Đông Nam Bộ: Gần tết, dân làng bè lao đao vì cá chết

ThienNhien.Net – Gần tết, hàng chục hộ nông dân sinh sống trên sông Cái, TP.Biên Hòa, Đồng Nai bất ngờ vì cá bè chết hàng loạt, nổi trắng bè. Hàng tấn cá bè chuẩn bị cho đợt bán tết bỗng chốc nổi lềnh bềnh khiến người nông dân lâm vào cảnh thua lỗ. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, dù đã tìm được thủ phạm khiến cá bè chết, nhưng người nông dân lại phải kiện ra tòa do doanh nghiệp “trây ỳ”.

Cá chết trắng bè, thiệt hại cả trăm triệu

Tại Đồng Nai, hiện nay, Phòng Kinh tế, UBND TP. Biên Hòa, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NNPTNT Đồng Nai) đã lấy mẫu xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân khiến cá bè chết hàng loạt. Mỗi ngày, người dân bị thiệt hại hàng trăm kilôgam cá, ước tính số tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Theo ghi nhận, cá bè của các hộ dân bị chết chủ yếu là diêu hồng, chép và cá trắm. Gia đình ông Lê Văn Khiêm, làng cá bè TP. Biên Hòa cho biết, mỗi ngày cá bè chết khoảng 200kg. Số cá không chết thì bỏ ăn và có biểu hiện đuối sức. “Đây là những lứa cá mà chúng tôi tập trung chăm sóc với hy vọng xuất bán vào đợt cao điểm tết, toàn bộ vốn liếng chúng tôi đã đổ vào đó. Bây giờ, cá chết thế này chúng tôi chỉ còn cách bán đổ, bán tháo, với giá thấp hơn nhiều so với bình thường, chứ chưa nói gì tới giá tết. Cảnh thua lỗ, nợ nần ngập đầu là việc khó tránh khỏi” – anh Khiêm cho biết. Vào ngày cao điểm 30.12.2015, số lượng cá chết lên tới hàng tạ cá. Với giá cá 55.000 đồng/kg, nhiều hộ thiệt hại cả trăm triệu đồng. Hiện nay, số cá còn khỏe mạnh thì cũng không đủ sức lớn để kịp bán khi tết đang cận kề. Người dân làng bè nơi đây đang phải mua thêm hệ thống máy tạo ôxy để cứu số cá đang thoi thóp.

Theo các hộ nuôi cá bè nơi đây, thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến cá chết hàng loạt có thể do nguồn nước bị nhiễm hóa chất nên cá bị ngộp vì không đủ ôxy. Hiện tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa có tổng cộng 241 hộ nuôi cá bè trên sông Cái. UBND xã Hiệp Hòa đã cùng cơ quan chức năng ghi nhận sự việc, xác định nguyên nhân. Đại diện Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai cho biết cá chết có thể do thời điểm này nước sông Đồng Nai đang cạn, lưu lượng nước ít, dòng chảy thấp nên lượng ôxy giảm, trong khi đó các hộ nuôi cá mật độ lại quá dày khiến cá bị ngộp. Ngoài ra do thời tiết thay đổi, lượng thức ăn thừa tích tụ lâu ngày dưới đáy khiến mầm bệnh phát sinh.

Dân nuôi cá lồng bè trên sông Cái (Biên Hòa, Đồng Nai) thẫn thờ vì cá chết trắng.
Dân nuôi cá lồng bè trên sông Cái (Biên Hòa, Đồng Nai) thẫn thờ vì cá chết trắng.

Dân khởi kiện doanh nghiệp làm cá chết

Trong khi đó, người dân tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cá chết hàng loạt đã tìm được nguyên nhân, thủ phạm, nhưng vẫn không đòi được tiền bồi thường mà phải tiếp tục đưa “thủ phạm” ra tòa. Sau 2 lần đối thoại bất thành do các doanh nghiệp không chịu mức bồi thường khoảng 14 tỉ đồng, Sở NNPTNT tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý – Sở Tư pháp đã gặp gỡ hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), khởi kiện các doanh nghiệp chế biến hải sản (xã Tân Hải, H.Tân Thành) ra tòa. Đây là các doanh nghiệp được xác định là thủ phạm chính gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và, nhưng đến nay vẫn không chịu bồi thường cho người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ khởi kiện là bà con nuôi cá phải đóng trước tiền án phí theo mức 5% tổng giá trị bồi thường, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn. Anh Dương Văn Hùng (ngụ thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: Nếu phải bỏ số tiền lớn từ 10-20 triệu đồng để nộp án phí ban đầu thì rất khó khăn do chúng tôi đang còn nợ nần từ các đợt cá chết chưa trả được. Do đó, chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ tiếp tục của chính quyền tỉnh.

Theo kết luận của Viện Môi trường Tài nguyên, có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và, đó là: Do nước thải từ khu vực cống số 6 (vị trí 14 cơ sở sản xuất hải sản xả nước thải trực tiếp ra sông); do chính hoạt động từ việc nuôi lồng bè; do xả thải từ các ao, đầm nuôi thủy sản trên lưu vực và do nước xả thải sinh hoạt từ khu vực xã Long Sơn. Trong đó, Viện Môi trường Tài nguyên đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt vào tháng 9.2015 là do 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra cống số 6 với tỉ lệ gây ô nhiễm 76,64%.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, qua 4 đợt cá chết, người nuôi thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại hơn 18 tỉ đồng, đề nghị các DN phải bồi thường 13,8 tỉ đồng. Ngoài 35 hộ dân bị thiệt hại trong vụ cá chết vào tháng 9.2015, còn có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại những năm trước đây cũng muốn kiện các DN.

Ông Bùi Đức Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, khẳng định: Trong vụ kiện này, chúng tôi nghĩ phần thắng sẽ thuộc về các hộ nông dân vì đã có căn cứ xác định nguyên nhân cá chết và thiệt hại cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên, người dân được bồi thường bao nhiêu thì còn phải chờ kết quả của phiên tòa. Người dân cần thu thập đầy đủ thông tin về mức độ thiệt hại trong đợt cá chết vừa rồi, chứng minh là người nuôi hợp pháp tức là có đăng ký hoạt động, chứng minh thiệt hại bằng chứng từ hợp pháp.