Thúc đẩy đồng quản lý nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sêrêpôk: Bài học từ một số mô hình thí điểm

Sêrêpôk là một phụ lưu quan trọng của sông Mê Công. Sông bắt nguồn từ Vườn quốc gia Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk và chảy qua hai tỉnh Ratanakiri và Stung Treng của Campuchia trước khi nhập vào Mê Công, tổng chiều dài của sông là 371 km. Tại Việt Nam, Sêrêpôk được hợp thành từ hai dòng sông là Krông Ana (sông Mẹ) và Krông Knô (sông Bố). Ngoài hệ thống sông này, ở Tây Nguyên, còn có một lưu vực quan trọng khác, cũng là phụ lưu của Mê Công và cùng chảy sang Campuchia trước khi hòa vào dòng sông Mẹ, đó là lưu vực sông Sê San.

Mặc dù có nhiều lợi thế và giá trị đa dạng sinh học, song cảnh quan các lưu vực sông Sêrêpôk và Sê San thuộc khu vực Tây Nguyên đang bị thay đổi mạnh do quá trình đầu tư, phát triển các thủy điện, khai mỏ, trồng cây công nghiệp và các hoạt động sử dụng đất mang tính thương mại khác. Nơi đây tuy có một mạng lưới sông, suối dày đặc nhưng lại không có những cộng đồng sống hoàn toàn độc lập bằng nghề cá. Phần lớn các hoạt động đánh bắt vẫn nhỏ lẻ, không thường xuyên và chỉ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Đáng chú ý là với hệ thống thủy điện dày đặc trên lưu vực như hiện nay thì sự đa dạng các loài cá đã và sẽ bị thay đổi hoặc biến mất. Do đó, rất cần một cơ chế, một mạng lưới quản trị hiệu quả nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào này nhằm vừa duy trì và phát triển sinh kế bền vững cho người dân, vừa giúp bảo tồn, bảo vệ các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học của các lưu vực sông cũng như cảnh quan khu vực.

Trong bối cảnh ấy, Dự án “Quản trị Tài nguyên nước” đã được ra đời và lựa chọn khu vực Tây Nguyên làm địa bàn trọng điểm, cụ thể là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, thời gian thực hiện từ 2016 – 2019. Dự án chia làm hai hợp phần, tương ứng với hai địa phương, trong đó, hợp phần về quản trị tài nguyên rừng được triển khai tại xã Đắk Roong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNture) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện; hợp phần về quản trị tài nguyên nước do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) triển khai tại 4 huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk gồm huyện Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Sup và Lắk. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương tham gia vào bảo tồn và phục hồi rừng ở khu hành lang giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Cha Răng tại tỉnh Gia Lai, đồng thời thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa thông qua một mạng lưới quản trị của các cộng đồng ở lưu vực sông Sêrêpôk trên các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum.

Đối với hợp phần thứ hai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã thực hiện 05 hoạt động chính bao gồm: (i) Thu thập thông tin và xác các cộng đồng liên quan ở lưu vực sông Serepok để tham gia hoạt động dự án; (iii) Nâng cao năng lực cho các cộng đồng địa phương, chú trọng các nhóm phụ nữ và thanh niên trong quản trị lưu vực sông; (iii) Xây dựng mạng lưới học hỏi giữa các cộng đồng này và các bên liên quan khác để chia sẻ các bài học về quản trị tài nguyên thiên nhiên trong lưu vực sông; (iv) Hỗ trợ những biện pháp đánh bắt cá bền vững và các sáng kiến sinh kế bền vững kết hợp với bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ở Hồ Lắk và các khu vực ven sông khác thông qua các quỹ cộng đồng nhỏ; (v) Tổ chức các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan về vai trò của cộng đồng, phụ nữ, thanh niên và các hoạt động sinh kế bền vững trong bối cảnh quản trị lưu vực sông ở cấp xã và cấp huyện.

Hiệu quả từ các mô hình

Từ năm 2016 –  2019, CSRD đã hỗ trợ xây dựng, phục hồi 07 mô hình sinh kế cộng đồng tại các cộng đồng thôn Tân Phú và thôn Na Wer (huyện Buôn Đôn), thôn Ea Tung (huyện Krông Ana), xã Yang Tao (huyện Lắk) và Thị trấn Ea Sup (huyện Ea Sup).

