Điều tra vụ phá rừng nguyên sinh đặc biệt nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Ngày 20/7, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh dẫn đầu đã làm việc với Công an huyện Nam Giang để kiểm tra tiến độ điều tra vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra ở khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo của Công an huyện Nam Giang, sau khi nhận được tin báo của quần chúng, ngày 8/7, lực lượng Công an huyện phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới gần Trạm cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam)-Đắc Chưng (tỉnh Sekong, Lào).

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 280 phách gỗ pơmu với tổng khối lượng 28m3 được tập kết gần cột mốc biên giới 717 khu vực vành đai biên giới, cách Trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Công an huyện Nam Giang đã vận chuyển toàn bộ số gỗ trên về tạm giữ tại Trạm kiểm lâm Nam Sông Bung (xã Chà vàl, huyện Nam Giang).

Đại tá Lê Quang Vịnh – Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết xác định đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên ngày 14/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang đã có cuộc họp khẩn cùng đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Tại cuộc họp, các bên đã thống nhất khởi tố vụ án và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang thụ lý điều tra.

Ngay trong ngày 14/7, Công an huyện Nam Giang tổ chức khám nghiệm hiện trường ở khoảnh 10, Tiểu khu 351 đã phát hiện 60 gốc cây pơmu bị chặt hạ.

Trong quá trình điều tra đã phát hiện gỗ khai thác trái phép được cất giấu ở nhiều nơi quanh khu vực cửa khẩu Nam Giang.

Từ khi triển khai điều tra vụ án phá rừng pơmu đến nay, Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ 591 phách gỗ pơmu, 8 bi gỗ pơmu, 3 phách gỗ dổi với tổng khối lượng gần 45m3.

Ngày 20/7, Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tế khu vực rừng bị tàn phá. Sau hơn 2 giờ đi bộ đường rừng, Đoàn công tác chứng kiến cánh nguyên sinh bị tàn phá tan hoang do việc khai thác pơmu trái phép.

Nhiều gốc cây pơmu hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ; các cây nhỏ ở tầng thấp hơn bị cây lớn đè gãy, nhựa cây vẫn còn ứ lại.

Trước cảnh rừng pơmu bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh nhận định đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia.

Vì vậy ông Thanh chỉ đạo các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Nam Giang khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý các đối tượng vi phạm.

Trước diễn biến phức tạp của vụ phá rừng, trong đó có việc khu vực rừng bị chặt phá giáp ranh với phía nước bạn Lào, nhiều nơi cất giấu gỗ chặt phá trái phép nằm trên địa bàn 2 nước Việt Nam (huyện Nam Giang) và Lào (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sekong), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi chính quyền tỉnh Sekong đề nghị phối hợp xử lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Sở Ngoại vụ liên hệ với phía bạn Lào, thống nhất về chương trình, thời gian, địa điểm, lực lượng để phối hợp xử lý, sớm đưa các đối tượng sai phạm ra xử lý trước pháp luật.