Vài dòng tản mạn Ngày Trái đất

ThienNhien.Net – Tác giả của những dòng tản mạn dưới đây là một người đã có thời gian công tác lâu năm trong lĩnh vực môi trường. Xin chia sẻ cùng bạn đọc vài lời tâm sự của chị về  cái nghiệp mà chị đã gắn bó và những cảm nghĩ về môi trường, trái đất …

Vào đại học, thấy trường mình có ngành mới – ngành “Bảo vệ môi trường”, mấy chị em liền đăng ký xin học, nhưng không được vì Bộ đã gửi đi học gì thì học nấy, không được thay đổi. Hơn mười năm sau, mình đạt nguyện vọng. Và thật may mắn, mình được học ngay giữa chốn thiên đường du lịch, nơi có cỏ cây, hoa lá và cả những con người hiền lành, đôn hậu. Quan trọng hơn là mình được học toàn những vấn đề nóng bỏng còn ít người quan tâm. Một hành trang lý tưởng cho công việc đầy hứng thú. Mình biết ơn số phận đã cho mình được làm những điều vốn từ lâu ấp ủ.

Khi làm về quản lý môi trường, mình thường đùa là đang lo làm hóa, đi phân tích ppm, ppb nhưng thực ra toàn đi đếm ruồi, đếm muỗi, đếm từng dấu chân chuột, đếm cả bóng chim tăm cá, cả mấy cây to nhỏ mà ngay tên tiếng Việt mình cũng không rõ, tiếng Anh lại càng không, tiếng Thái cũng chịu nốt, càng không thể dò bằng tiếng La tinh xem đó là loài gì, thuộc gen nào, họ nào, ngành nào. Buồn cười thật, và cũng vui đáo để!

Càng vui hơn mỗi khi đi dự hội thảo bởi luôn có cả nam phụ lão ấu tham gia, thậm chí người người tham gia, ngành ngành tham gia. Môi trường là của chung mà, ai cũng nghĩ vậy. Và con trẻ thì cứ luôn miệng hát “Trái đất này là của chúng mình”. Kể cũng đúng! Một nhân vật có tiếng mà mình không nhớ nổi tên cũng từng nói, chúng ta đang mượn trái đất từ thế hệ con cháu và việc slogan “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” được trưng khắp các nhà trẻ chắc luôn đúng như vậy.

Nhưng ba bốn năm trở lại đây, bắt đầu xuất hiện nỗi lo mới: lo trái đất nóng lên (mà nóng lên thật), rồi cái nóng dần trở thành vấn đề nóng hổi, vấn đề toàn cầu, vấn đề của tương lai và của cả ngày hôm nay.

Đến hôm nay, khi mà thiên tai xảy ra khắp nơi, ngày càng dữ dội, khiếp khủng và thường xuyên, con người mới chợt nhận thấy mình mong manh và dễ bị tổn thương trước thiên nhiên làm sao! Lúc này, tất cả mới tá hỏa nghĩ về cách hành xử vốn thiếu lễ độ của mình với Mẹ Trái đất. Biến đổi khí hậu vì thế dần trở thành chủ đề nóng bỏng khắp nơi, được tầng tầng lớp lớp các hội thảo lớn nhỏ trong và ngoài nước nhắc tới như một sự kiện vĩ mô, trọng đại. Và cũng như vấn đề môi trường, ai cũng can đới tới biến đổi khí hậu, từ việc dễ bị dị ứng với thời tiết, dễ bị ốm khi mưa nắng trở trời, dễ bị cảm lạnh, cảm nắng, mưa ướt, nắng cháy cho đến những thảm họa tàn khốc như hạn hán, lũ lụt… Ngồi thảo luận về “hậu sự” của 100 năm sau, mình thấy nhẽ ra phải hỏi chuỵên các bạn trẻ mới phải bởi 100 năm sau nữa, liệu có còn ai trong số những người ngồi bàn luận hôm nay – gồm cả các chuyên gia quốc tế, các cố vấn đáng kính hay chỉ là những người quan tâm có thể chứng thực? Thế mà ai nấy cứ sôi nổi thảo luận, tựa như chuyện ngày mai có tắc đường nữa hay không… Hay thật!

Ảnh minh họa: nhipcauxuthanh.com

Ngày xưa, mình thầm kính nhi viễn chi các bác khí tượng thủy văn, thấy mấy bác là phục lăn lông lốc bởi cái tài trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Ngày nay, nhờ có cái mô hình, cái computers nên mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng như thế là vẫn thua các bác nông dân vốn chỉ biết trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm đấy nhé! Nhưng thú thực là giờ còn mấy khi được nhìn bầu trời đầy sao sáng nữa, hoặc nhìn sao bồ nông đang mò cua bắt ốc, sao gầu sòng đang múc nước kẽo kẹt, và giải ngân hà tuyệt đẹp trải dài miên man giữa một khoảng trời ngăn cách giữa ông bà Ngâu…

Ngày xưa, mình từng chạy vào khu rừng cổ tích ven thành phố Matxcơva, nơi khu ký túc xá trường mình cư ngụ để hái những bông hoa tươi xinh, hoặc đắm mình nơi mùa thu vàng rực rỡ, khi đó, mình đâu mơ sẽ được đắm mình với thiên nhiên khắp miền Nam Bắc và cả những khu bảo tồn nổi tiếng khác nhau. Ngày xưa, mình cũng đâu nghĩ lại đi nói chuyện về ông mưa bà nắng, rồi suốt ngày nhắc mọi người phải lồng lồng ghép ghép – cái gì cũng lồng ghép, từ bình đẳng giới đến bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, đến cả biến đổi khí hậu, đến quyền của con người và quyền của muôn loài.

Không biết mình có trở nên quan trọng hơn không, vì những vấn đề rất nóng, rất “thời trang” này… nhưng quả thật, cũng vui! Nếu suốt ngày đi nói những điều người khác không thích, muốn né tránh hoặc không thấy cần thiết thì cũng buồn lắm lắm. Chỉ mong sao khi lớp lớp thế hệ mai sau, nhất là đến khoảng một trăm năm nữa, các dòng sông sẽ đều chảy ra với biển, đều trong xanh và thơ mộng như “Con sông Quê” mà Nhà thơ Tế Hanh từng đặc tả, những vần thơ làm xao xuyến biết bao tâm hồn:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống dòng sông ấm áp

….

Và mong rằng Trái đất mãi vẫn quay, và hành tinh mãi vẫn xanh như chiếc lá!