Chính sách của ADB: Phá hủy đi trước, bảo tồn đi sau

ThienNhien.Net – Sau 50 năm thành lập, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thay vì đưa ra một thay đổi mang tính nền tảng vẫn chỉ áp dụng cái gọi là “các chính sách an toàn” để biện minh cho việc tiếp tục ủng hộ các dự án gây tác động môi trường- xã hội. Đó là quan điểm được nhà nghiên cứu Winnie Overbeek – Thành viên Ban thư ký Phong trào Rừng mưa thế giới – World Rainforest Movement (WRM) – trong một phân tích được đăng tải mới đây trong bản tin số 232 của WRM. Theo ông Winnie, chính sách này là một con sói cải trang để ADB tiếp tục mở rộng các mô hình kinh tế mới dựa trên các dự án khai thác quy mô lớn. Xin được giới thiệu với độc giả bài phân tích của ông Winnie Overbeek dưới đây, như một đóng góp cho góc nhìn đa chiều.

Năm 2017 là dấu mốc 50 năm thành lập của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Từ khi thành lập, ADB đã đầu tư 250 tỷ USD cho khu vực châu Á. Phần lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án khai thác quy mô lớn và phát triển các hành lang kinh tế khu vực. Mặc dù theo lý thuyết, Ngân hàng sẽ không phê chuẩn các khoản vay để thực hiện các dự án có nguy cơ gây mất rừng nhưng một số lượng lớn các dự án do ADB tài trợ đã gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường và xã hội như gia tăng nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học và khiến nhiều người dân sống phụ thuộc vào rừng phải di cư, mất sinh kế. Trước thực trạng này, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đã phản đổi chính sách cho vay của Ngân hàng.

Chính sách bồi hoàn đa dạng sinh học của ADB có phải là thành tựu?

Về lý thuyết, các biện pháp bảo vệ của Ngân hàng cần đảm bảo rằng không có sự hủy hoại nào xảy ra. Phiên bản cuối cùng của bộ chính sách an toàn của ADB là từ năm 2009 trong đó có hai khía cạnh nổi bật là:

Thứ nhất, ADB không tạo ra mối liên hệ nào giữa thực tế cho vay của Ngân hàng với các dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường mà như ADB nhìn nhận là gây ra tình trạng “chất lượng và số lượng nước suy giảm, mất đa dạng sinh học, mất rừng và sa mạc hoá, mức độ ô nhiễm gia tăng và những tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người “. Mặc dù, ngân hàng này cũng thừa nhận rằng “những mối đe dọa này có xu hướng ảnh hưởng không cân xứng tới người nghèo”. Tuy nhiên, ADB không chịu trách nhiệm về vấn đề này và cũng chỉ đưa ra các “biện pháp khắc phục” trong chính sách an toàn.

Vấn đề nổi bật thứ hai, cũng xuất phát từ nguyên nhân đầu tiên, là thay vì đưa ra quyết định hợp lý để ngăn chặn hoặc ít nhất giảm mạnh hoạt động cho vay đối với các dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường, ADB lại gợi ý rằng nếu không tránh khỏi hoặc giảm thiểu sự hủy diệt môi trường nghiêm trọng, chủ đầu tư dự án có thể sử dụng cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học để “không gây ra tổn thất ròng hoặc thu được lợi ích thuần cho đa dạng sinh học bị ảnh hưởng”.

Tài liệu này của ADB còn giải thích thêm rằng các dự án ở các khu vực “môi trường sống tự nhiên”, “môi trường sống quan trọng” hoặc “các khu vực được bảo vệ hợp pháp” – nơi không cho phép có sự can thiệp phá hoại nào cả – vẫn được phép triển khai nếu “các biện pháp giảm thiểu” đảm bảo rằng “không làm mất mạng lưới đa dạng sinh học”. Các giải pháp được đưa ra “có thể bao gồm sự kết hợp các hoạt động như dự án khôi phục sinh cảnh, bù đắp các tổn thất thông qua việc tạo ra hoặc bảo tồn hiệu quả các khu vực có hệ sinh thái tương đồng trong khi vẫn tôn trọng việc sử dụng đa dạng sinh học của người dân bản địa và cộng đồng truyền thống hoặc bồi thường trực tiếp cho người sử dụng đa dạng sinh học”.

Chính sách an toàn của ADB không chỉ mở cánh cửa vốn cần đóng kín của các khu vực được bảo vệ để mời gọi khai thác mà thậm chí, đáng ngạc nhiên hơn nữa nó còn cho rằng các dự án phá hoại có thể đem lại “lợi ích cho đa dạng sinh học bị ảnh hưởng” nếu một “khu vực có khả năng sinh thái tương đương” theo chủ dự án là đang bị đe dọa được bảo tồn.

