Di cư tự do ở Tây Nguyên: Cư dân giữa rừng già (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Tây Nguyên – vùng đất hùng vĩ với những cánh rừng già trập trùng bát ngát, với nguồn tài nguyên nông lâm giàu có – được ví như buồng phổi cân bằng sinh thái môi trường cho dải miền Trung và Đông Nam Bộ của đất nước. Nhưng giờ đây, nguồn tài nguyên quý giá từ rừng Tây Nguyên đang bị con người khai thác triệt để, thay vào đó bằng bạt ngàn nương rẫy cà phê, hồ tiêu, điều hay những đồi trọc gối đầu bất tận. Cũng không quá khó hiểu khi thiên nhiên nổi giận, phản ứng lại hành vi phá rừng không thương tiếc của con người bằng cơn lũ lịch sử chưa từng có tháng 08/2007 ở hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, cướp đi sinh mạng hơn 20 người, cuốn trôi hàng ngàn căn nhà cùng hàng trăm ngàn ha hoa màu. Phá rừng và giữ rừng đang trở thành vấn đề nóng bỏng, cam go và nan giải đối với các tỉnh Tây Nguyên trước làn sóng dân di cư tự do ồ ạt.

Đắk Lắk và Đắk Nông là 2 tỉnh có số lượng dân di cư tự do nhiều nhất ở Tây Nguyên hiện nay. Lượng di dân đổ về không ngừng khiến cho các cấp chính quyền địa phương không khỏi lúng túng. Bên cạnh những trăn trở không để di dân đói khổ, dịch bệnh, được hưởng điện, đường, trường, trạm, có đất sản xuất, chính quyền các địa phương còn canh cánh một nỗi lo lớn, ấy là nỗi lo về tình trạng phá rừng làm nương rẫy của dân di cư. Ở nhiều nơi, vấn đề chăm lo cuộc sống và quản lý di dân đã vượt quá tầm của các địa phương, trong khi đời sống của người dân vẫn diễn ra hết sức cơ cực nơi rừng thiêng nước độc.

Di dân Tây Nguyên
44 hộ dân người H’mông đã được ổn định cuộc sống tại thôn 13, xã Cư K’bang. Đời sống của họ đã được cải thiện so với trước, tuy nhiên còn gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: PanNature)

Chúng tôi tìm đến huyện Ea Súp (Đắk Lắk), một địa phương có lượng di dân tự do lớn nhất, nóng bỏng nhất và lo ngại nhất cho những cánh rừng đầu nguồn Ea Súp Thượng. Ông Phan Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, huyện có gần 55 nghìn dân thì lượng dân di cư tự do chiếm tới 2/3 và hàng ngày di dân vẫn tiếp tục “nhảy dù” vào những cánh rừng sâu heo hút khiến cho địa phương hết sức lo ngại. Cả huyện tính đến năm 2007 có gần 40% hộ nghèo.

Theo chỉ dẫn của ông Lĩnh, chúng tôi lặn lội vào xã Cư Kbang, một xã 100% di dân tự do, mới được thành lập. Anh Đàm Văn Hà – Phó chủ tịch xã, một di dân tự do cho biết, xã có 5.000 khẩu, bà con đều từ các tỉnh phía Bắc vào đây.

Thôn mới nhất của xã là thôn 13, gồm 44 hộ dân người H’mông quê gốc từ các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng…từ Bình Thuận đổ về từ tháng 04/2007. Chính quyền sở tại đã phải dốc sức xin đề xuất cấp cho mỗi hộ 400 m2  ở và 4000 m2 đất sản xuất để bà con an cư lập nghiệp. Chúng tôi ghé vào thăm một căn nhà tranh vách nứa xiêu vẹo. Anh Yàng Xeo Văn – chủ nhà cho biết: “Mặc dù có đất sản xuất nhưng nhà mình có 5 khẩu, làm lúa cũng chỉ đủ ăn 8 tháng, còn 4 tháng là đói”.

Chúng tôi vượt gần 200 km đường đất đỏ bụi mù mịt để đến xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nơi có 14 cụm dân di cư tự do với hơn 4000 khẩu sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau khi vượt qua Đèo Đá Mang Muối quanh co khúc khuỷu và gần 1 giờ lội suối, leo hết mấy con đường đèo dốc dựng đứng, cụm dân cư số 1 hiện ra với những căn nhà tranh vách nứa xiêu vẹo ẩn hiện nơi góc rừng.

Khung cảnh vắng vẻ và hiu hắt, như nói lên phần nào cái đói nghèo, lạc hậu song hành với người dân nơi đây. Đi mỏi chân, chúng tôi mới gặp được mấy cháu bé đứng khép nép lo sợ khi thấy bóng dáng người lạ. Chúng tôi vào thăm nhà già Vàng A Phao, một căn nhà tranh vách nứa rộng chừng 10 m2 trống tuềnh toàng, chẳng có đồ dùng sinh hoạt gì đáng giá, ngoại trừ mấy cái xong nồi treo lơ lửng nơi góc nhà.

Theo lời già A Phao, thì xóm này có 300 hộ dân di cư tự do từ tỉnh Lai Châu vào đây lập nghiệp từ năm 2001. Là dân di cư tự do nên họ không hề khai báo với chính quyền sở tại mà âm thầm chọn những cánh rừng xa xôi, heo hút gần con suối dựng nhà lập xóm. Họ nhẫn nại, chịu khó làm thuê kiếm sống, rồi đốt rừng làm rẫy, cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, đắp đổi qua ngày. Nằm giữa địa bàn xa xôi hiểm trở và phải lo cái ăn từng bữa nên hầu như trẻ em ở đây không được đến lớp học mà phải theo chân cha mẹ lên nương, xuống suối. Mỗi năm, khoản trợ cấp mà họ nhận được từ xã là 5 lít dầu và mấy bao muối.

 Di dân Tây Nguyên
Hai bên con đường dẫn vào các cụm di dân xã Đăk R’măng: Đồi trọc tiếp đồi trọc. (Ảnh: PanNature)

Nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn hiện diện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ, đặc biệt tình trạng tảo hôn. Chúng tôi bắt gặp những bà mẹ ở độ tuổi 14 – 15, là tuổi lẽ ra đang cắp sách đến trường.

Mọi liên lạc, giao lưu với thế giới bên ngoài gần như không có, vào mùa mưa lại càng khó khăn hơn. Anh Vàng A Thềnh cho biết: “cứ 3 ngày cả xóm họp lại cử ra một người đi xuống chợ mua vật dụng sinh hoạt cần thiết cho cả xóm”.

Khi ai đó đau ốm, bệnh tật cũng chỉ được chữa trị theo cách dân gian thông thường. Già A Phao ngậm ngùi: “Già ao ước có một cái ra-đi-ô để nghe tin tức ở bên ngoài xã hội, nhưng đến giờ nó vẫn chưa thành hiện thực”.

Dân di cư tự do ở 14 cụm xã Đắk R’măng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang phải đối mặt với cái đói, cái nghèo và nỗi lo lắng về những ngày phía trước không biết đi đâu về đâu.

Theo lời anh Nguyễn Trọng Lực, Phó trưởng ban Công an xã, chính quyền xã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu dân di cư tự do, và điều nhức nhối nhất vẫn là bảo vệ rừng trước việc người dân xâm hại, đốt rừng làm rẫy.