Điểm sáng từ mô hình “ngân hàng cộng đồng” tại Đắk Hà

ThienNhien.Net – 4 năm qua “Ngân hàng cộng đồng” đã giúp bà con dân tộc thiểu số huyện Đắk Hà (Kon Tum) vượt qua những ngày giáp hạt khó khăn.

Nhiều năm nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cải thiện rõ nét qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Một trong những mô hình phát huy tính hiệu quả này là mô hình “Ngân hàng cộng đồng” (NHCĐ) của huyện Đăk Hà.

Từ “ngân hàng lương thực cộng đồng” được xây dựng như “kho thóc” của người đồng bào dân tộc thiểu số dựng lên khi bắt đầu thu hoạch mùa vụ – là nơi cất giữ, bảo quản, dự trữ hoa màu, lương thực; đến nay, các “ngân hàng” đã phát triển thành NHCĐ, giúp bà con có thể vay thêm phân bón, vốn để phát triển sản xuất.

NHCĐ tại Đắk Hà được xây dựng như “kho” chứa lương thực, phân bón, giúp bà con vượt qua những thời điểm khó khăn (Ảnh: Mai Vy)
NHCĐ tại Đắk Hà được xây dựng như “kho” chứa lương thực, phân bón, giúp bà con vượt qua những thời điểm khó khăn (Ảnh: Mai Vy)

Xã Đăk La, huyện Đăk Hà xây dựng 6 NHCĐ cho 6 làng người đồng bào dân tộc thiểu số với hỗ trợ ban đầu là 12.399 kg lúa và 40.900 kg phân bón. Từ nguồn quỹ ban đầu này, NHCĐ đã giúp được hàng trăm lượt vay quay vòng cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu ăn mùa giáp hạt, giúp đỡ các hộ vay phân bón đầu tư vào trồng trọt tăng năng suất cây trồng.

Cũng như xã Đăk La, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Ngọk Réo cũng được thụ hưởng nhiều ưu đãi từ 8 điểm NHCĐ ở 8 thôn, làng.

Ông Đinh Văn Phát – Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà khẳng định, NHCĐ đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh trật tự trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Tình trạng vay nóng với lãi suất cao, thu hoạch nông sản non hay đói ăn mùa giáp hạt tại xã đã giảm nhiều. Nhiều hộ nghèo nhờ vào những chính sách này mà đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã tự tin xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình, góp phần xây dựng đời sống khu dân cư ngày càng tiến bộ.

Để đưa NHCĐ vào hoạt động, ban đầu, huyện Đăk Hà đã tiến hành trích kinh phí mua lúa, gạo, phân bón rồi tiến hành phân bổ về các điểm ngân hàng. Từ đó, dựa vào nhu cầu cần vay của các hộ nghèo mà tiến hành cho vay với lãi suất thấp nhất. Cứ sau 6 tháng, các điểm NHCĐ sẽ tiến hành thu lãi một lần để tiến hành quay vòng cho vay các hộ khác.

Đặc biệt, tất cả các Ngân hàng cộng đồng ở Đăk Hà do chính người dân trong thôn, làng điều hành; nhờ sát dân, sát hộ nên tránh được việc cho vay sai đối tượng, sai mục đích hay người vay trây ì không hoàn trả vốn vay.

Được triển khai từ đầu năm 2011, đến nay đã có 61 NHCĐ tại 59 thôn, làng của huyện. Qua đó, đã phân bổ 900 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, hơn 114.981 kg lúa, 67.400 kg gạo và 300 tấn phân bón được cho vay tới bà con dân tộc thiểu số trong huyện.

Việc xóa bỏ được tình trạng vay nóng với lãi suất cao, thu hoạch nông sản non dẫn đến việc thương lái ép giá đã giúp người đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Qua đó, cải thiện đời sống, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng nông thôn, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ vậy, NHCĐ còn giữ vững vai trò đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó chủ động và hiệu quả theo yêu cầu “4 tại chỗ” nếu thiên tai, bão lũ xảy ra trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Hà.