Mô hình nuôi cá ao của các nhóm cộng đồng ở thôn Nawer, xã Eawer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Nhóm Nawer được thành lập mới dựa trên chi hội nghề cá cũ (2009) với số lượng 13 thành viên bao gồm 12 nam, 01 nữ. Từ số tiền hỗ trợ ban đầu của dự án là 20 triệu đồng, nhóm đã được củng cố và thành lập, trong đó, nhóm ưu tiên cho thành viên là hộ nghèo hoặc có kinh tế khó khăn hơn hoặc những hộ đã có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc nuôi cá nước ngọt vay vốn trước để nuôi cá tại ao của gia đình. Sẽ có 2 hộ được vay trong năm đầu tiên, sau đó hàng năm sẽ luân chuyển vòng vốn cho các hộ khác dựa theo tiêu chí của nhóm đưa ra. Lãi suất được tính là 0,1% và dùng để chi trả cho các cuộc họp nhóm hoặc tăng cường thêm cá giống. Các loài cá được nuôi chủ yếu là cá trắm, trôi, mè và rô phi đơn tính.

Mô hình ở thôn Nawer, xã Eawer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: PanNature)

Ngoài ích lợi vay vốn và gắn kết tổ, nhóm, các thành viên khi tham gia vào nhóm cũng nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn, hạn chế những hoạt động đánh bắt trái phép trên sông nhằm bảo tồn nguồn cá tự nhiên của lưu vực Sêrêpôk. Đáng chú ý là sau khi thành lập, các hộ thành viên xây dựng được lịch trình, kế hoạch nuôi rõ ràng, có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên khác để nuôi cá đạt năng suất, sản lượng tốt nhất. Đối với một số hộ vốn đã nuôi cá từ trước khi tham gia dự án nên họ có sẵn các điều kiện để phát triển mô hình nuôi cá, đa dạng loài và có kinh nghiệm để có thể chia sẻ cho các thành viên khác.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, mô hình cũng gặp một số khó khăn, tồn tại như thời tiết ngày càng khô hạn, nhất là mùa khô cần phải bơm nhiều nước từ sông vào để đảm bảo môi trường sống cho cá; các hộ thành viên trước đây nuôi trồng nhỏ lẻ nên còn thiếu kinh nghiệm, năng suất thấp và vẫn chưa ý thức được nhiều về lợi ích của hoạt động nhóm; các hồ chưa mạnh dạn đầu tư và tham gia các hoạt động chung của nhóm.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của nhóm Thiên Phú ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Nhóm Thiên Phú gồm 15 thành viên, trong đó có 11 nam và 4 nữ. Nhóm đã tận dụng mặt nước sông Sêrêpôk để phát triển mô hình nuôi cá lồng. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, Nhóm đã góp đối ứng thêm 45 triệu đồng để cho 7 hộ vay làm vốn sản xuất và dùng để nuôi cá lồng chung của cả nhóm. Sau khi thành lập, nhóm đã gửi thêm đề xuất xin ngân sách từ phía huyện và được hỗ trợ thêm 60 triệu đồng. Để duy trì các hoạt động có hiệu quả, nhóm xây dựng quy chế, cơ chế tài chính rõ ràng và tiến hành họp định kỳ mỗi tháng/lần để cập nhật tình hình cũng như tìm các giải pháp khắc phục nếu gặp sự cố.

Mô hình nuôi cá trong lòng hồ thủy điện của nhóm cộng đồng thôn Tân Phú (Ảnh: CSRD)

Anh Mạc Văn Thanh, thành viên Nhóm thủy sản Thiên Phú cho biết Tổ hoạt động với 15 thành viên đến từ các hộ gia đình khác nhau trong thôn, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ thủy điện Sêrêpôk 3. Tham gia nhóm, các hộ được hỗ trợ nuôi cá tập trung thành một lồng lớn có diện tích 360 m2, thả nuôi các loại cá lóc, cá rô phi, cá trắm… Ngoài ra, các thành viên được tham gia nhiều khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cách xử lý dịch bệnh, vệ sinh lồng nên hạn chế được các khó khăn và tổn thất, đồng thời chuyển đổi nuôi các loài cá phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi, các thành viên cùng nhau phân công chăm sóc và canh giữ lồng nuôi, chấp hành quy định về sử dụng thức ăn sạch, không dùng chất cấm, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả nhất định về mặt kinh tế cho các hộ tham gia, giá thành và đầu ra đều ổn định. Không chỉ đạt được hiệu quả về kinh tế, Nhóm còn giúp các thành viên nâng cao nhận thức về phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, đồng thời khai thác và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở khu vực sông Sêrêpôk. Các thành viên đang tích cực tìm kiếm các nguồn đầu tư từ phía chính quyền và các doanh nghiệp để có thể khai thác tốt hơn tiềm năng của địa phương. Mặt khác, Nhóm cũng khuyến khích sự tham gia của các hộ khác nhằm giảm tải được việc đánh bắt trái phép và hủy diệt trên sông Sêrêpôk.

