Voi rừng ‘đại náo’ xóm làng

Voi dùng vòi vơ quần áo, cuốn đứt hết cả dây màn, chúng ào xuống ruộng lúa cách sân chừng 30 m. Chị Huyền chạy ra sân kêu cứu, dân làng chạy đến dùng đèn, đốt lửa la xua đuổi nhưng đàn voi càng trở nên hung hãn. Chúng lao từ ruộng lúa lên tấn công.

Đầu năm nay, đàn voi xuất hiện ở Bãi Lim xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) tàn phá hoa màu, tấn công người, làm anh Nguyễn Hữu Thân bị thương nặng. Vừa rồi, đàn voi hung dữ lại tiếp tục hoành hành tại Khe Xán, xã Hội Sơn.
Người dân tập trung tại nhà ông Cử, họ xếp đống củi khô phía sau nhà để sẵn sàng đốt lửa đuổi voi, nét mặt ai nấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Cử cho biết: “Đêm trước tôi ra sau vườn, bỗng nghe dưới ruộng có tiếng động ầm ầm. Qua ánh đèn pin thấy một đàn voi to lớn đang lội ruộng, tiến thẳng vào căn nhà. Tôi tháo chạy kêu cứu, dân trong xóm lao đến, người đốt lửa, kẻ gõ xoong nồi náo loạn cả lên. Đàn voi rống lên mấy tiếng chói tai rồi quay đầu thủng thẳng đi vào rừng”.
Đêm đó cả làng không dám ngủ vì sợ đàn voi sẽ quay lại. Buổi chiều hôm sau chúng lao từ rừng xuống, con voi đực tách đàn bước qua chiếc cầu tạm khiến cây gỗ bị gãy đôi.
Ông Cử chưa hết hoảng hốt cho biết: “Sợ quá, tôi cùng với các con chạy vào nhà chốt trái cửa, cầu trời khấn Phật “ông voi” thương tình đừng phá nhà. Voi đi thẳng xuống bếp huơ vòi, ngửi thấy mùi khói nó lại quay ra, tôi nghĩ lúc đó mà nó nổi xung thì chỉ một cú húc là tan tành cả nhà”.
Chị Huyền, đang bồng con nhỏ, đôi mắt lộ rõ vẻ khiếp đảm: “Khoảng 8h tối, nghe tiếng chân bước thình thịch ngoài sân, hé cửa thấy bóng đàn voi cao lớn, tôi vội ôm hai con nhỏ chui xuống gầm giường”.
Chị Huyền mắt ngấn nước: “Gia đình tôi làm được 4 sào lúa, voi phá hết rồi, vụ này lấy chi ăn đây?”. 
Ông Nguyễn Ngọc Trung hơn 70 tuổi nói: “Đốt lửa, khua chiêng gõ mõ cũng chẳng ăn thua, tính mạng chúng tôi đang rất nguy hiểm”.
Vào rừng tìm voi
Ông Hòa ở Khe Xán cho hay: “Đàn voi rừng này rất lạ, chúng có vẻ ghét tiếng nổ của động cơ và đồ sắt thép!”. Cả làng có 3 cái máy xay xát, kể từ khi voi về máy móc phải im bặt tiếng. Xe máy của bà con đi về đến dốc khe Phân Thủy là phải tắt máy, chỉ cần nghe tiếng nổ là cứ như bị kích động, chúng ào từ trong rừng ra bất chấp ngày hay đêm, giày xéo ruộng lúa, tấn công cả trâu, bò, lợn, chó.
Hôm trước trong xóm có người cho vận hành máy xay xát lúa, đàn voi lồng lộn lao ra khiến chủ nhà phải tắt máy.
Cánh rừng Bò chủ yếu là rừng hỗn giao, xanh tốt, rậm rạp. Vượt qua một dốc cao dựng đứng, đi xuống khoảng dăm chục mét đã thấy dấu chân voi. Những thân cây trụi lá, gãy nghiêng ngả, bước chân chúng đi tới đâu khu rừng tan hoang tới đó. Theo lối cây bị ngã rạp, phía trước mặt thấy rừng nứa như rung chuyển. 
Bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn hứa: “Chúng tôi cũng sẽ có phương án xua đuổi đàn voi. Nhưng cũng rất lo, đề nghị Nhà nước nên có kế hoạch để đưa đàn voi vào rừng sâu nếu không tính mạng người dân sẽ bị đe doạ”.
Hàng trăm hộ dân sống ở bìa rừng Hội Sơn đang hết sức lo lắng vì sợ voi rừng tấn công, nhiều người mong muốn sớm được di dời đi nơi khác để đảm bảo tính mạng. Ông Trung ở Khe Xán than thở: “Không di dân thì voi rừng sẽ giết chúng tôi bất cứ lúc nào”.
Ông Nguyễn Văn Từ, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, đã giao cho Hạt Kiểm lâm Anh Sơn vào các điểm voi về ở Bãi Lim (Phúc Sơn), Khe Xán (Hội Sơn) để cùng dân canh phòng, xua đuổi đàn voi.
“Biện pháp di dời voi là không thể vì kinh phí tốn kém, điều kiện kỹ thuật hạn chế. Chi cục Kiểm lâm đã giao cho Vườn quốc gia Pù Mát xây dựng dự án bảo vệ đàn voi. Có thể di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn”, ông Từ cho hay.