Sơn Trà ký sự – Kỳ 7: Khoa học của sự tôn kính thiên nhiên

ThienNhien.Net – Chính phủ vừa có yêu cầu việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà cần tiếp thu ý kiến trên tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Đây là một thông điệp rất đáng mừng, nhưng vấn đề là khoa học nào?

Hai ngàn rưỡi năm trước, Trang Tử bảo, đời ta có hạn còn tri thức thì vô bờ, lấy cái có hạn mà đuổi theo cái vô bờ thì nguy khốn, biết là nguy khốn mà còn đuổi theo thì nguy khốn hơn (Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ! Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ! – Nam Hoa Kinh). Cho nên, các nhà khoa học chân chính đều khiêm nhường kính ngưỡng trước thiên nhiên, đều coi tri thức mà mình có được chỉ là hạt cát trong mênh mông biển cả.

Cây đa hàng nghìn năm tuổi trên núi Sơn Trà (Ảnh: Công Bính)

Không có khoa học nào biết hết sự kỳ diệu của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và những tương tác của nó đối với đời sống người dân Đà Nẵng. Là cụm núi chắn bão và điều hòa khí hậu, Sơn Trà đã bảo vệ, ôm ấp, nuôi dưỡng và ngăn ngừa bệnh tật cho người Đà Nẵng bao đời nay. Và Sơn Trà kết nối cùng núi Hải Vân, Bà Nà Núi Chúa, Cù Lao Chàm và các khu rừng nguyên sinh khác trên dãy Trường Sơn tạo thành một vòng cung sinh thái độc nhất vô nhị trên hành tinh đã bảo bọc, nuôi dưỡng người dân cả vùng Quảng Nam Đà Nẵng.

Có thể nói, trong máu của người Đà Nẵng có linh khí của Sơn Trà. Đó không phải là thứ “linh khí” của niềm tin tôn giáo, mà là thứ linh khí có thật từ thảm thực vật và các loài sinh vật, trong đó có vô số dược liệu hấp thu nguyên khí của đất đai trời biển, lan tỏa theo nắng gió đến với con người. Khoa học không thể biết hết sự tương tác đó, khoa học chỉ giúp hé mở cho chúng ta cảm nhận để ý thức được rằng, bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không chỉ là bảo vệ sự đa dạng sinh học của bản thân nó mà là bảo vệ sự sống của chính người dân nội thành Đà Nẵng.

Đó là chưa kể đến việc bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục rừng tại Sơn Trà có ý nghĩa khoa học như thế nào đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục rừng trong cả nước và tác động quốc tế của nó, vì như đã nói, Sơn Trà có hội đủ các điều kiện dung trú hầu hết các loài thực vật trong cả nước và trên hành tinh.

Bên cạnh vô số những điều chưa biết, cũng có những điều khoa học biết và có thể biết, như dòng chảy của Suối Đá mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước và sự nóng lên của thành phố Đà Nẵng. Ông Hoàng Đình Bá bảo Đà Nẵng ngày nay nóng hơn mấy chục năm về trước là chắc chắn rồi. Nếu đối chiếu với những dữ liệu lịch sử về khí tượng thủy văn, các nhà khoa học sẽ nhận ra điều đó. Sự nóng lên có phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chung trên hành tinh, nhưng nguyên nhân chính là rừng Sơn Trà bị phá và cây xanh trong thành phố bị đốn hạ để “chỉnh trang đô thị”. Mà suy cho cùng, biến đổi khí hậu cũng do rừng bị phá, do sông suối bị hủy diệt mà ra thôi.

Nhiệt độ bình quân của rừng cấm Sơn Trà thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 độ C. Sơn Trà vừa làm dịu nhiệt độ của Đà Nẵng bằng nhiệt độ thấp của chính nó và bằng sự lan tỏa của thảm thực vật. Trong mùa lạnh, Sơn Trà cũng góp phần giữ ấm cho Đà Nẵng, vì Sơn Trà chắn bớt gió mùa và trong rừng nhiệt độ mùa lạnh bao giờ cũng cao hơn nhiệt độ bên ngoài. Việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn và tấn công vào rừng nguyên sinh khiến cho khí hậu của Sơn Trà biến động rất xấu, kéo theo đó là sự nóng lên của nội thành Đà Nẵng. Hiện tại, theo đo đạc của ông Hoàng Đình Bá tại một số vị trí của Sơn Trà vào thời điểm nóng nhất: Tại nơi có cây và gần suối, nhiệt độ bình quân là 34 độ C, nơi có cây nhưng không gần suối: 35 độ C, nơi đất trống gần chùa Linh Ứng (vẫn trong rừng): 38 độ C, tại sân chùa Linh Ứng: 46 độ C. Chúng tôi không có dữ liệu lịch sử để so sánh, chỉ biết rằng nhiệt độ Sơn Trà tăng theo tốc độ phá rừng và lên cao chót vót ở chỗ bị bê tông hóa ngay tại nơi trước đây là rừng nguyên sinh.

