ThienNhien.Net – Sở Tài nguyên môi trường Nghệ An đã lấy mẫu kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải mỏ thiếc Suối Bắc.
Như VOV.VN đã thông tin, vào sáng ngày 9/3, người dân phát hiện trên suối Bắc xuất hiện nhiều bùn đen, nước thải màu vàng nên UBND xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, Nghệ An đã cử đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra đã xác định nguồn gốc thải ra bùn đen từ thân đập chứa bùn thải của xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đóng tại vùng núi Lan Toong (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) bị vỡ, khiến một lượng lớn bùn thải tràn xuống suối.
Những ngày sau đó, người dân ở các xã như Châu Cường, Châu Thành, Châu Quang thấy cá nuôi của mình bỗng dưng nổi lên chết trắng. Bên cạnh đó người dân cũng vô cùng lo lắng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sau khi sự cố xảy ra.
Theo quan sát, trung tâm khai thác, sản xuất thiếc này nằm trên núi Lan Toong, độ cao hơn 550m so với mực nước biển. Hiện tại xí nghiệp này đang cho 2 chiếc máy ủi để gia cố lại khu vực đê chắn bị sụt, lún. Lượng nước thải trong bể chứa chính đã chảy hết ra ngoài, chỉ còn lại lớp bùn đặc quánh trên mặt, lượng bùn còn lại đã khô, bốc mùi diêm sinh.
Thông tin từ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện chỉ đạo thành lập tổ công tác, đồng thời thông tin về sự cố đến Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát môi trường để kiểm tra hiện trường làm rõ nguyên nhân.
Theo Báo cáo của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, nguyên nhân vỡ đập là do có vị trí nước ngầm dưới chân đập; lượng bùn thải tràn ra ngoài khoảng 100 m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác định, lượng bùn thải trong đập chứa khi vỡ có khoảng 1.000m3; lượng bùn bị tràn ra suối Bắc khoảng 200m3.
Sáng 12/3, đoàn công tác Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu đất và nước tại nơi xảy ra vỡ đập và dọc khe suối chảy qua địa bàn 3 xã Châu Thành, Châu Cường và Châu Quang để kiểm tra đánh giá mức độ ô nhiễm.
Ông Hồ Lê Ngọc, Bí thư huyện ủy Quỳ Hợp cho hay, phía huyện đã tạm đình chỉ hoạt động của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc; lập đoàn kiểm tra hệ thống đập chứa chất thải để có đánh giá chính xác về thực trạng, qua đó yêu cầu công ty này phải có giải pháp xử lý theo hướng bền vững, nếu không sẽ đề nghị tỉnh đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép.
“Nếu những thiệt hại của nhân dân về nuôi trồng thủy sản, sản xuất được xác định do sự cố vỡ đập chứa bùn thải thì công ty này phải thực hiện việc bồi thường”, ông Ngọc nêu rõ.
Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thủy sản bị chết sau khi xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải. Đặc biệt, với nguồn nước các khe suối hạ nguồn nơi vỡ đập, tuyệt đối không nên sử dụng vì nguy cơ nhiễm các kim loại nặng.