Dự án khai hoang rừng tại EA Súp, Đắk Lắk: Sai phạm, lãng phí lớn

ThienNhien.Net – Năm 2002, Tổng Công ty 16 – đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng – khai hoang hàng nghìn hécta rừng tự nhiên trên bình nguyên Ea Súp, tại các xã Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) và đưa hơn 2.000 hộ dân vào lập nghiệp. Tuy nhiên, do sai lầm trong việc lựa chọn cây trồng cùng với điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt nên khiến đời sống của người dân vô cùng cơ cực. Đã vậy, khi dân cần đất sản xuất, thì không có đất cấp cho dân theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bởi… chủ đầu tư đã liên kết với doanh nghiệp tư nhân trồng keo nguyên liệu giấy.

Kỳ 1: Rừng tự nhiên thành… 13.000ha điều không quả!

Chưa khảo nghiệm, nhưng Tổng Công ty 16 đã ồ ạt khai hoang rừng tự nhiên để trồng điều, hậu quả là hơn 13.000ha điều không có quả, lãng phí hơn 140 tỉ đồng. Sau đó chủ đầu tư chặt điều, liên kết với Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai trồng keo nguyên liệu giấy trước khi được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, khiến người dân trong vùng dự án thiếu đất sản xuất.

Trưởng thôn Trần Đăng Khoa: “Thôn tôi có 50 hộ mang tiếng được cấp đất, nhưng toàn cấp trên vườn keo doanh nghiệp nên chưa sản xuất được”.
Trưởng thôn Trần Đăng Khoa: “Thôn tôi có 50 hộ mang tiếng được cấp đất, nhưng toàn cấp trên vườn keo doanh nghiệp nên chưa sản xuất được”.

Gần 150 tỉ đồng trồng điều để… chặt bỏ

Năm 2002, Tổng Công ty 16 được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 29.000ha đất tại các xã Ia R’vê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp để thực hiện dự án kinh tế – quốc phòng. Từ năm 2003, Tổng Công ty đã tiếp nhận 2.301 hộ dân, gồm 10.000 nhân khẩu – chủ yếu đến từ tỉnh Bến Tre và vùng lòng hồ Cửa Đạt ở Thanh Hóa – vào vùng dự án. Để tạo sinh kế cho người dân, chủ đầu tư tiến hành khai hoang rừng tự nhiên, đầu tư trồng hơn 14.000ha điều, giao khoán cho dân. Nhưng đến khi thu hoạch, phần lớn diện tích điều… không có quả, năng suất bình quân chỉ đạt 17kg/ha. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Nguyên nhân là chủ đầu tư chưa phân tích mức độ thích nghi của đất đai đối với cây điều, chưa tiến hành khảo nghiệm trước khi trồng đại trà. Cụ thể, ngay trong năm đầu (2002), đơn vị đã trồng hơn 2.800ha, đến cuối năm 2005 diện tích điều đã lên tới hơn 13.670ha. Trong đó có 1.670ha không có trong quy hoạch được duyệt, làm tăng chi phí thêm 12,54 tỉ đồng. Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Tây Nguyên, trong diện tích đã trồng chỉ có 12,76% thích hợp với cây điều, 38,61% thích hợp ở mức độ hạn chế, 48,64% hoàn toàn không thích hợp. Liên quan đến dự án này, Tổng Công ty 16 đã được Ngân hàng Phát triển VN Chi nhánh tỉnh Bình Phước xóa nợ hơn 82 tỉ đồng, khoanh nợ gốc 65,7 tỉ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc Tổng Công ty 16 lựa chọn cây điều làm cây trồng chủ lực của dự án là chưa có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn, vi phạm quy định của Nhà nước về đầu tư, gây lãng phí 143 tỉ đồng của Nhà nước.

Dân khốn đốn vì keo

Sau khi được xóa nợ, khoanh nợ, Tổng Công ty 16 đã tiến hành chặt bỏ vườn điều, liên kết với Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) trồng keo nguyên liệu giấy. Mặc dù đến năm 2008, Bộ Quốc phòng mới có văn bản cho phép hợp tác với Công ty Tân Mai, nhưng thực tế Tổng Công ty 16 đã tự ý thực hiện từ năm 2007. Phương án chuyển điều sang keo được bộ chấp thuận là 4.738,45ha, sau đó điều chỉnh thành 10.288,97ha. Nhưng trước đó, Tổng Công ty 16 đã ký phụ lục hợp đồng (số 47/01/PLHĐ-HTĐT) với Công ty Tân Mai, thể hiện nội dung hợp tác trồng rừng nguyên liệu giấy trên gần… 30.000ha. Nghĩa là toàn bộ diện tích đất của dự án kinh tế – quốc phòng, gồm cả đất xây dựng công trình của các đơn vị, đất xây dựng hạ tầng, cả đất nông nghiệp và đất ở đã giao cho người dân, 5.400ha rừng phòng hộ… Trong khi Tổng Công ty 16 được Nhà nước giao đất là để tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Đây là việc làm vi phạm quy hoạch sử dụng đất, các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư, không đúng với chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Rất may là đến nay Công ty Tân Mai mới trồng được 7.000ha keo, nếu doanh nghiệp này trồng keo hết diện tích hợp đồng thì người dân sẽ không còn đất ở, đất sản xuất.

Ngay sau khi Tổng Công ty 16 liên kết với Công ty Tân Mai trồng keo, người dân trong vùng dự án đã phản ứng gay gắt. Nguyên nhân là khi phá điều trồng keo, các đơn vị thuộc Tổng Công ty 16 chưa thanh lý hợp đồng giao khoán, chưa bồi thường chi phí khai hoang cho người dân. Mặt khác, dự án trồng điều không hiệu quả về tổng thể, nhưng vẫn có khoảng 5.000ha tạo được thu nhập cho người dân, ngoài ra các hộ nhận khoán còn trồng xen cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Còn với dự án trồng keo, dân chỉ làm thuê hưởng công đoạn, không trồng xen cây ngắn ngày được.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Công ty Tân Mai được Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông cho vay vốn ưu đãi trồng keo với lãi suất 6,9%/năm, nhưng hợp đồng ký với Tổng Công ty 16 lại thể hiện lãi suất ngân hàng lên tới 21%/năm. Từ mức lãi suất này, Công ty Tân Mai và Tổng Công ty 16 đẩy vốn đầu tư, tính sản lượng nộp khoán của người dân quá cao.

Ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Ia R’vê – cho biết: “Khác với cây điều trước đây, dự án trồng keo lúc đầu dự kiến giao khoán cho dân, nhưng tính sản lượng nộp khoán 117 ster gỗ/ha là quá cao nên dân không nhận. Do vậy Công ty Tân Mai chỉ thuê công đoạn, người dân không được phân chia lợi nhuận khi vườn keo thu hoạch”. Còn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc phân chia lợi nhuận là chưa hài hòa, bởi phần lợi hơn thuộc về… Công ty Tân Mai.