Giữ rừng cho con cái mai sau

ThienNhien.Net – Đó là chia sẻ của anh Kuh (dân tộc BahNar) cũng như hầu hết bà con ở làng Hyêr, xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai) với chúng tôi, khi tham gia nhận giao khoán quản lý- bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Konkakinh…

Không riêng gì anh Kuh hay bà con làng Hyêr mà hàng mấy trăm hộ dân tộc thiểu số ở 7 xã thuộc các huyện Mang Yang, Đak Đoa và Kbang thu nhập ổn định từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 18.000 ha rừng của Vườn Quốc gia Konkakinh (xã Ayun, huyện Mang Yang). Từ đây, đời sống bà con được cải thiện, quan trọng hơn là ý thức bảo vệ rừng của người dân xung quanh vùng đệm nâng cao, từ đó giảm thiểu lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép…

Một chuyến tuần rừng ở Kon Ka Kinh

Gặp Kuh tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong lúc anh cùng nhiều người dân trong làng Hyêr đang nghe cán bộ của vườn tuyên truyền, hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với 24 hộ khác, anh được trưởng thôn, già làng lựa chọn là đại diện cho 91 hộ dân của làng đến đây ký hợp đồng và nhận tiền. Theo danh sách thì anh nhận 30 ha với số tiền là 1,5 triệu đồng/quý, lần này anh nhận 2 quý với 3 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền thực nhận của anh chỉ từ 450- 500.000 đồng vì sau khi nhận tiền về sẽ nộp lại cho làng, sau đó chia đều cho các hộ.

Anh giải thích: “Nếu mình lấy hết số tiền đó thì số anh em khác không có tiền giao khoán sẽ đi phá rừng nên phải chia lại cho anh em, như vậy thì sẽ không phá rừng nữa. Nếu có phá rừng thì lúc đó mình mới nói được, đã nhận tiền người ta rồi mà, không phá được đâu”. Cũng theo người cha 31 tuổi này thì “Giữ rừng cho con cái mình sau này còn nhìn thấy được những cây to, nếu trong rừng không còn những cây to thì mưa lũ sẽ về phá làng bản, ruộng rẫy…”.

Suy nghĩ này của Kuh xem có vẻ thực tế, mộc mạc nhưng lại hết sức nhân văn. Anh Ying- thôn phó làng Hyêr là người đại diện cho làng đến nhận tiền giao khoán của các hộ dân. Ying cho biết, làng Hyêr nhận giao khoán bảo vệ 600 ha rừng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, được chi trả 120 triệu đồng/năm (200.000 đồng/ha/năm), được Vườn trả theo từng quý. Lần này, nhận cả 2 quý được 60 triệu đồng. Theo quy định của làng, số tiền sẽ được chia đều cho 91 hộ, đơn giản là vì ai cũng đều có trách nhiệm tham gia giữ rừng.

Theo Ying thì, làng đã chia 91 hộ dân của làng làm 5 tổ, mỗi tổ từ 15 đến 20 người, nhằm đôn đốc bà con trong làng kiểm tra thường xuyên diện tích rừng đã nhận khoán, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp xâm hại đến rừng. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, làng đều cử ra 2 tổ phối hợp với cán bộ trạm kiểm lâm của Vườn tham gia tuần tra, kiểm tra rừng… Nhờ đó rừng làng Hyêr nhận khoán chưa hề bị xâm hại, bị cháy hay bị lấn chiếm…

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn Quốc gia Konkakinh, cho biết từ tháng 9/2012 tức sau khi chương trình giao khoán theo Quyết định 661 kết thúc, Vườn chuyển sang chi trả tiền cho người dân từ nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, được hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện Vườn thực hiện giao khoán đến hộ dân của 22 làng thuộc 7 xã vùng đệm là Ayun, Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang); xã Hà Đông (huyện Đak Đoa); xã Kon Pne, Đak Rong và Krong (huyện Kbang) với gần 18.000 ha.

Việc giao khoán đã không những giúp rừng không bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống vì ở đây hầu hết là những làng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Những hộ được trưởng thôn, già làng đề cử sau khi đã tổ chức họp dân bình xét, lựa chọn đứng ra ký hợp đồng nhận khoán với Vườn. Trước mỗi đợt phát tiền, cán bộ của Vườn, kiểm lâm phụ trách khu vực cùng người dân kiểm tra từng diện tích giao khoán, đồng thời có biên bản xác nhận, đánh giá lại thực trạng rừng so với trước khi giao khoán.

“Đến thời điểm hiện nay thì diện tích rừng giao khoán của Vườn Quốc gia Konkakinh không bị xâm hại, không những bảo vệ tốt được diện tích rừng hiện có mà rừng còn được tăng lên, xanh hơn. Người dân nhận khoán không phá rừng đã là một thành công, thêm một thành công nữa là người dân trở thành tai mắt cung cấp thông tin cho mình để rừng được bảo vệ từ xa”, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan thì ngoài việc được hưởng lợi là những nông sản phụ (củi khô, mật ong, nấm, măng, đót…), có thêm thu nhập từ diện tích nhận khoán, người dân còn được Nhà nước đầu tư cho cộng đồng thôn làng vùng đệm với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn làng/năm để quản lý rừng đặc dụng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020.

Ngoài ra, còn có hàng mấy chục thôn, làng thuộc vùng đệm của Vườn được hỗ trợ xây dựng đường sá, nhà rông, giếng nước, tường rào, hỗ trợ phân bón, giống cây con để phát triển sản xuất, hệ thống phát thanh phục vụ cộng đồng… Theo đó, đời sống những buôn làng vùng đệm được nâng cao, còn những cánh rừng cũng ngày càng xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thì chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách tuyệt vời. Gia Lai có diện tích tự nhiên 1.553.693 ha, đất lâm nghiệp có rừng 625.433 ha, trong đó rừng cung ứng dịch vụ môi trường 495.187 ha, chiếm 79,4% diện tích rừng toàn tỉnh. Tiềm năng phát triển thủy điện của tỉnh khá lớn, trữ lượng khoảng 10,5- 11 tỷ KWh. Môi trường rừng đã và đang cung cấp các loại dịch vụ cho sản xuất thủy điện, kinh doanh nước sạch, du lịch sinh thái…

Tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng trong lưu vực chi trả đã cung ứng dịch vụ cho 41 nhà máy thủy điện và 03 nhà máy sản xuất nước sạch.


Theo ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ bảo vệ- Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, để chính sách trồng và giữ rừng phát huy hiệu quả, yêu cầu đặt ra là phải làm tốt những điều kiện để triển khai.

Đó là nắm chính xác đối tượng là hộ người dân tộc thiểu số, người Kinh nghèo sinh sống ở khu vực II, III theo địa bàn từng huyện là bao nhiêu; xác định chính xác diện tích rừng theo từng địa bàn, trong đó lưu ý đất có rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng trong lưu vực và cả ngoài lưu vực; đánh giá được chất lượng rừng, rừng nào là hoàn chỉnh, đạt yêu cầu và rừng nào thuộc diện nghèo cần có phương pháp trồng bổ sung.