Tổng kiểm tra việc xả thải tại Vũng Áng

ThienNhien.Net – Ngoài Formosa, một số doanh nghiệp khác ở Khu Kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh cũng nằm trong danh sách thanh tra về bảo vệ môi trường của đoàn thanh tra liên ngành.

Theo kế hoạch, từ ngày 4 đến hết ngày 7-5, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đến kiểm tra về tình hình xả thải, bảo vệ môi trường tại nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất ở Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Đoàn công tác do ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) – làm trưởng đoàn.

Kiểm tra toàn diện, bài bản

Thành phần đoàn kiểm tra có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, viện và đại diện các địa phương. Đoàn kiểm tra được chia thành 6 tổ công tác.

Theo đó, tổ số 1 kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với xưởng phân tách khí, nhà máy luyện cốc, nhà máy luyện thép, luyện gang và các hạng mục công trình khác có liên quan. Tổ số 2 kiểm tra về bảo vệ môi trường với nội dung nhập khẩu, mua, bán và sử dụng hóa chất, hoạt động súc rửa đường ống của dự án và các nhà thầu tham gia có liên quan. Tổ số 3 kiểm tra các công trình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp; việc nhập khẩu và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải; xưởng xử lý nước cấp; hệ thống thoát nước mưa và nước thải của toàn bộ dự án. Tổ số 4 kiểm tra nhà máy nhiệt điện – tổ máy số 1 của Formosa, các công trình phụ trợ khác của Formosa và Công ty Điện lực Dầu khí Vũng Áng. Tổ số 5 kiểm tra các xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương, nhà máy cán thép – phôi nhập khẩu, các công trình phụ trợ của Formosa, Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng. Tổ số 6 – tổ tham mưu tổng hợp – hoạt động theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra.

Đoàn kiểm tra sẽ làm rõ việc xả thải của Nhà máy Formosa (Ảnh: Đức Ngọc/nld.com.vn)
Đoàn kiểm tra sẽ làm rõ việc xả thải của Nhà máy Formosa (Ảnh: Đức Ngọc/nld.com.vn)

Dự kiến, đoàn kiểm tra sẽ thống nhất biên bản kiểm tra vào ngày 6-5 và làm việc lần cuối cũng như ký biên bản kiểm tra vào ngày 7-5. Riêng trong chiều 4-5, theo ông Hoàng Văn Thức, đoàn kiểm tra đã nghe Formosa Hà Tĩnh báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường và tiến độ triển khai dự án. “Formosa báo cáo theo đúng yêu cầu về tài liệu của đoàn kiểm tra. Hiện trong vài ngày tới, chúng tôi tiếp tục làm việc và khi có kết luận sẽ thông tin đến báo chí” – ông Thức cho biết.

Cũng theo ông Thức, đoàn chuyên gia quốc tế đã có mặt ở Khu Kinh tế Vũng Áng và bắt đầu quá trình phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt, trong đó, tập trung vào việc xả thải của Khu Kinh tế Vũng Áng. Khi có kết quả nguyên nhân khiến cá chết, đoàn chuyên gia này sẽ báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận: “Đoàn chuyên gia làm việc hoàn toàn độc lập và tỉnh cũng muốn như vậy cho khách quan”.

Vệt nước đỏ do ô nhiễm?

Liên quan đến việc phân tích các mẫu thủy sản, ngày 4-5, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết việc phân tích các mẫu thủy hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện. Các mẫu này được lấy tại cảng cá, chợ bán buôn và các điểm bán lẻ khác vào cuối tuần qua. Kết quả phân tích xác định các chỉ số vi sinh và kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadimi, asen… đều trong giới hạn cho phép.

Cũng theo ông Phong, trong tuần này, các chuyên gia sẽ tiếp tục lấy mẫu phân tích các mẫu thủy hải sản của các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Ngoài các mẫu thủy hải sản lấy tại các chợ, nhà hàng…, đoàn cũng lấy các mẫu cá biển chết (nếu có) để phân tích các chỉ số vi sinh và kim loại nặng.

Đáng chú ý là liên quan đến vệt nước màu đỏ dài 1,5 km trên vùng biển Quảng Bình được phát hiện vào ngày 4-5, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), cho rằng chưa xác định được đó có phải là hiện tượng thủy triều đỏ hay không. “Thường thủy triều đỏ xuất hiện sẽ có mùi tanh của tế bào chết. Do tảo là tế bào đơn bào nên việc phân chia, chết đi rất rõ ràng và dấu hiệu đó rất dễ nhận biết” – ông Loãn giải thích.

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng cho hay hiện tượng thủy triều đỏ có thể nhận biết qua trực quan. “Phải thấy xuất hiện cùng rất nhiều xác tảo nở hoa thì vệt nước đó mới là thủy triều đỏ. Nếu không, nước đỏ đó có thể do bị ô nhiễm” – GS Đăng phán đoán.

Lập hội đồng quốc gia tìm nguyên nhân cá chết

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia để phân tích nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường. Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hóa học, sinh học, khí tượng, thủy văn và động lực học biển. Hội đồng được thành lập để tổng hợp kết quả nghiên cứu từ ngày 7-4 đến nay của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường ĐH. Hiện hội đồng đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, sốc nhiệt, dòng chảy…