo, và cả những người dân thương quý hòn đảo kỳ lạ có một không hai này.

Côn Đảo sẽ còn được xanh mấy độ? Tôi thì đặt cho mình câu hỏi này khi đọc những thông tin về việc VQG có thể mất 40 ha rừng, và nhớ tới hình ảnh anh kiểm lâm Nguyễn Văn Trà, trìu mến, nâng niu từng cây đước, cây mắm, cây đưng, cây đâng khi nói về việc nghiên cứu, ươm, trồng cây chống xói mòn ở rừng ngập mặn Côn Đảo…