Gò Công – Tiền Giang: 300.000 hộ dân nơm nớp nỗi lo biển lấn

ThienNhien.Net – Hàng chục căn nhà trước cơn thịnh nộ của biển bị cuốn phăng theo bọt nước, 47 hộ dân cần phải di dời ngay. Những dãy rừng phòng hộ thưa dần đang đe dọa tuyến đê biển bảo vệ 50.000ha vùng ngọt hóa Gò Công và trên 300.000 hộ dân nơi đây nếu như không có giải pháp hợp lý.

Sau khi bị biển “lấy mất” căn nhà, anh Nguyễn Văn Nghề dựng tạm căn chòi cùng 5 người trong gia đình sống chơ vơ phía biển (Ảnh: Nhật Hồ)
Sau khi bị biển “lấy mất” căn nhà, anh Nguyễn Văn Nghề dựng tạm căn chòi cùng 5 người trong gia đình sống chơ vơ phía biển (Ảnh: Nhật Hồ)

Vừa ngủ, vừa run

Gia đình anh Nguyễn Văn Nghề, ấp Cầu Muống, xã Tân Long, huyện Gò Công Đông có 5 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề cào, thu hoạch nghêu mướn. Làm quần quật cả chục năm mới dành dụm được gần 100 triệu đồng xây căn nhà kiên cố, mong là có thể chống chọi với sóng biển, không ngờ trong phút chốc sóng biển cuốn đi mất căn nhà, còn trơ lại những miếng gạch lát nền và vài trụ bêtông. Không còn đất, anh đành phải cất căn chòi chơ vơ mé biển. Anh Nghề kể lại trong sự âu lo: “Chỉ một đêm là biển cuốn trôi đi mất căn nhà của tôi luôn. May mà cả nhà chạy kịp vào bờ. Bây giờ sống ở đây lo lắm. Tối ngủ không yên”.

Chủ tịch UBND xã Tân Long Đoàn Thanh Hưng cho biết, hằng năm gió mùa đông bắc (gió chướng) mạnh kết hợp với triều cường cao đã gây sạt lở đất bờ biển thuộc hai ấp Tân Phú, Cầu Muống của xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, với chiều dài gần 3.000m, xâm thực sâu vào đất liền từ 20 – 30m. Sóng biển đã tàn phá ao, đầm nuôi thủy sản, nhà cửa, khiến 47 hộ dân sống ổn định từ trước đến nay cần phải di dời khẩn cấp.

Tại khu vực sạt lở ở ấp Tân Phú, ông Cô Văn Hòa, than thở: “Dân ở đây đa phần đều nghèo nên đành cố bám trụ trước sóng to, gió lớn rình rập. Trước đây, khu vực này có con đường dài hơn 3km, nhưng đã bị sóng biển dìm mất rồi. Nhà chúng tôi cũng vừa bị sóng biển phá, nhưng vì kinh tế khó khăn, không có nơi để di dời”.

Dừng lại ở giải pháp… đối phó

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Huỳnh Thị Tỏ thừa nhận: Sạt lở ven biển là một thực tế đáng lo ngại hiện nay. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là sạt lở đê biển Gò Công nhưng chưa có giải pháp cứu vãn. Trước sự lo lắng của người dân hai ấp Tân Phú và Cầu Muống, xã Tân Long huyện đã quy hoạch khu tái định cư để di dời 47 hộ dân với kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án hiện đang được chờ thẩm định, phê duyệt, chưa biết chừng nào mới triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy đê biển Gò Công có chiều dài hơn 21km, trong đó, đoạn đê trực diện với biển có chiều dài hơn 12km (thuộc các xã Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành và thị trấn Vàm Láng) là tuyến đê quan trọng bảo vệ hơn 55.000ha đất sản xuất và tài sản, tính mạng của hơn 300.000 hộ dân khu vực ngọt hóa Gò Công đang mong manh trước biển. Bởi những cánh rừng phòng hộ đang thưa dần, nhiều nơi không còn rừng phòng hộ. Theo thống kê của Sở NNPTNT Tiền Giang, trong vòng 10 năm qua, rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực nghiêm trọng, có những vị trí mất rừng

8-10m/năm, song chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Thậm chí, tại các đoạn xung yếu, rừng gần như mất trắng, hoặc chỉ còn 50 – 60m, chỉ vài “mùa xâm thực” nữa sẽ không còn, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là trong mùa mưa bão.

Mỗi năm Tiền Giang đầu tư hàng chục tỉ đồng để lát mái đê biển với cao trình đê phù hợp nhằm giảm tác động trực tiếp của sóng biển; tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất ai cũng biết là khôi phục đai rừng phòng hộ nhưng xem ra chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Thiện Pháp thừa nhận: “Vấn đề này, thú thật, năm nào tỉnh cũng có kế hoạch trồng mới, nhưng tỉ lệ rừng trồng sinh trưởng, phát triển không cao, cộng với tình trạng phá rừng nuôi trồng thủy sản, nạn trộm rừng vẫn diễn ra nên rừng cứ vậy nhưng thưa và mỏng dần”.

Để ngăn chặn hiệu quả sự xâm thực gây xói lở nghiêm trọng ven biển, đê biển, Tiền Giang tỉnh lập dự án kè mềm dài 18,4km với nguồn vốn vay Chính phủ Pháp, vốn T.Ư hơn 600 tỉ đồng và tiến tới hoàn thiện kè mềm toàn tuyến, sau đó sẽ triển khai trồng và phát triển rừng phòng hộ phủ kín. Những dự án trên một ít đã triển khai, còn lại vẫn nằm trên bàn của Sở NNPTNT trong khi sóng biển vẫn vỗ bờ hằng ngày và những người dân sống trong vùng sạt lở chưa có giấc ngủ trọn vẹn bởi lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo chạy biển.