Dân bế tắc vì mất tiền khoán bảo vệ rừng!

ThienNhien.Net – Theo các chủ rừng ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thì họ chỉ được nhận tiền khoán bảo vệ rừng đến hết năm 2007, còn những năm trở về sau này thì không có.

Khu rừng phòng hộ do gia đình ông Trần Kim Quyến trồng từ năm 1990. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Khu rừng phòng hộ do gia đình ông Trần Kim Quyến trồng từ năm 1990. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Mặc dù được vận động tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ Trị An từ năm 1990 nhưng nhiều hộ dân ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đến nay vẫn chưa nhận được đồng tiền khoán bảo vệ rừng nào, khiến cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn…

Rắc rối khi nhận trồng rừng

Ông Trần Kim Quyến (ấp Dốc Mơ, xã Gia Tân 1) dẫn chúng tôi tham quan khu rừng toàn cây sao do chính gia đình ông trồng cách đây khoảng 25 năm. Khu đất có diện tích gần 18.000 m2 này của cha mẹ ông để lại và được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ từ năm 2003.

Năm 1990, khi có chủ trương vận động người dân trồng rừng phòng hộ nhằm bảo vệ hồ Trị An, gia đình ông đã tích cực đăng ký tham gia. Các chủ đất được nhận cây giống của nhà nước về trồng và hàng ngày phát dọn cỏ, chăm sóc cây, phòng chống cháy rừng, canh trực không để cây rừng bị chặt phá…

Ông Trần Kim Quyến chia sẻ: “Hồi đầu, cuộc sống của bà con chúng tôi còn rất khó khăn nên khi nghe vận động tham gia trồng rừng sẽ được miễn đóng thuế nông nghiệp, ngoài ra còn được hỗ trợ 100.000 đồng/ha tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm khiến các hộ đều hăng hái đăng ký ngay.

Vậy nhưng không ai nghĩ rằng sẽ xảy ra sự cạnh tranh giữa cây rừng với cây căn quả, hoa màu, gây bất lợi cho người dân đến như vậy”.

Lúc cây rừng còn nhỏ, gia đình ông Quyến đã tận dụng đất trống để trồng xen canh chôm chôm, mít, cà phê… Nhờ đó gia đình có được nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, khi cây rừng lớn lên, tán vươn cao và che hết ánh sáng khiến cây ăn quả, hoa màu trồng bên dưới không phát triển được. Để tìm cách cứu vãn vườn cây ăn trái, ông Quyến đã phải kéo ống bơm nước từ dưới hồ Trị An lên tưới, đầu tư bón phân thường xuyên nhưng cũng chẳng ăn thua.

Vì có bao nhiêu chất dinh dưỡng cây rừng khỏe mạnh đều ăn hết, khiến cây ăn trái, hoa màu bị cằn cỗi không ra trái hoặc có cũng rất ít nhưng rồi bị hư không thu hoạch được.

Chính vì làm ăn thua lỗ nên nhiều năm qua ông Quyến chán nản không muốn đầu tư chăm sóc cho vườn cây ăn trái nữa. Mới đây gia đình ông quyết định đốn sạch cây ăn trái để bán củi với giá hơn 3,2 triệu đồng.

Sau đó ông chuyển sang mô hình nuôi gà vườn, nuôi heo nhưng hiện đang gặp khó khăn vì chưa nắm vững kĩ thuật trong chăn nuôi khiến cuộc sống gia đình bấp bênh.

Tương tự, trường hợp của chủ rừng Nguyễn Văn Mẹo (tại khu vực lòng hồ Thánh Tâm) cũng chỉ có tài sản lớn nhất gồm hơn 8 sào đất rừng. Năm 1991, khi được địa phương vận động, gia đình ông tham gia trồng rừng phòng hộ.

Lúc đầu, ông còn tận dụng đất trống để trồng xoài, chuối… đem lại thu nhập ổn định. Nhưng khi cây rừng lớn lên khiến các loại cây ăn quả trồng xen không sống nổi, ông đành phải đốn cây ăn trái.

Cần sớm giải quyết cho dân

Theo các chủ rừng thì họ chỉ được nhận tiền khoán bảo vệ rừng đến hết năm 2007, còn những năm trở về sau này chưa ai nhận được đồng nào.

