Phản ứng gay gắt việc “xẻ thịt” Công viên Thống Nhất

Cải tạo Công viên Thống Nhất thành khu vui chơi giải trí kiểu Disneyland là một cách làm “không giống ai”, đi ngược xu thế chung của thế giới. Chủ trương này đang bị dư luận Hà Nội phản ứng gay gắt

Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH- KT) Hà Nội vừa có tờ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) xây dựng, cải tạo, nâng cấp Công viên Thống Nhất. Mục tiêu của quy hoạch là biến một công viên cây xanh – lá phổi thứ hai của Hà Nội (sau Hồ Tây) thành trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn. Ngay lập tức, chủ trương này đã gặp phải những ý kiến trái chiều.

Một “Disneyland” của VN!

Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến, cho biết: Quy mô nghiên cứu quy hoạch chi tiết cải tạo Công viên Thống Nhất có diện tích khoảng 48,5 ha. Trong đó, bao gồm cả phần diện tích đất để mở đường theo quy hoạch, đảo Thống Nhất và đảo Hòa Bình, hồ Bảy Mẫu… Theo đó, bố cục của công viên sau cải tạo có thể chia thành 3 vùng: vùng động, vùng đệm và vùng tĩnh. Vùng động bố trí tại phía Bắc với chức năng phục vụ vui chơi giải trí (trò chơi cảm giác mạnh, rạp chiếu phim 3D…), khu thể thao, phục vụ lễ hội, nhà hàng, mít-tinh… Bên cạnh đó sẽ có 3 tầng hầm để xe và hai tầng phía trên sẽ là khu trung tâm thương mại.

Vùng đệm gồm bán đảo Phong Lan, khu vực Đông hồ Bảy Mẫu dọc trục đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ bố trí các khu chức năng có tính chất nhẹ nhàng, văn hóa, như vườn hoa chuyên đề, hội hoa cây cảnh, bến thuyền.

Vùng tĩnh sẽ là khu vực nghỉ ngơi, thư giãn, không bố trí các hoạt động ồn ào với chủ đạo là không gian xanh phục vụ nhân dân dạo bộ, ngắm cảnh, tập thể dục, dưỡng sinh… Mặt nước hồ Bảy Mẫu sẽ được giữ nguyên. Nước hồ sẽ được cải tạo làm sạch để tổ chức một số hoạt động vui chơi trên mặt nước hoặc tạo không gian thủy cung, nhạc nước…

Chưa trưng cầu ý dân

Hiện nay, TP Hà Nội đã giao 3 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Vincom, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất) nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Công viên Thống Nhất.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom Lê Khắc Hiệp, dự án “nâng tầm” Công viên Thống Nhất có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Ngoài nguồn vốn sẵn có, Vincom cũng đang làm thủ tục xin phép Ủy ban Chứng khoán được niêm yết tại sàn chứng khoán TPHCM nhằm phát hành tăng vốn.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Dự kiến quý III/2007, công trình sẽ chính thức được khởi công và xây dựng tất cả các khu vui chơi trong dự án như một Disneyland. Sau khi công trình đi vào hoạt động, sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu thường ngày của người dân trong khuôn viên của công viên. Bên cạnh mục đích kinh tế, chúng tôi luôn đặt mục tiêu chính trị, xã hội, văn hóa lên hàng đầu” (!?).

Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Chiến khẳng định: “Không có chuyện cải tạo Công viên Thống Nhất từ quý III/2007, vì tờ trình nhiệm vụ thiết kế quy hoạch công viên vẫn chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt”.

Ông Chiến giải thích, để nâng cấp Công viên Thống Nhất cần xã hội hóa nguồn đầu tư nhưng vẫn bảo đảm lợi ích công cộng của công viên, đồng thời cũng tạo nguồn thu cho nhà đầu tư khi mở thêm dịch vụ phụ trợ.

Ông Chiến cho biết riêng Công viên Thống Nhất, hiện Công viên Yên Sở, Công viên Tuổi Trẻ… cũng đang tiến hành cải tạo lại theo chủ trương xã hội hóa. “Việc quy hoạch, cải tạo Công viên Thống Nhất cũng lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi tiến hành thực hiện” – ông Chiến nói.

Đừng hiến “phổi” cho doanh nghiệp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh: “Vì lợi ích của người dân TP, của cả cộng đồng, với tư cách là người đứng đầu một cơ quan chuyên môn, tôi kịch liệt phản đối chủ trương cải tạo Công viên Thống Nhất thành khu vui chơi giải trí kiểu Disneyland. Không một TP hiện đại hay cổ kính nào ở các nước phát triển làm như vậy”.

Theo ông Toàn, với tổng diện tích khoảng 50 ha, không thể đủ làm một công viên giải trí kiểu Disneyland, thêm vào đó cũng không một TP văn minh nào tiến hành xây dựng khu vui chơi giải trí hiện đại, quy mô trong nội đô.

Ông Toàn cho hay chính quyền TP Paris (Pháp) đã bỏ tiền mua nhà dân để xây dựng hai công viên cây xanh trong TP. Vậy thì lý do gì TP Hà Nội lại “đâm thủng” lá phổi đã gây dựng từ mấy chục năm qua. Tại Paris, Công viên Disneyland cũng được xây dựng ở ngoại ô.

Ông Toàn cho rằng TP Hà Nội cần phải sử dụng quỹ đất ở ngoại ô TP, với quy mô từ 100 ha trở lên để xây dựng các khu vui chơi giải trí thay vì luẩn quẩn trong phạm vi nội đô. “Lợi nhuận là trên hết, do vậy không có gì bảo đảm nhà đầu tư sẽ giữ lời hứa mà không lấn chiếm không gian tĩnh của người dân”- ông Toàn nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) Phạm Sĩ Liêm khẳng định: “Tại một hội thảo mới đây về vấn đề này, tôi đã phản đối chủ trương cải tạo Công viên Thống Nhất của TP Hà Nội thành khu vui chơi giải trí. Hãy để Công viên Thống Nhất yên ả như vốn có. Việc cải tạo “nâng cấp” Công viên Thống Nhất mà Hà Nội đang định làm là chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư, bởi cái lợi rất lớn từ diện tích đất trống khổng lồ trong nội đô ai cũng dễ dàng nhìn thấy”.