Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch ở Tây Giang

ThienNhien.Net – Cuối tháng 5 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức khảo sát thực địa tại vùng rừng núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nhằm kiểm định hồ sơ để xét công nhận Cây Di sản Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Tại đây, các chuyên gia của Hội không chỉ đo đạc thực tế, xác định tuổi của 2 cây đa cổ thụ và một số cá thể điển hình trong tập đoàn cây Pơ mu khổng lồ tại xã A San thuộc H. Tây Giang mà còn khảo sát và phát hiện nhiều tiềm năng đa dạng sinh học khác trong vùng, nhất là những phát hiện về tiềm năng du lịch, dựa vào sự đa dạng về sinh học, cảnh quan môi trường, kiến tạo địa chất, cùng những nét đặc thù về lịch sử và văn hóa của người Cơ Tu ở Tây Giang.

08062015_baotonddsh
Đến thôn Arởh, xã Lăng (Tây Giang) để chiêm ngưỡng nét văn hóa kiến trúc độc đáo của những dãy nhà Đong dành cho cộng đồng người Cơ Tu. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia dựa trên những dẫn liệu cụ thể vừa phát hiện được trong quá trình khảo sát và những căn cứ khoa học có sức thuyết phục đã nhận được sự đồng thuận của địa phương. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc đã yêu cầu các chuyên gia của Hội trực tiếp truyền đạt những ý kiến này đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương đang dự Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, nếu các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương biết dựa vào cộng đồng, biết tổ chức khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người và những di sản của cha ông để phát triển du lịch thì sẽ trở thành lợi thế, là động lực để người dân Tây Giang nhanh chóng thoát nghèo, đồng thời cũng là nền tảng, để phát triển kinh tế -xã hội địa phương theo hướng bền vững.

Có rất nhiều loại hình du lịch như du lịch Cây Di sản, địa chất, lịch sử, môi trường…, có thể đưa vào áp dụng ở địa phương để phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân bởi Tây Giang là vùng đới xáo trộn, được hình thành bởi sự dồn ép giữa 2 mảng thạch quyển cổ cách đây hàng triệu năm. Những khu rừng nguyên sinh còn in đậm dấu chân của những người xưa trên đường mòn vận chuyển muối, vẫn còn những cây Pơ mu khổng lồ bậc nhất Việt Nam (có cây chu vi thân tới 7,52 m). Vùng đất này cũng còn lưu lại một số đoạn đường Hồ Chí Minh lịch sử, địa đạo A Xò sâu hút; đặc biệt đây là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang Alăng Bhuôch ở xã Bha Lê, tuy bị mù cả hai mắt từ khi mới sinh nhưng vẫn băng rừng lội suối, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, lương thực hỗ trợ bộ đội đánh Mỹ cứu nước. Nơi đây còn có nhiều trống đồng cổ và những ngôi nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu, một tộc người có màu da trắng, tóc đen, ngữ âm gần giống các tộc người phía Bắc, có điệu múa “tung tung, ya yá” đặc sắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho rằng: Tây Giang có khí trời trong lành và mát lạnh của vùng núi ở độ cao hơn 1.000m, có những loại rượu dân tộc ngon như Ba kích – Đẳng sâm, rượu Tà vạt, rượu Tr’đin…, tạo nên những nét riêng hấp dẫn du khách. Mặt khác, vùng đất này cũng là “kho báu” để các nhà khoa học khai thác, phục vụ cho công tác nghiên cứu về đa dạng sinh học và văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu.