Những bí mật ‘động trời’ tại khu vực các cửa khẩu quốc tế miền Trung – Bài 2

ThienNhien.Net – Từng lên rừng, xuống biển, đối mặt với nhiều sự vụ khó, giáp mặt không ít đối tượng nguy hiểm, thế nhưng, cuộc thâm nhập vào rừng già lần này cho chúng tôi cảm giác phập phồng sinh tử trong từng bước.

Màu nhựa cây đỏ như màu máu

Như đã nói ở kỳ trước, sau gần 3 tiếng đồng hồ băng rừng vượt núi, cuối cùng chúng tôi cũng đã tiếp cận được “công trường”, nơi những tiếng cưa máy phát ra.

Ẩn mình trong những lùm cây, chúng tôi lướt tầm mắt về phía có nhóm người đang hì hụi cưa xẻ. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai cây gỗ lớn với chiều dài gần 40 mét, đường kính vài ba người ôm đã bị đốn hạ nằm sõng soài dưới đất. Xung quanh ngổn ngang những cành lớn, không gian như một bãi chiến trường.

Bấm máy zoom cận cảnh, hiện lên trên ống kính là hai đối tượng nam giới, một người trạc 45 tuổi, một người khoảng dưới 25, đang hì hụi cưa xẻ. Tiếng máy cưa đinh tai, nhức óc, khói bay nghi ngút, mùi xăng khét lẹt.

Các đối tượng này vừa làm việc, vừa cười nói một cách hồn nhiên, như không hề biết có lực lượng kiểm lâm, hay biên phòng đang đóng ở cách nơi đó không xa.

Nhìn thao tác gọn ghẽ, đường cưa thẳng tắp, chúng tôi dự đoán, đây đúng là là 2 lâm tặc chuyên nghiệp. Chẳng thế mà chưa đầy 30 phút, nhóm người này đã “nuốt” trọn một cây gỗ lớn, tạo ra những thanh gỗ thẳng tắp. Xung quanh những vết cắt, màu nhựa cây đỏ quạnh tứa ra như những vệt máu của rừng xanh.

Anh bạn đi cùng bấm nhẹ vào vai tôi thì thầm: “Gỗ tốt đấy, loại này bán đắt phải biết. Hiện dân chơi đang ráo riết săn lùng loại gỗ này”.

Đang mê mải ghi hình, bỗng trên bãi xẻ gỗ xuất hiện hai đối tượng lạ mặt. Họ lầm lũi tiến vào. Sau một hồi trò chuyện, hai đối tượng này ghé vai vác những thớt gỗ trên xuống núi.

Con đường các đối tượng sử dụng là một đường mòn chạy ngoằn ngoèo qua các lối, cuối cùng dẫn xuống khe núi, sát khu nhà máy xử lý nước sinh hoạt khu trung tâm Cha Lo.

Sau khi gỗ được xẻ thành miếng, các đối tượng liên lạc với nhau vác xuống núi.
Sau khi gỗ được xẻ thành miếng, các đối tượng liên lạc với nhau vác xuống núi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, con đường mòn này đã có từ lâu, do các đối tượng vận chuyển gỗ lậu “khai thông” và đi nhiều mà hình thành lên. Trên các lối mòn, tàn dư của những lâm tặc khác vẫn còn vương vãi lại nhiều mẩu đầu lọc và vỏ bao thuốc lá.

Tuy nhiên, để đưa được một khối lượng gỗ lớn xuống suối, phải là người có sức khỏe, dẻo dai. Sau khi một lượng lớn các thanh gỗ xẻ sẵn được tập kết xuống dưới, các đối tượng bấm máy liên lạc cho đồng bọn.

Chưa đầy 10 phút, một chiếc xe khách Toyota màu trắng sữa 15 chỗ ngồi đi vòng vào từ QL12A. Chiếc xe chuyên dụng này gần như “hết đát”, được tháo toàn bộ ghế ngồi phía sau để dùng chuyên chở gỗ.

