Cơ hội tái cơ cấu ngành cao su – Trồng cao su là “bài toán” dài hạn

ThienNhien.Net – Sự biến động của thị trường cao su thế giới khiến từ đầu năm đến nay, giá cao su trong nước liên tục giảm mạnh. Điều này tác động tới tâm lý của các hộ nông dân trồng cao su trong cả nước, dẫn tới việc có những diện tích cao su bị chặt phá, dư luận lo ngại.

Tuy nhiên, việc người dân chặt bỏ cao su chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Công nhân công ty TNHH một thành viên Cao su Dầu Tiếng khai thác mủ cao su (Ảnh: Đình Huệ /TTXVN)
Công nhân công ty TNHH một thành viên Cao su Dầu Tiếng khai thác mủ cao su (Ảnh: Đình Huệ /TTXVN)

Theo số liệu của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 3.800 ha diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi sang cây trồng khác. Trong đó, có trên 3.100 ha (chiếm 81%) cây cao su do mưa bão gãy đổ, già cỗi,… người dân tranh thủ lúc giá cao su xuống thấp để tiến hành thanh lý sớm nhằm giải phóng đất, tái canh cao su bằng giống mới năng suất cao hơn.

Song cũng có khoảng 733 ha cao su (19%) mới trồng hoặc bắt đầu thu hoạch bị chặt phá, chuyển đổi tự phát sang cây trồng có giá trị cao như tiêu, cà phê, chanh dây,…

Bài toán trong 25 năm

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), với người trồng cao su, việc chặt bỏ những cây già cỗi hàng năm là một trong những hoạt động nhằm đầu tư những diện tích mới có thể khai thác đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn. Chỉ riêng Tập đoàn VRG mỗi năm chặt 10.000 – 12.000 ha vườn cao su già cỗi để thanh lý trồng mới.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, giá cao su hiện nay không phải là quá thấp mà chỉ thấp hơn so với những năm giá đạt đỉnh như 2011 – 2012. Thời điểm này, lợi nhuận từ việc trồng cao su không thể bằng như những năm trước đây, song trong điều kiện giá cao su hiện nay, người dân vẫn làm ăn có lãi. Chính vì vậy, người dân chỉ nên chuyển đổi hoặc trồng mới những vườn cây có quá trình đầu tư và giống không tốt hoặc trồng trên loại đất không phù hợp.

Về thông tin người dân chuyển đổi một số diện tích cao su, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, 3.800 ha bị thanh lý so với tổng diện tích trồng cao su cả nước là 950.000 ha, không phải là lớn. Một số diện tích nông dân chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng (chủ yếu rơi vào vườn cây hiệu quả kinh tế không cao, do cạo quá sức, đất không phù hợp hay giống kém chất lượng), Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý, cây cao su là cây lâu năm, bài toán hiệu quả cây cao su không thể nói con số của một năm mà là con số của 25 năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp ở các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để tránh việc chặt bỏ tràn lan, gây thiệt hại kinh tế.

Việc người dân tự phát tăng diện tích cao su dẫn đến phá vỡ quy hoạch khi được giá, rồi tự ý chặt bỏ khi sản phẩm rớt giá là tình trạng chung. Ông Trần Ngọc Thuận nhận định: “Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu ngành cao su nói chung và vườn cây cao su nói riêng. Với giá gỗ cao su trên thị trường hiện nay từ 180-200 triệu đồng/ha thì người dân vừa tái canh, vừa có một khoản tiền đầu tư để “chịu đựng” trong những năm giá cao su xuống quá thấp. Về lâu dài, Nhà nước nên duy trì quy hoạch cả nước là 800.000 ha cao su là hợp lý, song cần điều chỉnh quy hoạch diện tích cao su ở từng vùng miền, vùng nào phù hợp thì phát triển cao hơn, vùng nào không phù hợp thì phát triển ít hơn, khi thành công thì phát triển tiếp theo”.

