WHO: Covid-19 là hậu quả của việc phá hoại môi trường

Các quan chức của Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ bảo tồn hoang dã thế giới có chung nhận định những đại dịch như Covid-19 là hậu quả của hành vi phá hủy môi trường.

Guardian hôm 17/6 dẫn lời lãnh đạo Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quỹ bảo Quỹ bảo tồn hoang dã thế giới (WWF) nhận định các đại dịch như Covid-19 là hậu quả từ hành vi hủy hoại môi trường tự nhiên của con người nhưng bị phớt lờ qua hàng thập kỷ.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều dịch bệnh xuất hiện trong những năm qua, như Zika, Aids, Sars, Ebola, tất cả có nguồn gốc từ các loài động vật trong tình thế chịu sức ép to lớn về môi trường sống”, Giám đốc phụ trách y tế và môi trường của WHO Maria Neira nói.

Môi trường bị hủy hoại là nguyên nhân khiến các dịch bệnh như Covid-19 xuất hiện. Ảnh: AP.

Trong khi đó, bà Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, tuyên bố đại dịch Covid-19 là “lời cảnh báo khẩn cấp dành cho hoạt động kinh tế của con người”, khi đa phần người dân các nước vẫn mang tư duy sự thịnh vượng của nhân loại không phụ thuộc vào sức khỏe của thiên nhiên.

Các quan chức Liên hợp quốc, WHO và WWF có chung nhân định sự bùng phát các dịch bệnh là biểu hiện sinh động cho quan hệ mất cân bằng nguy hiểm giữa con người và thiên nhiên, và hành vi phá hủy môi trường của con người “đe dọa tới sức khỏe của chính nhân loại”.

Trong một báo cáo công bố hôm 17/6, WWF cảnh báo nguy cơ những loại bệnh mới lây truyền từ tự nhiên sang con người xuất hiện trong tương lai đang cao hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của WWF, những căn bệnh mới có khả năng gây thiệt hại to lớn cho sức khỏe, nền kinh tế và an ninh toàn cầu.

Các chuyên gia có chung kết luận yếu tố then chốt tạo ra những dịch bệnh nhảy từ động vật hoang dã sang con người, mới đây nhất là Covid-19, đến từ các hoạt động phá hủy môi trường, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã có nguy cơ cao về y tế.

Báo cáo của WWF cho biết khoảng 60-70% dịch bệnh trên con người xuất hiện từ năm 1990 trở lại đây đến từ môi trường hoang dã. Trong cùng thời kỳ này, hơn 178 triệu hectares rừng đã bị phá hủy, tương đương hơn 7 lần diện tích nước Anh.

Nguồn: