JICA hỗ trợ Việt Nam quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững

ThienNhien.Net – Chiều 9/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Mutsuya Mori đã ký kết “Dự án hỗ trợ kỹ thuật: Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững”.

Lễ ký kết "Dự án hỗ trợ kỹ thuật: Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững"(Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)
Lễ ký kết “Dự án hỗ trợ kỹ thuật: Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững”(Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)

Dự án này do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm tăng cường năng lực cho Việt Nam về quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững từ nay đến năm 2020, triển khai tại 5 tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Lâm Đồng.

Dự án gồm 4 hợp phần chính như: Hỗ trợ chính sách; Quản lý rừng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+); Đa dạng sinh học và chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 45% vào năm 2020, cải thiện năng suất và chất lượng rừng, góp phần giảm nghèo cho người dân sinh sống tại các vùng nông thôn miền núi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, dự án được ký kết có ý nghĩa quan trọng để đưa ra các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cải thiện chính sách giống lâm nghiệp và nâng cao chế biến, thương mại lâm sản, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Các dự án vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản đã và đang giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam phục hồi tài nguyên rừng, tăng cường năng lực cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương trong quản lý tài nguyên rừng, hướng tới phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT triển khai hơn 10 dự án kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ khẩn cấp với kinh phí khoảng 50 triệu USD. Ngoài ra còn có 3 dự án vay vốn trong lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp với tổng số vốn gần 400 triệu USD.