Bài học đắt giá với ngành than trong ứng phó với thiên tai, mưa lũ

ThienNhien.Net – Ngày 8/8, đoàn công tác của Bộ Xây dựng gồm các chuyên gia của đơn vị chức năng, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Cục Giám định chất lượng các công trình xây dựng…, do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chỉ đạo, đã đi thực địa hiện trường, kiểm tra các điểm sạt lở, ngập úng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để đánh giá mức độ chịu ảnh hưởng của các công trình trong đợt mưa lũ vừa qua; đồng thời khảo sát lại toàn bộ công tác quy hoạch khu dân cư.

Đoàn công tác đã có mặt tại các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước…, để tìm hiểu nguyên nhân hư hại, chỉ rõ những bất cập và đưa ra phương án khắc phục cả trước mắt lẫn lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, ngay sau đợt mưa lũ vừa qua, Bộ Xây dựng đã cử các đoàn công tác đến những địa phương hay bị ảnh hưởng thiên tai như Điện Biên, Quảng Ninh… để phối hợp khắc phục hậu quả, đưa ra các phương án phòng chống thiên tai bão lũ lâu dài cho các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước.

Đặc biệt, ngay sau chuyến khảo sát tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định phải chú trọng đến việc bố trí quy hoạch các khu dân cư bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân.

Sau đợt khảo sát thực địa tại một số tỉnh, thành phố, Bộ Xây dựng sẽ ra văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật phòng tránh nguy cơ mất an toàn khi có thiên tai – Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Tại điểm sạt lở cầu dẫn ra cảng Cái Lân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh Hoàng Đình Sáu cho biết, công trình này đang bị hư hỏng nặng do sạt lở

Dọn dẹp bùn đất, khơi thông cống rãnh thoát nước tại thành phố Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Dọn dẹp bùn đất, khơi thông cống rãnh thoát nước tại thành phố Hạ Long (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

mưa lũ. Nghiêm trọng nữa là điểm sạt lở này đang gây nguy hiểm cho các hộ dân nên chính quyền đã phải đi dời ngay 4 hộ dân trong khu vực này.

Phía Quảng Ninh cũng mong muốn các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra phương án khắc phục để công trình đảm bảo chất lượng, an toàn.

Một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất được đoàn công tác khảo sát là tại dốc đèo Bụt, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long. Tại đây, do lượng mưa lớn sói rửa thẳng vào chân đèo làm cho các tảng đá lớn long rời ra, mất ổn định, gây sạt lở đá núi và có thể rơi xuống đường giao thông bất cứ lúc nào. Đây là yếu tố gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Cùng đó, quanh khu vực dốc đèo Bụt còn có điểm dân cư trong đợt mưa lũ vừa qua bị úng ngập nặng trong 5 ngày cũng được đoàn công tác chỉ rõ nguyên nhân là do bất cập trong xử lý hệ thống thoát nước.

Điểm dân cư đô thị nằm giữa hai dãy núi nhưng chỉ có một đường thoát, trong khi đó nhiều nhà cửa xây kiên cố đã cản trở dòng chảy thoát nước nhất là khi lưu lượng nước quá lớn.

Nhìn chung, hệ thống thoát nước của thành phố bố trí cũng còn bất cập, không đáp ứng kịp nên xảy ra úng ngập nặng tại nhiều điểm dân cư.

Kiểm tra thực tế tại bãi thải đất đá Đông Cao Sơn của Công ty cổ phần than Cọc 6 cho thấy trận mưa vừa qua đã tạo dòng chảy lớn. Bùn thải tràn qua đập chắn vào khu dân cư phía dưới.

Mặc dù Tập đoàn Than Khoáng sản đã khắc phục bằng cách gia cố đập và nạo vét đất đá, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý số liệu mưa vừa qua phải đưa vào thiết kế bãi đổ thải, thiết kế chiều cao lấp đổ, hệ thống thoát nước, đê quây bãi thải… để bảo đảm yêu cầu an toàn.

Theo đánh giá của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, quy hoạch chung đô thị và các điểm dân cư của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng với các qui hoạch ngành vẫn còn những bất cập cần rút kinh nghiệm và sớm có kế hoạch khắc phục.

Bùn thải tràn vào nhà dân tại Mông Dương, Cẩm Phả ngày 29/7. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bùn thải tràn vào nhà dân tại Mông Dương, Cẩm Phả ngày 29/7 (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, từ năm 2012 tỉnh đã tổ chức rà soát và lập mới đồng loạt 7 quy hoạch chiến lược đều do các tổ chức tư vấn quốc tế lập.

Trên cơ sở như các quy hoạch chiến lược đã được phê duyệt, tỉnh triển khai cơ bản quy hoạch kinh tế xã hội các địa phương. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 45%, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đạt 50%. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với các địa phương.

Ngoài ra các quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật… cũng được chú trọng. phần lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng trên các triền đồi, nhất là nhà dân. Dù các công trình này đã được cấp phép xây dựng nhưng trong quá trình xây dựng không có kỹ thuật xử lý địa chất nên khi xảy ra thiên tai dễ mất an toàn.

Một trong những bất cập được tỉnh nhấn mạnh chính là quy hoạch ngành than. Hiện ngành than chưa có quy chung mà chỉ có quy hoạch của các công ty thành viên và được thực hiện trong ranh giới khai thác nên thiếu tính kết nối hạ tầng giữa khu vực khai thác, sản xuất và các khu dân cư lân cận.

Hàng tấn than đá trôi từ trên núi xuống sau trận lũ lịch sử tại phường Mông Dương (thành phố Cẩm Phả) đã khiến hàng trăm người dân liều mình lao xuống sông để ‘mót’. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng tấn than đá trôi từ trên núi xuống sau trận lũ lịch sử tại phường Mông Dương (thành phố Cẩm Phả) đã khiến hàng trăm người dân liều mình lao xuống sông để “mót” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại cuộc họp, đại diện ngành than cũng thừa nhận thiệt hại trong đợt mưa lúc vừa qua là bài học đắt giá và ngành đang phải thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài như gia cố đập chắn, nạo vét bãi chứa, về lâu dài phải hoàn thành quy hoạch chung, nghiên cứu lại toàn bộ các quy chuẩn tiêu chuẩn trong thiết kế các bãi thải.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Xây dựng khẩn cấp hỗ trợ rà soát lại các quy hoạch đang bộc lộ nhiều bất cập như cấp, thoát nước để tỉnh điều chỉnh bổ sung ngay trong thời gian tới, đặc biệt là quy hoạch về điểm dân cư an toàn.

Tỉnh cũng yêu cầu ngành than sớm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu khai thác; trong đó phải xác định rõ: khu khai thác, bãi đổ thải; khu vực có nguy cơ sụt lún, không đảm bảo môi trường; đồng thời xác định hành lang an toàn bảo vệ môi sinh các khu dân cư.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Đỗ Viết Chiến, từ thực tế và qua bài học của Quảng Ninh cần rà soát và cảnh báo cho tất cả các địa phương về việc gấp rút xác định bản đồ các khu vực ảnh hưởng thiên tai ngập lụt, sạt lở để xác định những khu vực an toàn, được cho phép xây dựng.

Chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần có phương án kết hợp hệ thống thủy lợi và phát triển đô thị để tránh ngập lụt bởi Quảng Ninh và nhiều đô thị miền núi có sông, suối chảy trong khu vực đô thị; kết hợp quy hoạch thủy lợi với quy hoạch phát triển đô thị để tránh dòng thoát lũ từ vùng núi xuống.

Trong phát triển đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần xác định các hạng mục, công trình ưu tiên để có lộ trình đầu tư, tìm các nguồn vốn thu hút đầu tư cho phù hợp từng giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp cho các địa phương có cơ sở lập, thẩm định các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

Tỉnh Quảng Ninh và các địa phương cần tập trung xử lý các vấn đề như ban hành quy chế quản lý nhà ở riêng lẻ, chuẩn bị “kịch bản” ứng phó trước mùa mưa lũ đối với toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là cấp, thoát nước – Thứ trưởng Lê Quang Hùng lưu ý. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khắc phục sự cố công trình thông sau mưa lũ.

Trong dịp này, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng đã ủng hộ đồng bào vùng thiên tai tỉnh Quang Ninh số tiền 40 triệu đồng.