Ông Trần Ngọc Thuận cũng khuyến cáo, cao su không phải là cây trồng số một mà chỉ là loại cây ổn định lâu dài. Các địa phương và bà con nông dân cần tính toán kĩ, cây nào hiệu quả hơn thì trồng, không nhất thiết phải trồng cao su. Đặc biệt, đối với những vườn cao su cho năng suất thấp, trồng đất không phù hợp thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. “Để người dân sản xuất hàng hóa không có hiệu quả thì bản thân chúng tôi cũng có trách nhiệm, nhưng trong bối cảnh chung, chúng ta cần bình tĩnh. Với dự báo hiện nay, tình hình cao su không phải là bế tắc, hướng phát triển vẫn có. Vì vậy, chúng tôi mong lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành có cao su triển khai các biện pháp thắt chặt, giảm giá thành đầu tư đối với diện tích trồng mới để có hiệu quả và lợi nhuận”, ông Thuận chia sẻ.

Không chạy theo diện tích

Phát biểu tại hội nghị về sản xuất cao su năm 2014 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho biết, có 3 kịch bản được đưa ra trong thời gian tới là: Mức giá tốt ở 2.500 USD/tấn; giá vừa ở mức 2.000 USD/tấn và giá thấp là 1.500 USD/tấn; trong đó khả năng giá ở mức 2.000 USD/tấn trong vòng 3 năm tới là có cơ sở. Tuy nhiên, người trồng cao su cần tính toán theo chiều hướng thấp nhất để chủ động hạ giá thành sản phẩm. Riêng đối với VRG, ông Thuận cho hay, ở mức giá 42 triệu đồng/tấn người trồng cao su vẫn có lãi từ 3-5 triệu đồng/tấn. Trong 38 triệu đồng giá thành, tiền lương công nhân chiếm 50%.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Tập đoàn VRG, Sở NN&PTNT các tỉnh có văn bản hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường. Sắp tới mùa trồng mới cao su, các đơn vị phải rà soát lại các dự án trồng mới cao su. Những nơi nào tính trong 25 năm nữa với điều kiện giá 1.500 USD/tấn mà vẫn có lãi thì mới trồng mới, còn không thì “kiên quyết không được trồng mới”. Thay vào đó, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp, địa phương cần tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các cây hiện có để nâng cao năng suất chất lượng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Nhu cầu cao su của thế giới vẫn tăng nhưng trước mắt việc dư thừa cao su đã làm giá sụt giảm. Tuy nhiên, chênh lệch cung cầu sẽ rút ngắn dần trong vài năm tới nhờ kinh tế đang phục hồi. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị liên quan cần thông tin rõ nguyên nhân và triển vọng của thị trường cao su để người dân hiểu rõ bản chất của khó khăn hiện nay, bình tĩnh ứng phó để duy trì phát triển vì cây cao su là cây lâu năm, cần tính toán hiệu quả trên 25 năm. Ngành cao su cần rà soát quy hoạch, không chạy theo diện tích, thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành và kiên trì phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị giá tăng.

Để tự “gỡ khó”, Hiệp hội cao su Việt Nam đã đề xuất: Giảm cường độ cạo, ví dụ trước đây 3 ngày cạo một lần thì nay chuyển sang 4 ngày cạo một lần, vừa bảo đảm dưỡng cây tốt hơn, giảm sản lượng và giảm giá nhân công; không mở cạo sớm và tạm kéo dài các năm cuối của thời gian kiến thiết cơ bản; tái canh bằng giống mới cao sản… Hiệp hội cao su cho rằng Nhà nước cần xem xét tháo gỡ khó khăn về thuế giá trị gia tăng trong kinh doanh xuất khẩu cao su, đưa thuế xuất khẩu cao su trở lại mức 0%….

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất cao su tiểu điền. Trước dự báo, thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, không chạy theo diện tích. Ngành cao su sẽ tập trung vào việc cải thiện khâu trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn; đồng thời tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho chế biến sâu, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô.