Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đối mặt nhiều nguy cơ bị xâm hại (1): Kon Ka Kinh – di sản ASEAN

ThienNhien.Net – Nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh được đánh giá là một trong những VQG lớn và có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà còn của cả nước. Cùng với 3 VQG khác của Việt Nam (Ba Bể, Hoàng Liên, Chư Mom Ray) và 24 VQG khác của Đông Nam Á, VQG Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường các nước ASEAN tổ chức tại Yangon (Myanmar) vào năm 2003. Tuy nhiên, thực trạng khai thác rừng trái phép, săn bắt động vật… đang khiến VQG đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại.

VQG Kon Ka Kinh nơi bảo tồn rất nhiều loài động vật, thực vật, rừng đặc trưng còn khá nguyên vẹn.

Sự đa dạng sinh học

Nằm trong khu vực giữa Đông và Tây của dãy Trường Sơn, VQG Kon Ka Kinh thuộc địa bàn 3 huyện Mang Yang, Kbang và Đắc Đoa của tỉnh Gia Lai. Với nhiều dãy núi cao, cao nhất là đỉnh Kon Ka Kinh nằm ở 1.748m so với mực nước biển đã phân bố nên một địa hình riêng ở nơi đây. Theo đánh giá của GS.TS. Lê Vũ Khôi thì: “Càng điều tra, nghiên cứu càng phát hiện VQG Kon Ka Kinh đang bảo tồn rất nhiều loài động vật, thực vật, rừng đặc trưng còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được hơn 2.000ha rừng hỗn giao rừng cây lá rộng với rừng cây lá kim đặc trưng với nhiều loài cây có giá trị quý và hiếm như pơ mu, chò đỏ, kim giao. Đây là khu rừng đặc dụng duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này”.

Chính từ những yếu tố đặc biệt đó, thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những loài động, thực vật đặc hữu của vùng và của riêng nơi này. Đến nay, qua nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học và phía VQG Kon Ka Kinh đã ghi nhận nơi đây có một hệ thực vật rất đa dạng và phong phú. Với 1.022 loài thực vật bậc cao, trong đó có tới 22 loài có ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách Đỏ thế giới năm 2010. Hệ động vật rừng của VQG Kon Ka Kinh cũng rất đa dạng với 556 loài, trong đó có tới 16 loài đặc hữu, 47 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách Đỏ thế giới năm 2010. Theo các nhà nghiên cứu, với một hệ động thực vật đa dạng và phong phú, hệ sinh thái đặc trưng, VQG Kon Ka Kinh là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và là kho lưu trữ vô giá các loài động thực vật quý hiếm của vùng Tây Nguyên.

Vẻ đẹp của loài voọc chà vá chân xám, loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi lại tại VQG Kon Ka Kinh.  (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

Khi nhắc đến VQG Kon Ka Kinh người ta nhắc đến khướu Kon Ka Kinh, đây là loài chim mới được phát hiện lần đầu tiên ở đây và trở thành loài đặc hữu của Việt Nam. Không chỉ làm mê hoặc những nhà nghiên cứu mà loài chim này trở thành biểu tượng của VQG Kon Ka Kinh. Không chỉ thế, theo ghi nhận của các nhà khoa học, nơi đây còn là “ngôi nhà” của nhiều loại động vật quý hiếm và đặc hữu như: vượn đen má hung Bắc, voọc chà vá chân xám, mang Trường Sơn và Mang lớn; khu hệ chim ở VQG Kon Ka Kinh là một phần của vùng chim đặc hữu Bắc Tây Nguyên ở độ cao từ 1.000-1.700m và đã ghi nhận 3 loài đặc hữu cho Việt Nam như: khướu Kon Ka Kinh, khướu đầu đen, khưới mỏ dài và 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và Lào, gồm: khưới đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thầy chùa đít đỏ; khu hệ bò sát VQG Kon Ka Kinh có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam, trong đó: thằn lằn Buôn Lưới là loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn (Lào), 3 loài đặc hữu cho Việt Nam: thằn lằn đuôi đỏ, chàng Sapa, ếch gai sần.

Ngoài những loài mới phát hiện và những loài có giá trị đặc hữu nêu trên, hệ động vật rừng VQG Kon Ka Kinh còn có 26 loài thú, 9 loài chim và 12 loài lưỡng cư bò sát quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Vẻ đẹp của loài ô rô Natalia tại VQG Kon Ka Kinh (Ảnh: Ái Tâm).

Vẻ đẹp của những loài hoa tại VQG Kon Ka Kinh (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm/FZS)

Di sản đối mặt với những thách thức

Mới đây UBND tỉnh Gia Lai đưa VQG Kon Ka Kinh vào bản đồ du lịch Gia Lai – vấn đề gần như bị bỏ ngỏ trong nhiều năm qua với nhiều lý do khác nhau. Khó khăn chồng chất khó khăn nên dù Ban Giám đốc VQG Kon Ka Kinh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các tuyến, tour tham quan rừng nhưng vì còn nhiều khó khăn trong cơ sở hạ tầng khiến du khách chưa mặn mà đến đây. Bên cạnh đó, hầu như các tuyến, tour vẫn đơn điệu, chủ yếu lội rừng hòa mình vào thiên nhiên chứ chưa có những dịch vụ giải trí đi kèm. Thế nên, tiềm năng vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Có thể thấy, dù được công nhận là Vườn Di sản ASEAN nhưng lâu nay ít ai biết đến VQG Kon Ka Kinh có hệ động thực vật đa dạng và phong phú như thế nào, ngoài các nhà khoa học. Chính các nhà khoa học cũng đánh giá khu vực này vẫn còn khá mới mẻ, nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học chưa được biết đến. Ngoài những công trình nghiên cứu về hệ động thực vật ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay thì Di sản ASEAN này vẫn còn chứa nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Chính những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý tại vườn đều đánh giá những kết quả nghiên cứu trên là chưa thực sự tương xứng với tiềm năng về đa dạng sinh học của vườn.

Mới đây, đích thân ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai đã có chuyến khảo sát ở khu vực vườn, mắc võng ngủ giữa những cánh rừng già cùng đoàn khảo sát để tìm những giải pháp biến VQG Kon Ka Kinh trở thành điểm sáng trong loại hình du lịch sinh thái của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Đồng thời, cũng nhiều giải pháp được đưa ra nhằm vừa khai thác được tiềm năng vừa đảm bảo được nguồn đa dạng sinh học tại đây. Tuy nhiên, tiềm năng đa dạng là thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra khi vẫn còn tình trạng con người xâm hại đến hệ thực vật, động vật ở đây. Điều đó đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ nơi được đánh giá là khu vực ưu tiên bảo vệ đa dạng sinh học không chỉ của Việt Nam mà của khu vực ASEAN.

(Còn nữa)