ĐTM đập dâng sông Trà: Hội đồng thẩm định một đường, Chủ tịch tỉnh phê duyệt một nẻo

Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc vốn dĩ ý tưởng có từ lâu đời (trên 10 năm) khi chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thấy sông Trà ngày càng trơ đáy vì thượng nguồn bị ngăn cho đại công trình thủy lợi Thạch Nham và sau đó là các thủy điện chặn dòng.

Về dự án này, cần lược lại dòng thời gian như sau:

Sáng 21.9.2018, Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Ngãi tổ chức họp thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghệ Môi Trường Xanh, chủ đầu tư là BQL Dự án công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi báo cáo.

Tại báo cáo lần này, vì chưa làm rõ các vấn đề môi trường nên Hội đồng thẩm định trả hồ sơ, không thông qua.

Đến ngày 11.4.2019, Hội đồng thẩm định đã họp lần 2 và thông qua có chỉnh sửa ĐTM này.

Ngày 19.4.2019, Cơ quan thường trực Hội đồng ĐTM ra thông báo thẩm định và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chỉnh sửa một số nội dung ĐTM.

Ngày 15.5.2019 trên cơ sở yêu cầu của cơ quan thường trực Hội đồng ĐTM, chủ đầu tư đã có văn bản giải trình.

Ngày 16.5.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định phê duyệt thay đổi thiết kế kỹ thuật đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có mực nước dâng từ 3,65m xuống còn 3,5m. Cùng ngày, Sở Tài nguyên-Môi trường lập tờ trình trình UBND tỉnh phê duyệt ĐTM.

Ngày 17.5.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định phê duyệt ĐTM dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.

Qua các chuỗi sự kiện trên không khó để ta nhìn thấy sự khẩn trương đến mức bất hợp lý vì: Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường họp thẩm định trên cơ sở thiết kế chưa được thay đổi và BQL dự án làm văn bản giải trình ngày 15.5.2019 phải là bản giải trình ở thiết kế mực nước dâng là 3,65m. Tuy nhiên quyết định phê duyệt ĐTM ngày 17.5.2019 là ở thiết kế 3,5m; như vậy có nghĩa là chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô” khi thiết kế chưa được phê duyệt đã giải trình; trong khi đến ngày 16.5.2019 thiết kế mới được phê duyệt.

Trong khi đó tại điều 9, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có điểm cấm như sau: “Cấm đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép, gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông suối, hồ, kênh rạch”. Tất nhiên một khi Quốc hội đã ban hành luật cấm thì chỉ có Quốc hội mới là nơi tháo ngòi cho dự án này hoạt động, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu chính quyền cung cấp văn bản cho phép của Quốc hội.

Điều 63 luật này còn ghi rõ: “Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, hồ, xây dựng công trình… làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp nhận bằng văn bản” (“cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền” lúc này chính là Bộ Tài nguyên-Môi trường).

Vị trí dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc

Vậy xin đặt câu hỏi:

– Vì sao dự án có tác động rất lớn đến môi trường cũng như xã hội mà được làm nhanh, khẩn trương đến mức không tưởng như thế? Chưa nói đến tổ chức tư vấn môi trường không đủ khả năng đánh giá về đa dạng sinh học thay đổi trước và sau khi có đập dâng, chạy mô hình thủy lực dòng chảy khi có đập dâng. Có vị thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM nào bỏ phiếu thông qua mà đã đọc thuyết minh thiết kế của đập dâng khi giảm cao trình mực nước từ 3,65m xuống 3,5m chưa? Nếu chưa thì sao cơ quan thường trực lại trình thông qua?

– Tỉnh có cần tập trung trí tuệ và tiền của (ngân sách thu từ dân), thời gian hội họp kéo dài hơn 10 năm qua cho một con đập mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng cảnh báo không được đánh đổi về môi trường.

– Chi khoản ngân sách 1.500 tỉ đồng để xây đập có lợi cho ai, thuộc nhóm xã hội nào và nếu không xây đập có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh?

Tóm lại những vấn đề đi ngược với quy luật tự nhiên bao đời nay thì tốt nhất nên cân nhắc kỹ.