Nhiều lần bà con kéo nhau ra xã thắc mắc thì chỉ nghe cán bộ xã bảo cứ về nhà đợi thông báo, nhưng hết năm này đến năm khác họ chẳng nhận được một câu trả lời nào từ phía chính quyền về việc này.

Bất cập trong việc trả tiền giao khoán trồng và bảo vệ rừng khiến các hộ dân rất bức xúc. Chủ rừng Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, so với đời sống hiện nay mà áp dụng mức hỗ trợ 100 ngàn đồng/ha tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm là quá thấp.

Đoàn liên ngành Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đang đi kiểm tra khu vực rừng phòng hộ Trị An (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất). (Ảnh: nongnghiep.vn)
Đoàn liên ngành Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đang đi kiểm tra khu vực rừng phòng hộ Trị An (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất). (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ông Đoàn đưa ra ví dụ, nếu 1 ha đất của nhà ông không trồng rừng mà để trồng cây điều mỗi năm ông phải kiếm khoảng 40 triệu đồng tiền lời. Vì vậy, ông đề nghị, nếu để người dân tiếp tục tham gia bảo vệ cây rừng thì lãnh đạo các cấp cần phải xem xét hỗ trợ sao cho hợp lý.

“Nếu các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền không sớm đưa ra cơ chế giải quyết kịp thời cho bà con thì xung đột giữa cây rừng với cây ăn trái ngày càng nghiêm trọng hơn.

Do vậy, để có thu nhập sẽ buộc người dân phải tỉa tán, thậm chí tìm mọi cách làm cho cây rừng chết. Bởi thực tế hiện nay, một số người đã chặt tỉa hết tán, khiến cây rừng không phát triển nổi”, ông Đoàn nói.

Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất, trên địa bàn huyện có hơn 140 ha rừng trồng, với 152 hộ dân tham gia trồng rừng (cây sao đen) được quy hoạch rừng phòng hộ Trị An từ năm 1991 – 1993.

Diện tích rừng này được trồng trên đất của dân, theo phương thức Nhà nước đầu tư cây giống, công trồng, công chăm sóc trong 3 năm đầu. Tuy nhiên, về kinh phí khoán bảo vệ rừng hàng năm, các hộ dân mới chỉ nhận tiền đến hết 2007, còn từ 2008 đến nay chưa ai nhận được đồng nào.

Trong thời gian đầu, các chủ rừng trồng xen cây ăn quả, điều, hoa màu dưới tán rừng. Đến nay, hầu hết diện tích rừng đã khép tán, dẫn đến việc cạnh tranh về không gian sinh trưởng và dinh dưỡng giữa cây sao đen và cây trồng của dân khiến năng suất giảm, đồng thời không thể tiếp tục trồng xen cây ăn trái hoa màu.

Từ thực tế đó, UBND huyện Thống Nhất đã đề nghị Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai kiến nghị cấp có thẩm quyền tìm hướng giải quyết chi phí khoán bảo vệ rừng trong 8 năm (từ năm 2008 -2015) và các năm tiếp theo cho các hộ dân tham gia trồng rừng nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.

Ngoài ra, để động viên bà con tham gia tích cực trong công tác bảo vệ rừng, huyện còn kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng chi trả tiền khoán bảo vệ rừng đối với rừng phòng hộ từ 50 – 70% mức lương tối thiểu/ha/năm.

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, mới đây trong đợt về kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2014 – 2015 tại huyện Thống Nhất, đoàn công tác liên ngành cũng đã nắm rõ thực trạng rừng phòng hộ Trị An.

Đồng thời, ông cũng đã có báo cáo vấn đề trên tại cuộc họp của Ban chỉ đạo để bàn kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, sự việc cũng chỉ dừng lại ghi nhận chứ chưa tìm ra được hướng giải quyết.

Trong kỳ kiểm kê rừng 2011, UBND huyện Thống Nhất đã đề nghị đưa diện tích hơn 140 ha rừng trồng phòng hộ Trị An ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất). Lý do, rừng phòng hộ nhưng được trồng trên đất của dân (đa số các chủ hộ tham gia trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng trồng cây lâu năm).Tuy nhiên, đến nay, đề nghị của UBND huyện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.