Vấn đề cấp bách của Sơn Trà là làm sao bảo tồn cho được những gì còn lại và khôi phục những gì đã mất. Sơn Trà không chỉ bị thu hẹp diện tích khu bảo tồn mà 400 ha rừng nguyên sinh ở đây cũng đã tan nát. Chúng tôi hỏi ông Bá, rừng nguyên sinh thực tế còn được bao nhiêu, ông thận trọng nói, nói mất hết là chưa hoàn toàn chính xác, vẫn còn một số cây của rừng nguyên sinh. Ông bảo chúng ta có thể nghiên cứu những cái cây đó, chứ nghiên cứu rừng nguyên sinh tại Sơn Trà thì không được, vì 400 ha đó không còn là nguyên sinh nữa, chúng đã mất một phần, phần còn lại biến thành rừng thứ sinh rồi. Rừng nguyên sinh đã mất thì mất vĩnh viễn.

Trong và sau chiến tranh, ông Bá đã đi khắp các cánh rừng trong cả nước. Ông bảo chỗ nào có bom napalm và chất độc da cam thì chỗ đó rừng nguyên sinh bị hủy diệt, không khôi phục lại được. Sơn Trà không bị bom và chất độc hóa học, rừng nguyên sinh bị hủy diệt từ lòng tham và lợi ích thiển cận của con người.

Khôi phục lại rừng nguyên sinh Sơn Trà thì không thể, nhưng vẫn có thể khôi phục lại rừng thứ sinh để bảo vệ những gì còn lại. Muốn khôi phục lại nước ngầm bị cạn kiệt, phải trồng những loại cây thiết mộc có bộ rễ sâu. Ông bảo, cây xoài cây ổi thì trồng vài năm là ra hoa kết trái và hoa trái có hàng năm, nhưng cây thiết mộc thì chu kỳ phát dục phải mất nhiều năm. Phải nhờ bà con Việt kiều và bạn bè quốc tế tìm hạt giống. “Những hạt giống cây có bộ rễ sâu 30 mét chính là những hạt giống cứu nước”, ông Bá nói.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến các nhà khoa học. Nhưng lấy ý kiến xung quanh bản quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà là lạc hướng. Phải lấy ý kiến về bảo tồn và khôi phục rừng cấm Sơn Trà trước, quy hoạch làm gì đó xung quanh là chuyện kéo theo, nằm ngoài khu bảo tồn. Quy hoạch là do con người làm, làm sai thì sửa. Dù có đau, dù có đụng chạm cũng phải sửa để bảo vệ cho được Khu bảo tồn. Uy tín của một vài cá nhân chẳng thể đem ra cân đong với sự tổn thương của đất nước.

Nhưng trước hết phải tổng kiểm tra lại những gì còn, những gì mất ở Sơn Trà. Theo ông Hoàng Đình Bá, chủ trì cuộc tổng kiểm tra đó phải là Bộ NN&PTNN và Bộ Tài nguyên và Môi trường dưới sự giám sát của cơ quan khoa học do Chính phủ chỉ định. Đánh giá mất còn và hiến kế bảo tồn Sơn Trà trước hết phải do các nhà khoa học về lâm sinh, sinh thái học và thuộc các lĩnh vực liên quan đến đa dạng sinh học và môi trường. Đặc biệt là những nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn về vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, chứ không phải thuộc các lĩnh vực du lịch, xây dựng và quy hoạch. Chỉ có thứ khoa học tôn kính thiên nhiên, chỉ có những nhà khoa học và những ai biết kính ngưỡng thiên nhiên mới đủ tư cách để cho Chính phủ tiếp thu với tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Chúng tôi tâm đắc với phát biểu của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính: “Sơn Trà như một bức tranh, chỉ để ngắm nhìn mà không được trèo lên, bước vào” (Lao động 18.5.2017).

Sơn Trà ký sự – Kỳ 6: Vết thương chí mạng của rừng cấm

(còn tiếp)