Những dòng sông không đón ánh mặt trời

ThienNhien.Net – Sông ngòi là huyết mạch của sự sống: sông cho ta nước uống, tưới tắm những cánh đồng, sông cung cấp cá, tôm, đưa tàu, thuyền nối đuôi nhau cập bến, rồi có những lúc, sông còn nhờ con nước đem điện tới từng nhà, hay đi vào thi, ca tạo nên những kiệt tác bất hủ… Vai trò của sông ngòi vốn quý là thế, nhưng trước nhịp độ phát triển của thời đại, không ít dòng sông đã bị xây đập ngăn nước, bị ô nhiễm, xuống cấp trầm trọng hoặc đã bị khai thác đến mức kiệt quệ. Càng trớ trêu hơn khi con người phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh tượng nhiều dòng sông lớn đang dần trở thành nạn nhân của quá trình công nghiệp hóa, bị “giam cầm” trong các ống cống nằm sâu dưới tầng tầng lớp lớp đất đá, xi măng, thậm chí không còn cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời. Loạt ảnh dưới đây của nhiếp ảnh gia Steve Duncan trên trang Undercity.org sẽ cho chúng ta cảm nhận chân thực hơn về số phận của những dòng sông như vậy.

1. Sông Sunswick Creek (New York, Hoa Kỳ)

Từng có mặt trên bản đồ vào những năm 1870, nhưng không lâu sau, dòng sông này đã hoàn toàn bị che lấp và chỉ còn tồn tại dưới dạng một dòng chảy nghèo nàn qua những cống rãnh nằm sâu dưới lòng thành phố New York.

2. Sông Tibbetts Brook (New York, Hoa Kỳ)

Sông Tibbetts Brook bắt nguồn từ phía Bắc quận Bronx, thành phố New York và chảy vào khu vực hồ thuộc Công viên Van Cortlandt. Nơi đây một thời từng xuất hiện rất nhiều loài cá, chim, thỏ, chuột, chồn hôi hay gấu trúc Mỹ…, song trước dòng chảy của hiện đại hóa, sông đã phải ẩn mình, nhường chỗ cho việc xây dựng Đại lộ Tibbetts, chỉ còn sót lại một nhánh nhỏ chảy lộ thiên. Thời gian qua, tình trạng các chất thải độc hại từ nhiều nơi trong thành phố không ngừng đổ xuống Tibbetts Brook vẫn luôn đặt dòng sông này trước những thách thức lớn về chất lượng nguồn nước.

3. Sông Sawmill (New York, Hoa Kỳ)

Là nhánh dài nhất của dòng Hudson hùng vĩ, chảy từ Chappaqua, New York đến Yonkers, nhưng từ đầu những năm 1900, 600m sông Sawmill đã bị chôn vùi trong một con kênh dẫn nước bên dưới trung tâm thành phố Yonkers. Theo thời gian, cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Yonkers, sông đã bị che lấp hoàn toàn và phải hứng chịu ô nhiễm cũng như khai thác quá mức. Vào năm 2007, một kế hoạch có tổng vốn đầu tư 34 triệu USD nằm trong dự án tái thiết thành phố đã được phê duyệt nhằm phục hồi hoặc chí ít là làm lộ thiên những phần đã bị che lấp của dòng Sawmill. Các nhà khoa học hy vọng rằng động thái này sẽ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm của dòng sông.

4. Sông Park (Connecticut, Hoa Kỳ)

Lâu nay, sông Park – dòng sông nối liền bờ Tây thành phố Hartford, thủ phủ bang Connecticut, với sông Connecticut – đã bị con người lạm dụng để xả thải và biến thành bãi rác lúc nào không hay. Mùi hôi thối tỏa ra từ con sông này kinh khủng tới mức người ta còn gọi nó bằng cái tên “sông Lợn”. Để giảm bớt ô nhiễm, vào những năm 40 của thế kỷ XX, các kỹ sư người Mỹ đã tiến hành nắn dòng chảy của sông Park đưa xuống dưới lòng thành phố Hartford. Đây được cho là một trong những dự án lớn nhất và tốn kém nhất mà họ chịu trách nhiệm thực hiện tại thời điểm bấy giờ.

5. Sông Neglinnaya (Mát-xcơ-va, Nga)

Sông Neglinnaya (hay còn gọi là sông Neglinka) từng chảy xuyên suốt từ phía Bắc đến phía Nam Mát-xcơ-va trước khi nó bị chôn ngầm trong 7,5km đường hầm. Sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra năm 1812, sông đã bị ô nhiễm nặng nề khiến các kiến trúc sư buộc phải xây dựng một vòm hầm bao quanh nó.

6. Sông Wein (Vienna, Áo)

Từ nhiều năm nay, dòng sông Wein đã nằm dưới lòng thành phố Vienna của Áo và nhanh chóng được hợp nhất vào hệ thống thoát nước của thành phố. Hình ảnh sông Wein bị “giam cầm” trong hầm thoát nước tại Vienna cũng từng xuất hiện trong bộ phim điện ảnh The Third Man (Người đàn ông thứ ba) của đạo diễn Orson Welles, một bộ phim lấy bối cảnh thành phố Vienna thời hậu chiến được trình chiếu vào năm 1949.

7. Sông Bradford Beck (Bradford, Anh)

Đây là đoạn chảy ngầm dài xấp xỉ 6,5km của sông Bradford Beck tại thành phố Bradford (Anh). Sông chảy qua lòng đất phía bên dưới một loạt các kiến trúc đường hầm cũng như nền móng hình vòm của các tòa nhà, trong đó có Tòa thị chính Bradford – một công trình thời Victoria được xây dựng vào những năm 1880.

8. Sông Sheaf (Sheffield, Anh)

Khu vực rộng lớn này là đoạn cuối của đường hầm mà con sông Sheaf chảy qua khi nó “chu du” qua thành phố Sheffield, rồi hòa vào dòng chảy của sông Don. Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, sông Sheaf luôn phải hứng chịu ô nhiễm nghiêm trọng từ các hoạt động công nghiệp diễn ra trong khu vực, đặc biệt là từ ngành công nghiệp gia công, chế tạo kim loại. Mặc dù gần đây, chính quyền thành phố đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện chất lượng nước của sông Sheaf, song vẫn chưa thể thay đổi được tình hình.

9. Sông Westbourne (Luân Đôn, Anh)

Sông Westbourne từng là nguồn cung cấp nước uống quan trọng suốt thời kỳ phát triển của thành phố Luân Đôn, nhưng đến thế kỷ XIX, dòng chảy của sông Westbourne đã bị bó hẹp trong các đường ống ngầm, nhường chỗ cho việc mở rộng đất đai ở các khu vực Chelsea, Paddington và Belgravia. Kể từ khi dự án này hoàn thành vào những năm 1850, người ta đã không còn thấy dấu vết của dòng Westbourne nữa.

10. Sông Fleet (Luân Đôn, Anh)

Đây là sông lớn nhất trong số những dòng sông bị “mất tích” ở Luân Đôn. Sông Fleet có chiều dài 6,4km, chảy ngầm dưới lòng trung tâm thành phố trước khi nhập vào sông Thames. Ngày nay, người dân thành phố này vẫn có thể nghe thấy tiếng nước chảy của sông phía dưới một nắp cống nằm trên phố Ray.

11. Sông Walbrook (Luân Đôn, Anh)

Khu định cư La Mã Londonium (nay là thành phố Luân Đôn) một thời từng bị phân đôi bởi sông Walbrook. Dòng sông này vốn bắt nguồn từ Finsbury rồi đổ vào sông Thames đoạn gần cây cầu đường sắt Cannon Street. Theo sử sách ghi lại, sông Walbrook bên cạnh việc cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, vẫn thường bị sử dụng như một kênh thoát nước nên chất lượng nước nhanh chóng suy giảm. Năm 1598, sông bắt đầu bị che lấp để lấy chỗ xây dựng nhà ở. Cho tới thập niên 30 của thế kỷ XIX, những đoạn sông còn sót lại đã được hợp nhất vào hệ thống cống thoát nước của thành phố và tồn tại như vậy đến tận ngày nay.