Khoảng trống

ThienNhien.Net – Câu chuyện mà ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ về cách thức mà doanh nghiệp ở nước Hàn tiếp cận thông tin đối với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã để lại một sự chờ mong trong lòng các doanh nghiệp Việt. Ở Hàn Quốc, họ thường xuyên tổ chức các hội thảo, để các cơ quan của Chính phủ giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về lộ trình thuế của từng sản phẩm sắp tới ra sao, thách thức cạnh tranh thế nào.

Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về các sản phẩm cũng tương đối đơn giản. Trên mạng của các Hiệp hội lớn và Chính phủ thường công khai lộ trình và danh sách của từng sản phẩm nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng dễ tiếp cận thông tin cụ thể.

Trong khi đó ở Việt Nam, 1 tháng sau khi ký kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh không biết tiếp cận nội dung Hiệp định ở đâu. Đây rõ ràng là một khoảng trống thông tin mà nếu chỉ ở một phía, doanh nghiệp không thể giải quyết được.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tăng sau khi VKFTA được ký kết vào đầu năm 2015 (Ảnh: Hànộimới)
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tăng sau khi VKFTA được ký kết vào đầu năm 2015 (Ảnh: Hànộimới)

Chúng ta vẫn đọc thấy ở đâu đó, những con số lên đến 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), 63% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp có nhu cầu và động lực để tìm hiểu những thách thức mới này.

Phát biểu trong một cuộc họp mới đây về hội nhập, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, ông Trịnh Minh Anh cho biết, Việt Nam đã ký 10 FTA với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Sắp tới, Việt Nam sẽ ký tiếp 2 FTA đặc biệt quan trọng khác là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam – EU cũng như thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Như vậy, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, cùng với gần 200 quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư trên thế giới.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ đánh giá: “Đến tài xế taxi, người giao nhận chuyển phát nhanh cũng cần phải biết đến hội nhập để củng cố việc làm cho mình, vì khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp, người lao động ở các nước dễ dàng sang làm việc, kinh doanh ở nước ta”. Ấy vậy mà vẫn còn những khoảng trống thông tin, một rào cản hiện hữu khiến cho người dân, doanh nghiệp lơ mơ với những gì sắp ở bên cạnh mình.

Để giải quyết tình trạng này, nên chăng, Chính phủ cần chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu hoặc giải quyết những vướng mắc khi có cách hiểu khác nhau. Có như vậy khoảng trống mới có thể được lấp đầy?