Từ khi việc bồi hoàn đa dạng sinh học trở thành chính sách của ADB vào năm 2009, một số khách hàng vay tiền của ADB đã thiết lập các dự án bồi hoàn đa dạng sinh học như Dự án Phát triển điện mặt trời Sarulla ở Indonesia và Dự án Thủy điện Nậm Ngư 1 ở Lào. Các dự bồi hoàn này sẽ cho phép nhà máy điện địa nhiệt và đập thủy điện khẳng định là bền vững vì sự hủy hoại không thể tránh khỏi của họ đang được bù đắp ở một nơi khác mặc dù các dự án này có những tác động rõ ràng tới môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn có ít dự án bồi hoàn đa dạng sinh học xuất hiện trên website của ADB. Một cách để giải thích điều này là thực tế việc bồi hoàn đa dạng sinh học được coi là “phương sách cuối cùng”, có nghĩa là, theo ADB, các biện pháp để “giảm thiểu” hoặc “giảm nhẹ” là đủ.

Đồng thời, liên quan đến đa dạng sinh học, ADB đã tập trung vào các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, ít nhất là cho khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng. Đây là một chiến thuật khác của ADB nhằm giải quyết các chỉ trích về việc tích cực ủng hộ các dự án huỷ hoại môi trường. Tuy nhiên việc này chỉ mở đường cho các biện pháp bù đắp nhằm biện minh cho các dự án phá hủy môi trường.

Ảnh minh họa: Mongabay

Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học hay một hành lang kinh tế khác?

“Sáng kiến ​​hành lang bảo tồn đa dạng sinh học” (BCI) là một kế hoạch được hỗ trợ bởi ADB, chính phủ các quốc gia Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (Trung Quốc, Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam) và các tổ chức phi chính phủ bảo tồn lớn như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BI), Liên minh Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN), Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI). Mục tiêu của Sáng kiến là cải thiện kết nối môi trường sống tự nhiên, chống phân mảnh rừng do nạn mất rừng và giảm nghèo cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Phương pháp tiếp cận của BCI đầu tiên là xác định các khu bảo tồn đa dạng sinh học/lưu vực sông quan trọng nhất trong khu vực. Tính đến năm 2005, 9 trong số các hành lang đã được xác định. Vai trò của BCI sau đó là kết nối các khu bảo tồn cốt lõi này, như là một cách để chống phân mảnh rừng và đa dạng sinh học và bảo tồn các “dịch vụ hệ sinh thái” (như các chu trình carbon và nước). Trong giai đoạn đầu (2006-2011), dự án đã thành lập 8 khu vực bảo tồn thí điểm trên tổng diện tích hơn 1,2 triệu ha. Theo tài liệu dự án, dự án đã đạt được rất nhiều thành tựu như xây dựng “các quỹ phát triển” hoặc thiết lập các “dịch vụ hệ sinh thái rừng”, “các hoạt động bảo tồn” do cộng đồng thực hiện và tạo ra “cơ hội sinh kế cho người dân để giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách tiếp cận của BCI là đang chuẩn bị nền tảng cho REDD+. Đây cũng là một trong những mục tiêu rõ ràng trong giai đoạn mới của dự án BCI tại Lào. Điều này có nghĩa là người dân và cộng đồng địa phương sẽ có xu hướng bị hạn chế tiếp cận và sử dụng các khu rừng mà họ đã và đang bảo tồn. Điều này đe doạ đến các hoạt động văn hóa xã hội của người dân phụ thuộc vào rừng. Tháng 10/2016, ADB đã duyệt chi 12,8 triệu USD cho dự án BCI ở Lào – khoản tiền lấy từ Quỹ Khí hậu Chiến lược của ADB và Chương trình Đầu tư Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới (FIP). Dự án được thiết kế để chuẩn bị cho REDD +. Một bài báo của Lào thông tin về việc phê duyệt này cho hay “khu vực dự án, gồm các tỉnh Attapư và Xekong, là điểm nóng về nạn phá rừng và suy thoái rừng nhanh, chủ yếu là do người dân địa phương phát nương làm rẫy (..)”.

BCI thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế trong khu vực là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng như là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng quy mô lớn, chẳng hạn như việc mở rộng các mạng lưới đường nhằm cải thiện “hội nhập” khu vực hoặc một số khu công nghiệp, các dự án thuỷ điện quy mô lớn – đây đều là các hoạt động ADB tài trợ trong những năm qua. Nhưng thay vì chấm dứt các khoản đầu tư vào các hoạt động như vậy, BCI tuyên bố rằng “những kế hoạch đầu tư này cần phải được gắn với tiếp cận quản lý hệ sinh thái”. Nói cách khác, các dự án tác động môi trường có thể triển khai miễn là một số biện pháp bảo vệ “đền bù” được áp dụng cho các khu vực cần được bảo tồn còn lại, với trọng tâm là bảo vệ “dịch vụ hệ sinh thái”. Điều này được cho là sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng và các nhà đầu tư.