Sau chừng 20 phút bốc xếp, chiếc xe chật cứng gỗ này được một tài xế mặc áo màu đỏ điều khiển lầm lì tiến ra QL12A rồi xuôi theo xã Dân Hóa về xuôi. Sau một ngày khai thác không “ngơi nghỉ”, cả chục khối gỗ quý lần lượt được bốc dỡ rồi đưa ra khỏi rừng mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào.

Tưởng chừng sau khi đã “ăn no” hàng, nhóm đối tượng lâm tặc sẽ ngưng nghỉ để nghe ngóng tình hình từ phía cơ quan có chức năng. Nhưng không, ngay sáng hôm sau, chúng lại tiếp tục ngang nhiên vác cưa xăng vượt suối tiếp tục đốn hạ những cây gỗ quý và lớn trong khu rừng Giăng Màn.

“Nước mắt” đại ngàn

Vẫn là tiếng cưa rầm rập, xé lòng, từng đánh thức chúng tôi vào tinh mơ hôm trước, nhưng hôm nay âm thanh có vẻ vồn vã, nối tiếp liên hồi hơn. Với những người bản địa, do đã quen với âm thanh này nên hơi nhăn mặt khó chịu.

Còn những người mới về địa bàn như chúng tôi, màng nhĩ như bị xé rách, đầu óc quay cuồng. Cô bạn nữ duy nhất trong đoàn thỉnh thoảng phải ép chặt ngón tay vào tai để bước đi không loạng choạng. Không ai bảo ai, cả đoàn tất bật lên đường.

Trong màn đêm lạnh lẽo, chúng tôi men theo tiếng cưa để tiếp tục tiếp cận nhóm lâm tặc tại bãi xẻ hôm trước. Nhưng hôm nay cả đoàn chọn cách tiếp cận và con đường khác để đi.

Cách con đường hôm trước chừng hơn 1km đường rừng, có một con đường nhỏ do người dân bản địa đi rừng tạo ra. Sáng sớm, sương mù vẫn dày đặc, lá rừng ướt sũng. Thỉnh thoảng, đâu đó xung quanh, một chú chim rừng thảng thốt, vụt lao vào màn sương dày đặc và mất hút sau lùm cây.

Gỗ sau đó được tập kết về một bãi ven rừng.
Gỗ sau đó được tập kết về một bãi ven rừng.

Mặt con đường mòn như được tưới một lớp mỡ, trơn nhầy. Cả đoàn phải lấy cành cây rừng làm gậy, nắm tay nhau, lò dò từng bước để tiến sâu vào bên trong. Sương núi đọng trên cành lá đổ tưới vào cả đoàn như mưa rừng, cả đoàn ai nấy ướt như chuột lột. Rét run vì bị ngấm nước. Bạn đồng nghiệp nữ đi cùng mặt xám xịt, thỉnh thoảng khụy xuống ngồi co ro, mắt mở to nhìn từng người như tìm một làn hơi ấm.

Anh trưởng đoàn môi mím chặt, không nói không rằng. Thỉnh thoảng lại đến cạnh từng người nắm chặt đôi bàn tay cố truyền hơi ấm, dù chúng tôi biết, bàn tay anh cũng run lên vì giá lạnh. Trời càng hửng sáng, sương tan dần, lúc này chúng tôi mới dần nhìn rõ mặt nhau. Không ai khóc, nhưng tôi thấy, mắt ai cũng ướt nhòe.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến bãi tập kết gỗ hôm trước. Lúc này trời sáng rõ, cả nhóm tản ra thành nhiều phía, tìm một chỗ kín đáo để ẩn mình. May mắn, chiếc máy quay chúng tôi bọc kín sau nhiều lớp ni lông không bị thấm nước, vẫn hoạt động tốt.

