Quảng Nam: Khai thác cát lấn vào bờ, gây nguy cơ xóa sổ cả một ngôi làng

ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác cát ồ ạt, bất chấp trên khu vực sông Yên, giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), đang gây sạt lỡ hai bên bờ, làm mất nhiều diện tích đất canh tác của người dân, đồng thời gây nguy cơ xóa sổ cả một ngôi làng.

Mới đây nhiều người dân xã Đại Hồng, Thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng và báo chí cầu cứu về tình trạng khai thác cát, sỏi ồ ạt, bất chấp trên sông Yên, đoạn giáp ranh giữa hai địa phương, gây sạt lở mạnh hai bên bờ sông.

Sạt lở đã nuốt nhiều diện tích đất canh tác của người dân và nguy cơ xóa sổ cả một ngôi làng hàng trăm hộ sinh sông.

Theo tìm hiểu tại khu vực giáp ranh này đang có thiết bị của Cty TNHH MTV Phương Đông (Cty Phương Đông) tổ chức khai thác cát, sỏi, cung ứng vật liệu xây dựng theo sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Nam vào tháng 7.2015.

Bờ sông bị sạt lở do khai thác cát trái phép

Theo đó, doanh nghiệp này được thép khai thác bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc với diện tích 1,12ha. Thời gian khai thác, vận chuyển vào ban ngày; từ  tháng 1-9 khai thác, vận chuyển từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối hằng ngày; từ tháng 10-12 khai thác, từ 6 giờ  đến 17 giờ hằng ngày.

Theo người dân địa phương, từ khi tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thì bờ 2 bên bờ sông bị sạt hơn 10 mét

Và một số người dân thấy vậy đã “phân bì”, cũng “đột nhập” vào địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương là thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn để khai thác cát, sạn trái phép.

Tàu thuyền khai thác vật liệu xây dựng, lấn vào sát bờ sông, vượt qua ranh giới quy định của tỉnh, gây nên tình trạng xói lở nhiều km đường ven sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn người dân 2 bên bờ sông Yên.

Giờ đây, tình trạng sạt lở đã tiến sát nhà dân

Ông Nguyễn Hữu Bá (SN 1952, thôn Lạc Thành Tây) kể, trước đây con sông Yên chảy qua địa bàn thôn vẫn có tình trạng sạt lở nhưng không đáng kể. Sát bờ sông ở người dân sinh sống được phù sa bù đắp và được bà con thường xuyên canh tác hoa màu.

Nhiều diện tích hoa màu đã trôi xuống lòng sông do khai thác cát trái phép

“Ai đời sông Yên nhiều năm hiền hòa, nhưng hiện nay sạt lỡ, ngày càng ăn sâu vào sát khu vực đất canh tác của người dân. Cứ đà này thì ít lâu nữa chắc cả thôn chúng tôi sẽ bị xóa sổ mất” – ông Bá nói như mếu.

Gia đình  bà Phan Thị Thu Vân (SN 1966) nằm gần nhất khu vực khai thác cát trái phép dữ dội nhất nên bà cảm nhận rõ những tác động ghê gớm bởi thực trạng xóa lở 2 bờ sông Yên.

Một tàu hút cát tại vùng giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn

“Họ nói là khai thác ban ngày, nhưng dân chúng tôi không rõ ai khai thác ồ ạt cả ngày lẫn đêm. Cứ đêm xuống là xuống máy, máy hút cát hoạt động như công trường khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng” – bà Vân bức xúc và cho biết thêm, vào ban ngày thì doanh nghiệp này khai thác đúng vị trí khai thác nhưng khi đêm xuống, nhiều phương tiện từ địa bàn huyện Đại Lộc qua thôn Lạc Thành Tây để khai thác bất chấp nguy cơ xói lở”.

Trao đổi với PV về sự việc trên, ông Nguyễn Hữu Tuân – Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn cho biết, có sự việc khai thác cát trái phép trên địa bàn. Và để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép này, chính quyền địa phương đã lập một chốt chặn ngăn không cho khai thác cát bừa bãi trên địa bàn…

“Theo quy định thì ranh giới khai thác cát phải cách bờ sông 100m. Nhưng họ bất chấp, khai thác sát bờ sông, như vậy là phá làng. Chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Nam ngừng cấp phép hoạt động của doanh nghiệp vi phạm” – ông Tuân nói.

Đơn vị, người dân nào đang phá vỡ quy định của chính quyền trong khai thác khoáng sản, gây hại đến đời sống người dân, yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Nam cần làm rõ, xử lý nghiêm để hạn chế nguy cơ dân mất đất sản xuất, và tương lai là cả một ngôi làng.