Đoàn ĐBQH Hà Nội kiểm tra việc thực hiện pháp luật về môi trường tại huyện Hoài Đức

ThienNhien.Net – Chiều 13- 12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Hoài Đức về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Phơi miến ven đường ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức

Trên địa bàn Hoài Đức hiện nay có 51/53 làng có nghề, trong đó chỉ có 12 làng nghề được công nhận. Mặc dù doanh thu các làng nghề ước tính 1.800 tỷ đồng/năm,thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt mức khá: khoảng 40 triệu đồng/lao động/năm, song vấn đề xử lý môi trường rất bất cập. Một số hộ sản xuất, doanh nghiệp trong các làng nghề chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Trong số đó, làng nghề dệt kim La Phù, 3 làng chế biến nông sản Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế có nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề khác cũng gia tăng như bún bánh Cao Hạ- Đức Giang, sản xuất két bạc Đại Tự- Kim Chung.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, khó khăn lớn nhất hiện nay là  các làng nghề còn phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình, tình trạng phổ biến là sử dụng nhà ở làm nhà xưởng sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc có sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề.

Ngoài lý do nêu trên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay đó là cơ sở hạ tầng huyện Hoài Đức chưa hoàn chỉnh, hệ thống văn bản, nhân lực triển khai kiểm tra về môi trường khiêm tốn. Về lâu dài cần tách các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; chỉ nên khuyến khích phát triển các làng nghề không phát sinh ô nhiễm môi trường.

Ngay sau đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tới một số làng nghề để nắm tình hình thực tế. Tại xã Dương Liễu, kênh tiêu T2- điểm ô nhiễm nhất tại xã Dương Liễu có 9/23 chỉ tiêu vượt quy chuẩn từ 0,9 đến 41 lần, cụ thể : Hàm lượng ô xy hòa tan (DO) giảm 0,9 lần, nhu cầu ô xy sinh học (BOD5) vượt 7 lần; nhu cầu ô xy hóa học (COD) vượt 12,3 lần; tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 3,54 lần, amoni vượt 33,2 lần, nitrit vượt 1,1 lần, sắt vượt 8 lần, tổng dầu mỡ vượt 41 lần, coliform vượt 5,7 lần.