Các khu công nghiệp tại Đà Nẵng: Đua nhau xả bụi, khí độc

TheinNhien.Net – Mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, xử lý, song các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh và cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh vẫn “đua nhau” xả khí thải, nước thải, đặc biệt là vào ban đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân sống tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nhiều năm nay, người dân nơi đây phải hứng chịu khí thải độc hại từ các ống khói của các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các nhà máy luyện thép nằm trong KCN Hòa Khánh và CCN Thanh Vinh. Mặc dù, người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương và cấp trên nhờ can thiệp đến nay vẫn chưa được xử lý. Hàng loạt nhà máy thép, nhà máy giấy… cứ “đua nhau” xả khí thải ra môi trường, bất chấp phản ứng của người dân.

Ngoài hứng chịu khí thải độc hại, nguồn nước thải đen ngòm từ KCN Hòa Khánh và CCN Thanh Vinh còn “tuồn” ra bên ngoài, ảnh hưởng đến hàng trăm ha lúa của những người dân xung quanh khu vực này. Dọc theo tuyến đường số 4 của KCN Hòa Khánh, nguồn nước thải xả ra từ khu công nghiệp hôi thối, đen ngòm liên tục chảy ra hệ thống kênh mương, sông, ao hồ, đồng ruộng… gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Khu công nghiệp Hòa Khánh có diện tích rộng nhất và lịch sử phát triển lâu dài nhất trong số các KCN của TP Đà Nẵng (Ảnh: Cổng TTĐT Vùng duyên hải miền Trung)
Khu công nghiệp Hòa Khánh có diện tích rộng nhất và lịch sử phát triển lâu dài nhất trong số các KCN của TP Đà Nẵng (Ảnh: Cổng TTĐT Vùng duyên hải miền Trung)

Theo phản ánh của chính quyền địa phương, nguyên nhân tồn tại các dấu hiệu vi phạm về môi trường chủ yếu là do cơ chế hoạt động, quản lý nhà nước của các KCN đang trong giai đoạn vừa thực hiện, vừa bổ sung hoàn thiện. Do đó, hiệu quả triển khai công tác phối hợp còn thấp. Hơn nữa, quá trình đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường không đơn giản, bởi phải bảo đảm hài hòa giữa tính nghiêm minh của pháp luật với chính sách phát triển kinh tế của địa phương và quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay, chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính còn thấp so với kinh phí bỏ ra để xử lý chất thải, dẫn đến hình thức xử phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Hơn nữa, lực lượng cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền ra quyết định áp dụng các hình phạt bổ sung như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, buộc di dời các doanh nghiệp vi phạm…

Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội– Chi nhánh miền Trung: Trong tổng số gần 150 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh, CCN Thanh Vinh hiện vẫn còn gần 50 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng đấu nối xử lý nước thải, lén lút xả thải ra môi trường khiến người dân bức xúc. “Để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải, trước hết, các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời, các ngành chức năng của thành phố cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với doanh nghiệp không thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải mà lén lút xả trộm ra môi trường”- ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan phải giám sát đầu ra của nước thải để đề xuất phương án xử lý; tính toán việc thu phí xử lý nước thải cho phù hợp; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và có chế tài xử phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm về môi trường”.