Xem xét các số liệu về các dịch vụ hệ sinh thái đã được xác định trong kế hoạch của BCI, carbon trở thành “dịch vụ” quan trọng nhất xét về giá trị tài chính. Các dự án REDD, với các khoản tín dụng carbon – là cơ chế nằm trong mối quan tâm của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như một cách để tiếp tục gây ô nhiễm. Ngoài một số ít các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn rất ủng hộ điều này, các công ty gây ô nhiễm, các chuyên gia tư vấn, các công ty carbon, các nhà chứng nhận, cũng như các chính phủ cũng quan tâm đến số tiền có thể kiếm được từ thị trường kinh doanh này. Trong khi đó, các cộng đồng trong các hành lang đa dạng sinh học nhận được ít hoặc không có lợi ích gì, những gì họ nhận được chỉ là những hạn chế và cấm sử dụng rừng như thể họ là mối đe dọa chính đối với rừng.

Không có gì đáng ngạc nhiên, đồng thời rất liên quan khi BCI đổ lỗi cho những người sống trong khu vực được bảo tồn và phương thức canh tác nương rẫy của những người dân trong khu vực gây ra nạn phá rừng trước khi đề cập đến những đối tượng khác như chuyển nhượng đất lâm nghiệp hay khai thác gỗ. Sự gia tăng dân số của các cộng đồng sống gần rừng, bao gồm cả dòng người di cư, cũng đang được đề cập như là một nhân tố gây áp lực lên rừng, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là họ ở đâu đến và tại sao họ lại dời khỏi nơi trước kia họ sinh sống?

Một điểm khác cần lưu ý trong cách tiếp cận này là tài liệu dự án BCI đã tạo ra sự tương đồng lạ lùng giữa các hành lang kinh tế và sinh thái. Dự án lập luận rằng trong cả hai trường hợp, sự lưu thông “không bị cản trở” của hàng hoá và của các loài tự nhiên là rất quan trọng. Bên cạnh đó, dự án lập luận rằng nếu cả hai loại hành lang không tồn tại “Chương trình Phát triển Tiểu vùng Mê Kông có thể sẽ bị đe dọa”. Thực tế, điều này thể hiện rõ ràng rằng theo quan điểm của họ về để tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ “kinh tế xanh” cần phải có những hoạt động bảo tồn “bù đắp” như các hành lang đa dạng sinh học dựa trên các dịch vụ hệ sinh thái, REDD + và các hoạt động bồi hoàn đa dạng sinh học. Trong khi đó, người phải trả giá thực sự lại là các cộng đồng phụ thuộc vào rừng vì phạm vi sinh sống của họ là mục tiêu chính để thực hiện các dự án bồi thường.

Vai trò và mối quan hệ chiến lược giữa các hành lang kinh tế và hành lang đa dạng sinh học đối với các chính phủ trong khu vực và sự hợp tác của họ với ADB được thể hiện rõ ràng hơn trong ấn phẩm “Hợp tác ASEAN-ADB hướng tới cộng đồng ASEAN” do ADB xuất bản năm 2016, trong đó đưa ra viễn cảnh cho năm 2025. Trong sáu ưu tiên được nhấn mạnh trong ấn phẩm này, có một điều nói rằng “thông qua sự bền vững môi trường, chúng ta có thể giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của hội nhập bằng cách quản lý các hệ sinh thái quan trọng và các hành lang đa dạng sinh học”.

“Hội nhập” được dùng để lý giải cho các ưu tiên khác: “Ưu tiên hàng đầu là kết nối vật lý. Kết nối các thị trường và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai bằng việc nâng cấp Mạng lưới đường cao tốc ASEAN (…)” và” an ninh năng lượng được nâng cao thông qua kết nối và thương mại điện xuyên biên giới”.

Điều quan trọng hiện nay là cần hiểu rõ hơn về tác động của các hành lang đa dạng sinh học và các dự án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với các cộng đồng phụ thuộc vào rừng ở châu Á, cả hai đều được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ tài chính của ADB cũng như các tổ chức khác, các NGOs bảo tồn và các công ty tư nhân.

Hơn nữa, cần phải hiểu rằng những biện pháp này chỉ là một cách ngụy trang để cho phép các ngành công nghiệp khai thác và các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục triển khai và mở rộng. Logic cơ bản của các kế hoạch này đã chỉ ra những lợi ích thực sự và những người thụ hưởng từ ADB và các nhà phát triển dự án. Trái lại, các cộng đồng phụ thuộc vào rừng là những người bảo tồn thực sự, hoàn toàn đối lập với một hệ thống kinh tế mang tính hủy diệt.

Bích Ngọc