Khoảng cách giữa chúng tôi và nhóm lâm tặc hôm nay khá gần. Chúng tôi nhìn khá rõ khuôn mặt từng đối tượng. Vẫn là nhóm người ấy, nhưng hôm nay lượng gỗ bị đốn hạ có vẻ lớn hơn. Hiện trường lúc chúng tôi tiếp cận cả đống gỗ lớn đã xẻ sẵn, đang chờ xe lên đưa ra khỏi rừng. Bên cạnh là thân cây gỗ mới bị đốn nằm sõng soài trên mặt đất.

Chắc do quan sát quá chăm chú, thỉnh thoảng mắt tôi nhòe đi, nhìn những thân cây giống như một cơ thể sống đang quằn quại khóc than vì bị những lưỡi cưa cắt vào da thịt.

Cố trấn tĩnh để theo dõi các đối tượng, mọi người đều bất ngờ, bởi để xóa dấu vết, “bịt mắt” lực lượng chức năng, cứ sau mỗi lần xẻ xong một thân gỗ lớn, chuyển xong hàng xuống núi, các đối tượng nhóm lửa đốt mùn cưa nhằm “phi tang” chứng cứ.

Tuy nhiên, việc này hết sức nguy hiểm, nếu mùn cưa cháy lan ra xung quanh hoặc có gió mạnh, nguy cơ cháy rừng là không thể tránh khỏi. Thiệt hại sẽ không biết thể đo đếm được. Thế nhưng, may mắn hôm đó, đám mùn cưa chưa kịp bùng lên đã bị tắt ngấm. Khói từ những đống mùn chùm kín khu chúng tôi nằm. Tất cả đều cố nằm nín thở để khỏi bị lộ.

Từ con đường mòn, xe chuyên dụng tiếp cận bãi tập kết và chở gỗ về xuôi.
Từ con đường mòn, xe chuyên dụng tiếp cận bãi tập kết và chở gỗ về xuôi.

Theo ghi nhận, chỉ trong vòng chưa đầy một buổi sáng, 4 đối tượng lâm tặc thay nhau cưa xẻ, cho ra hàng chục tấm gỗ khác nhau. Với phương thức quen thuộc, cứ hai đối tượng cưa xẻ thì có hai đối tượng khác vận chuyển gỗ xuống tập kết ở khe suối.

Tầm 12 giờ trưa, tất cả số gỗ được chuyển xuống núi, chất lên xe và mất hút giữa đại ngàn. “Xẻ thịt” rừng theo kiểu đánh du kích, nhanh gọn này diễn ra hàng ngày, trước mắt lực lượng kiểm lâm, biên phòng, hải quan nhưng lại không hề bị phát hiện… Vậy nguyên nhân do đâu?

Bị bắt quả tang khai thác gỗ, lâm tặc hành hung kiểm lâm dã man

Khi bắt quả tang các đối tượng khai thác gỗ trái phép trong vườn quốc gia, một nhóm kiểm lâm bị lâm tặc bao vây, hành hung dã man, bắt xóa các hình ảnh, video về vụ việc. Sự việc xảy ra vào lúc 9h45 ngày 2/3/2016.

Tổ tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng của Trạm Kiểm lâm Hương Lộc làm nhiệm vụ tại khu vực khe Trường (thuộc tiểu khu 416, Vườn quốc gia Bạch Mã) phát hiện 5 đối tượng tiến hành cưa hạ cây gỗ gõ (loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 1) nên tiếp cận.

Ngay sau đó, tổ công tác tiến đến nhằm để ngăn chặn các đối tượng đang phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Các đối tượng bỏ chạy tán loạn nhưng sau đó các đối tượng khác quay trở lại, dùng đá, dao và rựa tấn công lực lượng kiểm lâm nhằm giải cứu cho đối tượng bị bắt.

Hậu quả, một kiểm lâm bị chúng chém vào bàn tay phải, bị dìm xuống đất đánh dã man vào đầu, vào người dẫn đến gãy xương. Các kiểm lâm khác vào giải cứu cho anh này cũng bị tấn công bằng dao, rựa, gậy, đá.