Mô hình du lịch sinh thái Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Mô hình du lịch sinh thái Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: PanNature)

Nhóm Tân Phú là sự mở rộng của Nhóm Thiên phú (nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Serepok 3) với các hộ sinh sống ven hồ Sêrêpok. Hiện các hộ đang phát triển mô hình trồng cam quýt, tiêu, cà phê sạch ven hồ để thúc đẩy du lịch sinh thái tại địa phương, cụ thể Nhóm sẽ xây dựng mô hình du lịch tham quan cộng đồng với điểm nhấn là hồ nuôi cá lồng, vườn tiêu, vườn cam quýt với phương thức canh tác hữu cơ. Hiện Tân Phú đang tiến hành các thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã vừa hoạt động về thủy sản, vừa phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao sinh kế cho các hộ dân, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường nước trong lòng hồ.

Mô hình nuôi cá của nhóm Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

Nhóm được thành lập với 16 thành viên, gồm 12 nữ và 4 nam. Đây là nhóm có tỷ lệ phụ nữ nhiều nhất trong số các nhóm. Đặc biệt, ngoài kinh phí hỗ trợ của dự án, nhóm góp đối ứng thêm 36 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tại 2 hồ của hai hộ trong nhóm. Việc này thúc đẩy tích cực tính tương tác giữa các thành viên, đồng thời thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào Nhóm. Nhóm tổ chức họp định kỳ mỗi tháng/lần để trao đổi các vấn đề trong việc nuôi cá như: xử lý ao hồ, nguồn nước sông vào hồ…, đồng thời xây dựng được quy chế và cơ chế tài chính rất rõ ràng, đảm bảo được quyền lợi cho mỗi thành viên. Mô hình được nhiều hộ và chị em phụ nữ ở các địa bàn lân cận đến tham quan, học hỏi.

Vệ sinh ao nuôi cho đợt thả cá tiếp theo của nhóm Ea Tung (Ảnh: CSRD)

Sau hơn 3 năm thực hiện, các thành viên đều được tập huấn và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc từ khâu xử lý ao nuôi đến chăm sóc, chế biến thức ăn, cho cá ăn sao cho đúng cách… nên hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời đảm bảo chất lượng cá nuôi và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Mặt khác, việc thành lập nhóm đã đem lại nhiều lợi ích như tạo việc làm cho chị em phụ nữ, không phải đi làm ăn xa; có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tinh thần làm việc nhóm tăng lên; ý thức bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường được nâng cao, các hộ không vứt rác bừa bãi như trước đây. Đặc biệt, mô hình giúp chị em tự tin hơn, đoàn kết hơn, hào hứng thực hiện các mô hình mới như nuôi bò, ủ phân…

Theo ông Nguyễn Hữu Thái, chủ hộ nuôi cá của nhóm, khi nuôi tập trung theo nhóm hộ là mọi hoạt động liên quan đến việc nuôi cá đều phải được các thành viên thống nhất. Hiện nay, cùng với chăm sóc ao cá chung rộng 3.000 m2, các hộ còn truyền đạt kinh nghiệm mở rộng diện tích nuôi cá tại gia đình kết hợp với nuôi heo lai rừng và sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá nước ngọt tập trung theo nhóm hộ thôn Ea Tung, xã Ea Na đang là một trong những hướng phát triển kinh tế mới, vừa đem lại hiệu quả thiết thực, vừa giúp các hộ dân gắn bó giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Mô hình khoanh vùng mặt nước ở hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

Huyện Lắk có nguồn nước mặt khá dồi dào với các hồ chứa như hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ Buôn Trí A, Buôn Tua Srah… cùng mạng lưới sông ngòi dày đặc thuộc lưu vực sông Krông Ana và Krông Nô – hai con sông lớn trong hệ thống sông Sêrêpốk. Đặc biệt, ở đây có hồ Lắk với diện tích khoảng 62 km2, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai của Việt Nam. Ngoài ra, địa phương còn có các suối nội địa bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin như suối Đắk Phơi, Đắk Liêng, Đắk Pắk, Đắk Mây… Hệ thống hồ, sông, suối dày đặc được bao bọc bởi địa hình đồi núi đã tạo nên lưu vực rộng lớn, đặc biệt là những cánh đồng trũng có nước quanh năm, rất thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Những năm gần đây, do sự gia tăng cường độ khai thác và sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt tràn lan nên sản lượng khai thác suy giảm nghiêm trọng. Mặt khác, hồ Lắk có nhiều quy hoạch chồng chéo nên ảnh hưởng đến nghề khai thác thủy sản cũng như quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của hồ. Thực trạng này cho thấy việc phân vùng sử dụng mặt nước hồ Lắk là nhiệm vụ quan trọng, giúp thúc đẩy đồng quản lý nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ.

