Khốn khổ vì ô nhiễm bủa vây

ThienNhien.Net – Tại thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc (Tuy Phước-Bình Định) có đến 4 công ty sản xuất đá và 2 trạm trộn nhựa đường hoạt động.

Mỗi khi vận hành là hàng trăm căn hộ ngập ngụa trong khói bụi, và hàng nghìn người dân ở đây phải hít mùi nhựa đường.

Hoạt động của dây chuyền trộn nhựa đường của Cty Minh Đạt
Hoạt động của dây chuyền trộn nhựa đường của Công ty Minh Đạt

Bức xúc

Theo phản ánh của người dân xóm Miễu Tây, khoảng 4-5 tháng nay, hoạt động của trạm trộn nhựa đường thuộc Công ty TNHH Minh Đạt (trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh) đã khiến đời sống của người dân nơi đây bị xáo trộn.

Trạm trộn nhựa đường này hoạt động 24/24, thải bụi đá, mùi khét nhựa đường suốt ngày đêm. Nhà phải đóng cửa triền miên mà bụi vẫn lọt vào, lau quét không xuể. Nhưng khó chịu nhất là mùi nhựa đường cứ xộc vào mũi, đến mức không dám thở. Người dân đã năm lần bảy lượt phản ánh tình hình này lên chính quyền địa phương, nhưng không được xử lý. Thậm chí, người dân kéo đến tận công trường khai thác, yêu cầu phía công ty phải dừng hoạt động, khắc phục môi trường nhưng công ty cũng làm ngơ.

Đỉnh điểm của sự bức xúc, ngày 21/8, nhiều người dân ở xóm Miễu Tây đã chặn các xe tải ra, vào trạm trộn nhựa đường của Công ty Minh Đạt để yêu cầu lãnh đạo công ty xử lý.

Bà Nguyễn Thị Năm, một người dân xóm Miễu Tây bức xúc: “Từ ngày trạm trộn nhựa đường hoạt động, người dân xóm tui gần như phải sống chung với khói bụi và mùi nhựa đường. Nhà quê mà cửa lúc nào cũng phải đóng kín mít. Ngày quét dọn, lau chùi 2-3 lần mà bụi vẫn bám đầy. Không chỉ hít bụi đá, khi công ty trộn nhựa đường là mùi dầu hắc xông lên nồng nặc. Người già hít vào thấy tức ngực, khó thở còn trẻ em thì ho sù sụ. Người dân ở đây bức xúc, kiến nghị cấp trên và cả công ty nhưng chẳng ai quan tâm”.

030915_khonkho2Bức xúc quá, sáng 21/8, anh Trần Hiếu Ngãi và một số người dân ở xóm Miễu Tây chặn xe ra vào trạm trộn nhựa đường của Công ty Minh Đạt, anh Ngãi bị một tài xế dấn ga dọa tông mấy lần. Anh Ngãi nói: “Công ty trộn nhựa đường phục vụ cho công trình của quốc gia, chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, dù công trình gì đi chăng nữa thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.”

“Khi trộn nhựa đường, đá cát sạn họ cho vào lò rang khô, xong trộn với nhựa lỏng, bụi đá và mùi nhựa đường phân tán vào không khí bao trùm khắp khu vực khiến sức khỏe người dân ảnh hưởng nặng nề”, ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ 2.

Từ ngày có trạm trộn nhựa đường xuất hiện, cuộc sống người dân ở đây hoàn toàn đảo lộn. Người dân sống chung với khói bụi, ô nhiễm, chịu hết nổi nên mới phản đối. Sau đó, quản lý trạm hứa khắc phục nhưng không thấy thay đổi gì. Dân càng phản ánh thì khói bụi càng dày hơn”.

Lời hứa gió bay

Theo ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ 2, chỉ trong một thôn mà có đến 4 công ty sản xuất đá và 2 trạm trộn nhựa đường hoạt động, cùng xả khói bụi cả ngày lẫn đêm. “Mỗi lần họp tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh dữ dội lắm.

Thôn kiến nghị, ngành chức năng các cấp cũng đã cử cán bộ về kiểm tra, lấy mẫu này mẫu kia để về kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm nhưng không công bố kết quả cho dân biết. Có công ty hứa mua xe nước tưới cho đỡ bụi mà đến nay có thấy đâu. Mùa nắng thì dân phải hít khói bụi, mùa mưa bụi đá trôi xuống đồng ruộng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”, ông Bí thư bức xúc thay cho người dân.

Có mặt tại hiện trường vào trưa hôm đó, qua ghi nhận thực tế, chúng tôi thấy khi người dân kéo đến trạm trộn nhựa đường của Công ty Minh Đạt phản ứng thì máy trộn ngừng hoạt động, đến khi dân kéo về thì lập tức cả dây chuyền sản xuất với hệ thống máy xay đá, máy trộn nhựa đường hoạt đồng ầm ầm, bốc khói bụi mù mịt.

Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hiếu, quản lý trạm trộn nhựa đường của Công ty Minh Đạt thừa nhận, khi trạm trộn nhựa đường hoạt động có gây ảnh hưởng khói, bụi đến một số hộ dân sống gần khu vực nhà máy. Sau khi nhận phản ánh, trạm gặp các hộ dân cam kết sẽ khắc phục hạn chế đến mức tôi đa không để người dân bị ảnh hưởng khói bụi.

“Nguyên nhân gây mùi khét khó chịu mà người dân phản ánh là do máy khởi động ban đầu, lượng dầu hút vào nhiều, khoảng thời gian mất 5-10 phút sẽ trở lại bình thường”, ông Hiếu lý giải.