Kết quả Dự án "Lợi ích của thích nghi với biến đổi khí hậu từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, đồng bộ với phát triển nông thôn"

ThienNhien.Net – Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường (KHKTTTMT) đã thực hiện dự án nghiên cứu, đánh giá “Lợi ích của thích nghi với biến đổi khí hậu từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, đồng bộ với phát triển nông thôn”. Sau hai năm triển khai thực hiện ( 2006-2008) với sự tài trợ của DANIDA, Đại sứ quán Đan Mạch và sự tham gia của nhiều chuyên gia của địa phương, chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế dự án đã hoàn thành các nội dung đã đề ra. Ngày 17 tháng 2 năm 2009 tại Hà Nội, Viện KH KTTVMT đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án.

Tham gia hội thảo có đại diện của Các bộ Khoa học Công nghệ, bộ Kế hoach Đầu tư, bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lào Cai, đại diện Trung tâm Dự báo KTTV tỉnh Lào Cai, đại diện các đơn vị của Bộ Tài nguyên Môi trường và đông đảo các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan, các cán bộ nghiên cứu của Viện KHKTTVMT.

Dự án “Lợi ích của thích nghi với biến đổi khí hậu từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, đồng bộ với phát triển nông thôn” được thực hiện với mục tiêu là điều tra và nghiên cứu các dự án thủy điện vừa và nhỏ để tận dụng được những lợi ích nhiều mặt của chúng đối với thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu cùng với phát triển nông thôn. Dự án được nghiên cứu, áp dụng thí điểm cho địa bàn tỉnh Lào Cai.

Dự án đã đạt được các kết quả chính sau đây:

1. Xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho tỉnh Lào Cai. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nhiệt độ trung bình năm ở Lào Cai có xu thế chung như xu thế toàn cầu là sẽ tăng lên trong thế kỷ 21. Mức tăng dự kiến sẽ tăng từ 1,3 đến 1,7oC vào năm 2050, và từ 2.1oC đến 4.2 oC vào năm 2100. Nhiệt độ sẽ tăng nhiều nhất vào các tháng 11 đến tháng 3 và tăng ít hơn vào tháng 7. Lượng mưa tỉnh Lào Cai trong thế kỷ 21 cũng có xu thế tăng và tăng mạnh nhất trong thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 4, là những tháng hiện nay được coi là khô hạn nhất trong năm.

2.Biến đổi khí hậu tác động đến tài nguyên nước các lưu vực sông của Lào Cai. Theo kết quả tính toán của dự án thì lưu lượng dòng chảy lũ (flood volumes) sẽ tăng trong thế kỷ 21. Mức tăng càng ngày càng lớn vào những thời kỳ cuối thế kỷ. Nhiệt độ tăng, lượng mưa tăng nhưng bốc hơi tăng dẫn đến dòng chảy mặt không tăng nhiều.

3. Thuỷ điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai chịu tác động của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thì trong thời gian tới do biến đổi khí hậu, lượng mưa có xu thế tăng vào các tháng mùa khô. Điểu này có thể có tác động tích cực đến thủy điện vừa và nhỏ, làm tăng sản lượng điện. Giả thiết rằng tất cả các dự án trong quy hoạch sẽ hoạt động vào 2015, nhu cầu điện năng của tỉnh sẽ được đáp ứng vào hầu như tất cả các tháng trừ tháng 2 và tháng 3.

4. Về môi trường, theo kết quả điều tra khảo sát đánh giá của các chuyên gia dự án thì xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ có thể ảnh hưởng tới các hệ sinh thái địa phương trong vùng dự án và khu vực lân cận. Một số tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình xây dựng công trình:

Việc xây dựng các nhà máy có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng đất: chiếm dụng đất cho kho bãi, nhà ở tạm, đường tạm trong khu vực dự án v.v. Việc chiếm dụng này có thể được khắc phục nếu đất được hoàn trả sau khi kết thúc xây dựng. Loại chiếm dụng đất lâu dài: đất sử dụng cho hồ chứa và xây đập, đập tràn, nhà máy điện, khu thải rác v.v. sẽ gây tác động xấu đến môi trường đất và sản xuất của người dân.

Các kết quả điều tra đánh giá cho thấy nhiều khúc sông nằm giữa đập và trạm phát điện sẽ bị khô hạn hoặc gần như khô vào mùa ít mưa. Các dự án được điều tra nghiên cứu ở các sông Ngòi Bo, Ngòi Xan và Suối Chút, tổng chiều dài các đoạn sông có nguy cơ bị khô hạn có thể lên tới 48,5 km. Cần phải mở xả dòng chảy bù đắp/ môi trường để đảm bảo duy trì hệ sinh thái thuỷ sinh, đa dạng sinh học và các hoạt động dân sinh dưới đập và hạ lưu.

Hệ thống thủy điện gây tác động đến di cư và cư trú của các loài thủy sản. Đập nước còn ngăn chặn con đường di trú của một số loài cá và làm mất đi các khu vực quan trọng cho cá, tôm…đẻ trứng và do đó làm thay đổi cấu trúc tự nhiên các nguồn cá trong sông và hồ. Sinh kế của các ngư dân trên toàn bộ dòng sông sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các hộ dân giữa đập và trạm phát điện sẽ vẫn bị ảnh hưởng xấu do thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước.

5. Tác động giảm nhẹ biến đổi khí hậu: Các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lao Cai được đánh giá là có tiềm năng giảm khí nhà kính rất lớn. Tiềm năng giảm khí nhà kính của toàn bộ hệ thống so với sử dụng nhiệt điện than là 4 – 5 triệu tấn (CO2 tương đương)/năm. Do biến đổi khí hậu mức giảm này có thể tăng lên. Sẽ là rất kinh tế nếu xây dựng thực hiện các dự án CDM cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lao Cai. Mặt khác do không có hồ chứa lớn nên thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai có lượng phát thải KNK từ các hồ chứa/đập rất bé và có thể bỏ qua.

6. Thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai không có hoặc có dung tích chứa nước hạn chế, vì vậy nói chung không ảnh hưởng đến cấu trúc lũ và dòng chảy cạn. Tác động vật lý đối với thích ứng với biến đổi khí hậu bằng việc giảm lũ của các dự án thủy điện vừa và nhỏ của Lào Cai có thể được coi là không đáng kể. Các dự án thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai cũng không có tác động bù đắp dòng chảy kiệt cho vùng hạ lưu.

Tuy nhiên theo đánh giá của dự án: Xây dựng và vận hành các dự án thủy điện vừa và nhỏ sẽ có tác động tích cực (gián tiếp hoặc trực tiếp) đến an toàn và an ninh kinh tế của người dân trong vùng. Một số lượng lớn công nhân sẽ có việc làm trong giai đoạn xây dựng và cả trong giai đoạn vận hành. Trong tương lai gần và trung hạn, hầu hết các bên liên quan sẽ được hưởng lợi từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ nhờ việc tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các nhà máy/dự án này. Nông dân trong vùng cũng sẽ được hưởng lợi về kinh tế vì họ được tiếp cận các nguồn điện rẻ và tin cậy hơn. Có thêm đường xá và khả năng tiếp cận các dịch vụ công ích (y tế, giáo dục v.v.), và từ đó cuộc sống được cải thiện. Khả năng bị tổn thương của họ sẽ giảm và họ sẽ có khả năng ứng phó cao hơn với các biến động về kinh tế và thiên tai. Tuy nhiên, cần tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề cho người dân địa phương để họ có nhiều hơn cơ hội có việc làm trong giai đoạn vận hành.