Tài nguyên kiệt, môi trường suy thoái

Ngành than đang phát triển nóng. Đằng sau con số dự kiến 43 triệu tấn than khai thác trong năm 2007, thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững đã không được chú trọng… Ô nhiễm huỷ hoại môi trường do ngành than "tăng tốc" đã đến hồi báo động.
Tăng tốc quá mức…

Vào năm 2002,  tổng sản lượng khai thác than của Việt Nam mới chỉ đạt 14,8 triệu tấn than. Năm 2003, sản lượng tiếp tục tăng thêm 2 triệu tấn, về trước 2 năm theo kế hoạch 5 năm (2001-2005) mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra. Trong năm 2006, ngành than đã sản xuất và tiêu thụ xấp xỉ 37 triệu tấn than, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch phát triển ngành mà Chính phủ phê duyệt đến năm 2020.

Năm 2007, do nhu cầu gia tăng của thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành than lại tăng tốc ồ ạt, sản xuất than ở cấp độ lớn hơn. Báo cáo của Ban Kinh tế ngân sách tại kỳ họp thứ 10 HĐND diễn ra vào đầu tháng 7 đã nêu cụ thể: Dự kiến sản lượng than khai thác năm 2007 sẽ là 43 triệu tấn than nguyên khai.
Như vậy tốc độ khai thác hiện nay được cho là quá “nóng” do ngành than đã tự “vượt rào”, phá vỡ quy hoạch phát triển của ngành. Đằng sau việc gia tăng sản lượng này, theo ông Phạm Hải Đường – Đại biểu HĐND – là ngành than đã “hứa” rất nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, nhưng làm quá chậm. Còn ĐB Nguyễn Duy Hưng bức xúc: “Chưa bao giờ xe than chạy trên quốc lộ nhiều như hiện nay. Chiến lược của ngành than là khai thác xuống sâu để tăng sản lượng, nhưng trên thực tế chỉ toàn “bới” các mỏ nhỏ. Nếu đứng trên mỏ Cao Sơn nhìn xuống sẽ thấy cả thị xã Cẩm Phả ngập trong bụi”.

Cạn kiệt tài nguyên dự trữ…

Theo dự kiến, trong vài ba năm tới, một loạt NM nhiệt điện công suất lớn trong cả nước đi vào hoạt động sẽ phải cần đến hàng chục triệu tấn than đốt lò. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2007, ngành than sẽ dành gần 20 triệu tấn than XK. Làm phép tính đơn giản thì sản lượng than tiêu thụ trong nước cũng như XK trong ít năm tới cũng chỉ đủ dùng cho hoạt động của các NM nhiệt điện sau khi các NM này đưa vào sử dụng. Đây là chưa kể hàng chục NM ximăng, luyện cán thép đang gấp rút ra đời cũng sẽ “ngốn” ít nhất vài chục triệu tấn than/năm.

Nếu ngành than không trù tính tới nguồn tài nguyên hữu hạn của mình để chuẩn bị cho một chiến lược phát triển lâu dài vì lợi ích quốc gia mà tiếp tục gia tăng sản lượng một cách quá “nóng” như hiện nay thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự hụt hẫng khi nhu cầu của các ngành công nghiệp cùng lúc xuất hiện trong một tương lai gần. Thực tế cho thấy, nguồn tài nguyên ở QN đang dần cạn kiệt. Việc khai thác hầm lò đã phải xuống sâu vài trăm mét. Các mỏ lộ thiên thì đào khoét, bòn rút một cách vội vã…, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho môi trường sinh thái.

…và báo động đỏ về suy thoái môi trường

Dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên phải thừa nhận rằng, một số DN ngành than chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và bức xúc trong dư luận. Qua tiến hành kiểm tra tại 68 khu vực mỏ đang hoạt động thì chỉ có 38 khu vực có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều dự án mở rộng, nâng cấp các mỏ của Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Tu, Núi Béo… đều không có đánh giá tác động môi trường.

Từ hoạt đông khai thác than dẫn đến đổ thải đã tạo nên các bãi thải lớn như: Đồi Cọc Sáu, cao 260m; Đèo Nai: 200m; Đông Cao Sơn: 250m… – có thể gây ảnh hưởng bất cứ lúc nào cho các khu dân cư phía dưới khi mưa lớn và lũ quét.

Đặc biệt là các bến cảng tiếp nhận than phân tán, nhỏ lẻ, hạ tầng yếu kém và đa số không có công trình bảo vệ môi trường. Nhiều bến – bãi đã có quyết định của tỉnh QN ngừng hoạt động nhưng không chấp hành, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng như tuyến đường 337 (Hạ Long) hoặc Mông Dương (Cẩm Phả). Đánh giá của Sở TNMT cho thấy: Nồng độ bụi ở khu vực Mông Dương (Cẩm Phả); Hà Trung, Hồng Hải (TP.Hạ Long); Khe Ngát (Uông Bí) – đều vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Kiểm tra nước thải tại Cty than Hà Lầm có hàm lượng BOD (nhu cầu ôxy sinh hoá), COD (nhu cầu ôxy hoá học), TSS (hàm lượng cặn lửng lơ) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,9- 5,7 lần; hàm lượng TTS trong nước thải của Cty than Dương Huy (Cẩm Phả) vượt đến 16 lần… Chưa kể nhiều DN không hề có hệ thống xử lý nước thải. 

Theo ông Lương Y Dược – Phó GĐ Sở TNMT:
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngành than cần thay đổi phương thức đổ thải. Phải phân tầng, cắt lớp, phủ xanh bãi thải. Đối với các vùng nhạy cảm như: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, cần giảm dần khai thác lộ thiên… Kinh phí cho môi trường 2%/năm tính trong chi phí giá thành như hiện nay là quá ít so với mức từ 15 -19% mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Kinh phí dù rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là sự nhận thức và thái độ trách nhiệm trước cộng đồng. Mà ở đây, trước hết thuộc về những người trong cuộc, đặc biệt là ngành than.

Theo ông Đoàn Văn Kiển – Chủ tịch HĐQT TKV:


Khai thác than ngày càng khó khăn hơn- trong những năm tới, nhu cầu than trong nước tăng cao, trong khi khả năng tăng sản lượng hạn chế là khó khăn rất lớn đối với ngành than. Các mỏ than lớn hiện có ngày càng xuống sâu, đi xa với điều kiện khai thác và phức tạp hơn. Nguồn tài nguyên than đã được thăm dò xác minh đến mức -150m và có điều kiện khai thác thuận lợi đang giảm dần, phải đưa vào khai thác phần tài nguyên trữ lượng than nằm ở dưới sâu (dưới mức -150m ở Quảng Ninh).

Trong khi đó, nguồn tài nguyên than tiềm năng ở Đồng bằng sông Hồng có điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn phức tạp, điều kiện khai thác khó khăn lại nằm dưới ruộng lúa và làng mạc và chưa được thăm dò xác minh đầy đủ. Do đó giai đoạn tới, TKV sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nâng cấp và gia tăng tài nguyên, trữ lượng than được xác minh không những bù đắp được phần trữ lượng than khai thác trong giai đoạn đến năm 2025, mà còn bổ sung để duy trì và nâng cao mức sản lượng than giai đoạn sau năm 2025. Hoàn thành thăm dò xác định tài nguyên và trữ lượng than nằm dưới mức -300m ở bể than Quảng Ninh vào năm 2010. Đến năm 2015 – 2020 thăm dò xong bể than Đồng bằng sông Hồng.