Trước tiên, CSRD hỗ trợ phục hồi Chi hội nghề cá Liên Sơn thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, đồng thời thành lập Nhóm thủy sản buôn Phôốc, xã Yang Tao, huyện Lắk. Trong đó, đối với chi hội Liên Sơn, Trung tâm hỗ trợ địa phương tiến hành quy hoạch, phân vùng mặt nước trên hồ Lắk tiến tới cấp quyền cho các hội/nhóm trên vùng đã được quy hoạch, phân vùng. Đối với nhóm thủy sản ở Yang Tao, CSRD hỗ trợ tiền mua cá giống cho các hộ nuôi thả tại nhà, đồng thời tập huấn kỹ thuật nuôi. Nhóm gồm 6 hộ người đồng bào M’Nông, sinh sống chủ yếu từ nghề đánh bắt, khai thác nhỏ lẻ trên hồ Lắk. Việc vận động họ tham gia mô hình nhằm hướng đến nguồn sinh kế bền vững, ổn định hơn. 

Tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho các hộ dân ở Buôn Phoốc, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: CSRD)

Mô hình chi hội nghề cá Ea Sup, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk

Hồ Ea Sup (Ảnh: PanNature)

Chi hội Ea Sup được thành lập cách đây gần 10 năm, hiện vẫn hoạt động dựa trên nỗ lực của một số thành viên nòng cốt. Tuy nhiên, hiện CSRD đang hỗ trợ Nhóm thành lập nhóm nuôi cá lồng trên lòng hồ Ea Sup, đồng thời hỗ trợ rà soát các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy công nhận và trao quyền đồng quản lý nguồn lợi thủy sản cho nhóm cộng đồng.

Thả 15.000 con cá lăng đuôi đỏ giống của nhóm Ea Súp, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: CSRD)

Bài học và khuyến nghị

Dự án “Quản trị nguồn tài nguyên nước” đã thực hiện theo phương thức tiếp cận mô hình đồng quản lý, huy động sự tham gia của cả người dân và chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực sản xuất gắn với thị trường và bảo vệ được nguồn tài nguyên thủy sản phong phú của địa phương. Một số mô hình sáng tạo và hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như đa dạng sinh học ở lưu vực sông Sêrêpôk đối với các nhóm cộng đồng, đăc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lắk. Việc triển khai đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau như: hỗ trợ thành lập, phục hồi nhóm/chi hội nghề cá; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thành viên và đối tác; hỗ trợ cá giống, vật tư, biển bảng; tổ chức đối thoại vận động chính sách… đã mang lại kết quả tích cực đến các thành viên, đặc biệt là các thành viên nữ; các nhóm cộng đồng đã có ý thức phát triển sinh kế và bảo vệ môi trường tốt hơn, hạn chế các phương thức và phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, chuẩn bị tiền đề tốt cho quá trình thực hiện đồng quản lý nguồn lợi thủy sản về sau.

Theo đánh giá của đại diện Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk, các mô hình do CSRD hỗ trợ đều khá hiệu quả vì đã giúp được các nhóm cộng đồng ở các huyện nâng cao năng lực làm kinh tế, tiếp cận thị trường và đặc biệt là giảm nghèo, hướng tới đánh bắt bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phù hợp với chiến lược phát triển của việc đẩy mạnh phát triển ngành của thủy sản của tỉnh, tạo việc làm và ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình.

Đáng chú ý là các thành viên của các nhóm mô hình nuôi ttrồng thủy sản ở hai huyện Buôn Đôn và Krông Ana cho hay ngay cả khi dự án kết thúc, họ vẫn duy trì sinh hoạt nhóm, vẫn tiếp tục nuôi cá và nhân rộng mô hình, có thể là mở rộng quy mô ở một số thôn, xã lân cận. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào quỹ nhóm để quay vòng vốn cho các hộ thành viên vay hoặc mở rộng quy mô nuôi cá của nhóm.

Hiện các cộng đồng sống dọc lưu vực sông Sêrêpôk có nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, do đó, việc thúc đẩy mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản là rất cần thiết, vừa giúp cải thiện kinh tế cho người dân, vừa bảo tồn được các loài thủy sản và đa dạng sinh học của vùng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả đồng quản lý, cần sự vào cuộc của các các cấp chính quyền, tổ chức địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân. Các địa phương có thể cân nhắc áp dụng các mô hình của dự án, đồng thời duy trì, phát triển nhiều hơn nữa các nhóm/chi hội nghề cá tại địa phương với các nội dung thích hợp như hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phổ biến các chính sách và luật thủy sản của nhà nước, tập huấn tiếp cận thị trường, tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm, kết nối doanh nghiệp…, tạo động lực cho người dân phát triển sinh kế và ổn định cuộc sống.

Nguồn:
PanNature