Dân đòi trả lại rừng được giao

ThienNhien.Net – Không được hưởng lợi từ rừng được giao quản lý, bảo vệ nhưng vẫn phải thực hiện trách nhiệm của chủ rừng là nguyên nhân khiến người dân tại nhiều địa phương bỏ rơi và muốn trả lại rừng được giao.

Nhiều bất cập

Mạng lưới Đất rừng (Forland) và Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (Crd) vừa hoàn tất nghiên cứu tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về chính sách giao rừng trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 trên cơ sở khảo sát thực tế tại nhiều tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua gần 10 năm triển khai, chính sách này bộc lộ rất nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Tại nhiều tỉnh, việc không được hưởng lợi từ rừng khiến người dân phá rừng mà họ được giao quản lý, bảo vệ.  (Ảnh: An Sơn)
Tại nhiều tỉnh, việc không được hưởng lợi từ rừng khiến người dân phá rừng mà họ được giao quản lý, bảo vệ (Ảnh: An Sơn)

Vấn đề nổi cộm hiện nay ở nhiều tỉnh là giao rừng không gắn liền với giao đất. Tại Thừa Thiên- Huế, đến nay tỉnh đã giao hơn  19.000ha rừng cho người dân quản lý bảo vệ, trong đó cộng đồng được giao hơn 14.000ha, nhóm hộ hơn 4.000ha và hộ gia đình hơn 1.000ha. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát tại các huyện A Lưới và Nam Đông, rất nhiều hộ gia đình và nhóm hộ mặc dù đã được giao rừng từ  từ lâu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ). Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều tỉnh khác.

Việc chậm cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp đã gây khó khăn cho hoạt động bảo vệ rừng của người dân được giao rừng. Người dân chưa đủ cơ sở pháp lý để chứng minh họ là chủ rừng nên không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép trong rừng được giao, thậm chí còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa, hành hung. Tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và niềm tin của người dân nhận rừng.

Tại nhiều địa phương, người dân còn bị mất rừng sau khi được giao. Đơn cử như 12 hộ dân tộc Tày ở thôn Than, xã Tân Pheo (Đà Bắc, Hòa Bình) được giao 225ha rừng tự nhiên và đã được cấp sổ đỏ từ hơn 15 năm nay. Vậy nhưng, vừa qua diện tích rừng này bị tỉnh thu hồi giao lại cho Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh mà không báo trước và không được đền bù. Cũng tại huyện này, rừng sản xuất đã giao cho hộ gia đình bị quy hoạch sang rừng phòng hộ đã khiến rất nhiều hộ dân bỗng dưng mất rừng. Ngoài ra, việc người dân không được hỗ trợ nguồn lực cần thiết ban đầu khiến việc bảo vệ, phát triển rừng được giao của họ gặp rất nhiều khó khăn là thực trạng phổ biến tại các tỉnh.

Dân bỏ rơi rừng

Kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh cho thấy, người dân được giao rừng chưa được hưởng lợi gì từ những khu rừng được giao. Do không được hưởng lợi trong một thời gian dài nhưng vẫn phải thực hiện trách nhiệm của chủ rừng nên người dân đã bày tỏ sự chán nản, nhiều hộ bỏ rơi rừng, thậm chí đòi trả lại rừng được giao.

Đơn cử như tại xã Hương Lộc (Nam Đông, Thừa Thiên- Huế), 58 hộ gia đình được giao rừng tự nhiên với diện tích được giao của mỗi hộ là từ 5-20ha. Tuy nhiên, sau 10 năm nhận rừng, hầu hết các hộ dân này không còn quan tâm đến diện tích rừng được giao, nhiều hộ từ năm 2012 đến nay không một lần ghé thăm rừng. Một tình trạng phổ biến khác tại nhiều tỉnh là do không được cơ quan nào cấp phép tận thu gỗ nên người dân đành để gỗ mục ở trong rừng. Việc khai thác gỗ thương mại của chủ rừng rất khó thực hiện do những quy định chồng chéo. Khi xử lý lâm tặc khai thác gỗ trái phép, chủ rừng cũng không được hưởng lợi gì.

Thực tế trên cho thấy Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 vẫn mang tính chất khung và thiếu cụ thể, tính minh bạch và khả thi chưa cao, và đang có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật này với một số luật chuyên ngành. Trên cơ sở đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề xuất xây dựng dự án Luật Lâm nghiệp để thay thế cho Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004.

Ngoài ra, đang có sự phân biệt về chính sách hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng giữa chủ rừng là UBND xã và chủ rừng là người dân. Cụ thể, các diện tích rừng do UBND các xã quản lý thì được nhà nước hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ là 100.000 đồng/ha/năm, còn rừng giao cho nhóm hộ thì không được nhà nước hỗ trợ đồng nào. Không sống được nhờ rừng nên nhiều nơi người dân lại trở thành kẻ phá rừng mà mình được giao bảo vệ. Ông Đinh Quang Long- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, bày tỏ: “Cần thiết phải có những chính sách hậu giao rừng, trả kinh phí cho cộng đồng, dựa vào cộng đồng, chứ để như tình trạng hiện nay thì ở Hòa Bình không ai còn muốn tham gia bảo vệ rừng nữa”.